Chính sách đối ngoại duy nhất của ông Trump mà ông Joe Biden muốn giữ

Hoài Thanh |

Mạng tin Axios (Mỹ) dẫn lời một số cố vấn của ông Joe Biden cho biết, tổng thống đắc cử Mỹ phản đối gần như toàn bộ các sáng kiến ngoại giao của ông Trump, nhưng sẽ giữ lại một chính sách: Thỏa thuận hòa bình Abraham.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel - UAE và Bahrain tại Nhà Trắng hôm 15/9 vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel - UAE và Bahrain tại Nhà Trắng hôm 15/9 vừa qua. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là thỏa thuận hòa bình mới được ký kết giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain thông qua vai trò trung gian, điều phối của chính quyền Trump. Giữ lại thỏa thuận này sẽ giúp ông Biden xây dựng được quan hệ tích cực với giới lãnh đạo Israel và các nước vùng Vịnh.

Theo Dan Shapiro, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời Barack Obama, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước trong khu vực là điều mà ông Biden đã nói rõ trong chiến dịch tranh cử và sẽ theo đuổi. Chính quyền mới tại Mỹ sẽ đẩy các quốc gia Arab khác ký thỏa thuận với Israel và “đây có thể là chính sách ngoại giao duy nhất của ông Trump mà ông Biden đã có phản ứng tích cực”.

Tổng thống đắc cử Mỹ từng cam kết sẽ đảo ngược nhiều chính sách gây tranh cãi của ông Trump như rút Mỹ khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris. Ông Joe Biden cũng tuyên bố tìm kiếm mối quan hệ thân thiết hơn giữa Mỹ với NATO và các đồng minh khác. Chính ông cũng đã gọi Thỏa thuận Abraham là “bước tiến lịch sử” ngay sau khi Israel và UAE bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, chính quyền mới tại Mỹ sẽ đối diện với thách thức không nhỏ trong các bước đi cân bằng ở Trung Đông. Bản thân muốn tạo dựng quan hệ hữu hảo với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, thúc đẩy quan hệ Israel với khối Arab, nhưng ông Biden cũng lại muốn duy trì triển vọng giải pháp hai nhà nước.

Hơn thế, đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran đang được xem là mục tiêu chính sách đối ngoại then chốt của chính quyền Joe Biden tại Trung Đông. Trong khi đó, Israel, UAE, Bahrain, Saudi Arabia đều là những nước công khai phản đối bước điều chỉnh này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại