Trong vòng 6 năm qua, Trung Quốc đã 2 lần thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình. Năm 2015, chính sách 1 con, vốn tồn tại suốt nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, chính thức được hủy bỏ, thay bằng chính sách 2 con. Sau đó, cuộc họp vừa diễn ra của Bộ Chính trị Trung Quốc đã thông qua Chính sách 3 con dù chưa biết khi nào nó được áp dụng trong thực tế.
Dẫu vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc cho phép người dân đẻ 3 con cũng không thể giải quyết tình trạng thiếu lao động đang ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc. Tình trạng già trước khi giàu đã tạo gánh nặng khổng lồ nên sự phát triển kinh tế của quốc gia này.
Trung Quốc ban hành chính sách 3 con nhằm "cải thiện cơ cấu nhân khẩu học" của nước này để đối phó tình trạng dân số già và duy trì "nguồn nhân lực dồi dào" cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Quy định mới được đưa ra khi chỉ vài tuần trước, Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm lao động đáng báo động, đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Dữ liệu điều tra dân số gần đây cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới tăng dân số chậm nhất trong nhiều thập kỷ. Số người từ 15 đến 59 tuổi giảm xuống dưới 900 triệu người, chiếm 63% dân số vào năm 2020. Nó giảm khoảng 7 điểm phần trăm so với một thập kỷ trước đó.
Các chuyên gia cho biết lực lượng lao động Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm tới trước khi giảm khoảng 5% trong thập kỷ tiếp theo.
Yue Su, nhà kinh tế học tại Economist Intelligence Unit ở London, cho biết: "Lợi thế nhân khẩu học, vốn đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây, sẽ nhanh chóng tiêu tan".
Dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong vài năm tới.
Điều đó có thể đồng nghĩa với việc các chính sách kinh tế lớn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra có thể bị đe dọa. Ông Tập đặt tham vọng tăng gấp đôi GDP của Trung Quốc vào năm 2035.
Một số nhà kinh tế dự báo rằng Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập niên này nhưng khoảng cách về sự thịnh vượng khó có thể thu hẹp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc là 17.000 USD, chưa bằng 1/3 so với GDP/đầu người 63.000 USD của Mỹ.
Cách đây hơn 40 năm, Trung Quốc đã đưa ra chính sách 1 con để giải quyết tình trạng quá tải dân số và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, khi dân số già đi, Bắc Kinh mới bắt đầu nới lỏng các chính sách kế hoạch hóa gia đình của mình. Ban đầu, Trung Quốc cho phép một số trường hợp đặc biệt được sinh 2 con vào năm 2013 trước khi cho phép tất cả các cặp vợ chồng được phép sinh tối đa 2 con 2 năm sau đó.
Việc nới lỏng hơn nữa chỉ trong 6 năm cho thấy chính sách 2 con của Trung Quốc không phát huy hiệu quả. Thậm chí, nhiều người nghi ngờ việc chính sách 3 con có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh của người Trung Quốc đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2020 và một số người cho rằng chi phí sinh hoạt tăng cao là một yếu tố cản trở việc các gia đình muốn có đông con hơn.
Chi phí nuôi dưỡng một đứa trẻ tăng cao khiến nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc không muốn sinh thêm con.
Thông tin Trung Quốc cho phép sinh 3 con cũng không phải chủ đề thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc không chỉ không muốn sinh thêm con thứ 3 mà thậm chí một bộ phần còn không muốn có con. Đây cũng là chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên Weibo, mạng xã hội giống Twitter ở Trung Quốc.
Sau khi đăng tải thông tin, Tân Hoa Xã hỏi người dùng Weibo về việc họ có muốn sinh con thứ 3 hay không. Cuộc khảo sát trực tuyến thu hút hơn 30.000 phản hồi trong vòng nửa giờ. Hơn 90% trong số đó nói rằng họ "hoàn toàn không nghĩ đến việc sinh con thứ 3". Cuộc khảo sát này sau đó đã bị xóa bỏ trong âm thầm, Bloomberg cho hay.
Tuần trước, các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định các biện pháp khuyến khích sinh đẻ ở Trung Quốc cũng chỉ có tác dụng một cách hạn chế trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh cũng như tăng trưởng dân số nói chung ở Trung Quốc. Dân số nước này có thể sẽ đạt đỉnh trong 5 năm tới và số người trong độ tuổi lao động vẫn sẽ tiếp tục giảm mà không có cách nào vãn hồi.
Trong những năm gần đây, nguy cơ già trước khi giàu của Trung Quốc được nhắc tới nhiều. Năm 2020, tỷ suất sinh ở Trung Quốc là 1,3 con/phụ nữ, tương đương với mức sinh ở Nhật Bản hay Itay - các quốc gia đang phải loay hoay với tình trạng dân số già. Điều này buộc các nhà chức trách Trung Quốc phải nghiêm túc trong những giải pháp thúc đẩy tỷ lệ sinh, nhất là khi họ còn chưa được gia nhập G7.
Tình trạng ngại sinh cũng đang trở nên phổ biến. Theo một báo cáo năm 2005, chi phí để nuôi lớn 1 đứa trẻ ở Trung Quốc là khoảng 75.000 USD. Tuy nhiên, đến năm 2020, con số này đã tăng gấp 4 lên 30.000 USD. Đây là lý do khiến nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc không muốn sinh thêm con ngay cả khi thu nhập của họ được nâng lên theo từng năm.