Thị trưởng thành phố São Paulo ông João Doria đã tổ chức một buổi họp báo nhằm công bố hàng loạt sản phẩm vừa được chính quyền nghiên cứu, trong đó có "farinata" – loại thực phẩm bổ sung dạng ống được sản xuất bằng thức ăn tái sử dụng.
Ông này cho biết nó sẽ góp phần làm giảm tình trạng thiếu ăn của học sinh nghèo, giảm phần nào lượng rác mà cư dân thành phố thải ra và tận dụng tốt hơn nguồn thực phẩm sắp hết hạn khi có tới khoảng 1,5 triệu người trên địa bàn đang phải đối mặt với tình trạng đói kém.
Khoảng 1,5 triệu người trên địa bàn thành phố São Paulo đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn - (Ảnh minh họa).
Được coi là ứng cử viên tiềm năng trong cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống năm 2018 của đảng PSDB theo đường lối bảo thủ, thị trưởng Doria còn lên tiếng khẳng định đó là loại thực phẩm kì diệu.
"Hiện chính quyền thành phố đã bắt đầu cho phép sản xuất loại thực phẩm này để cung cấp cho dân cư nghèo vào cuối tháng 10/2017. Phía sở giáo dục cũng chấp nhận sử dụng nó cho các bữa ăn tại trường học như một sự lựa chọn bổ sung".
Phản ứng gay gắt từ phía dư luận
Tại buổi họp báo, thư ký phụ trách các vấn đề nhân quyền bà Eloísa Arruda đã khẳng định quyết định trên được đưa ra sau nhiều nghiên cứu khoa học toàn diện liên quan tới nhu cầu dinh dưỡng của những trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi tại thành phố São Paulo.
Nhưng ngay sau khi xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông thì "farinata" vẫn nhận về vô số chỉ trích từ hàng loạt tổ chức chính trị, xã hội cũng như một bộ phận người dân.
Loại đồ ăn dành cho trẻ em nghèo được sản xuất từ thực phẩm tái chế đã gây nhiều phản ứng gay gắt trong xã hội - (Ảnh minh họa).
Bà Vivian Zollar, phát ngôn viên của tổ chức Hội đồng Dinh dưỡng bang São Paulo cho biết: "Chúng ta đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội khi cung cấp loại thực phẩm tái chế này cho tầng lớp nghèo khó.
Đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền được tiếp cận nguồn thực phẩm đủ chất lượng của người dân, đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ tới những tiến bộ trong vấn đề an ninh lương thực mà đất nước đạt được.
Chúng tôi nghĩ phía chính quyền thành phố São Paulo cần tiến hành nghiên cứu chuyên sâu hơn và công bố toàn bộ thông tin có liên quan tới quá trình sản xuất loại thực phẩm tái chế mà họ vừa ra mắt".
Ngoài ra, bà Zollar nhấn mạnh đơn vị nghiên cứu và sản xuất "farinata" từng từ chối cho các tổ chức chính trị, xã hội cũng như báo giới tham quan trực tiếp khu vực nhà xưởng của mình.
Đơn vị nghiên cứu "farinata" nói gì?
Trước sự phản đối gay gắt trên, đại diện đơn vị nghiên cứu và sản xuất ra "farinata" – tổ chức phi lợi nhuận Plataforma Sinergia bà Rosana Perrotti chia sẻ: "Sản phẩm có kiểm định đầy đủ và đáp ứng toàn bộ các yêu cầu về thực phẩm cho con người mà luật pháp Brazil quy định.
Sau khi trải qua quy trình chế biến đặc biệt, những loại thức ăn sắp hết hạn sẽ được tái sản xuất thành thực phẩm bổ sung dạng ống ‘farinata’ với thời gian bảo quản kéo dài thêm ít nhất 2 năm.
Ngoài việc giải quyết tối ưu vấn đề dinh dưỡng cho người nghèo, nó còn giúp làm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm hoặc quá tải nghiêm trọng ở nhiều khu tập kết rác thải.
Sở dĩ chúng tôi không chấp nhận cho người ngoài ghé thăm khu nhà xưởng là do cần đảm bảo bí mật đối với công nghệ mới của mình".
Hiện Plataforma Sinergia đang tiến hành cung cấp "farinata" cho ba tổ chức nhân đạo khác, đồng thời lên kế hoạch trợ giúp cho dân tị nạn tới từ Venezuela tiến vào khu vực biên giới phía Bắc của Brazil bằng loại thực phẩm này.
Nhiều trẻ em tại thành phố São Paulo không có đủ nguồn lương thực cần thiết - (Ảnh minh họa).
Lên tiếng ủng hộ quyết định của thị trưởng Doria, đức Hồng y đảm nhận vị trí Tổng giám mục Tổng giáo phận São Paulo ông Odilo Scherer nói: "Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi nhiều người gọi loại thực phẩm này là ‘thức ăn cho chó’.
Chính việc không để người nghèo tiếp cận nguồn dinh dưỡng đầy đủ mới là hành động sai trái. Tôi nghĩ chúng ta cần phi chính trị hóa vấn đề trên và đánh giá nó một cách khách quan nhằm đưa ra cái nhìn đúng đắn nhất" .