Trâu bị đâm liên tục đến chết
Những ngày đầu năm mới, đồng bào dân tộc Xê Đăng ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) lại tổ chức lễ đâm trâu để cầu mùa màng may mắn, bội thu, mong muốn con cái, gia đình mạnh khỏe.
Trong ngày 7/2 và 8/2, gia đình ông Hồ Văn Chiến và Hồ Văn Núi ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) thực hiện lễ đâm trâu. Ông Chiến cho hay, gia đình đã phải chuẩn bị 33 năm mới có đủ tiền mua trâu, bò, heo, gà, vịt, rượu cần… để làm lễ.
"Tổ chức đâm trâu tốn hơn 100 triệu đồng. Tôi mời cả làng và bà con khắp huyện đến nhà chơi, ăn thịt, uống rượu suốt mấy ngày liền.
Nếu tổ chức đâm trâu 5 lần sẽ được làm già làng", ông Chiến nói.
Hình ảnh con trâu bị đâm chết tại lễ đâm trâu nhà ông Hồ Văn Núi
Theo phong tục, người Xê Đăng trước khi đâm trâu thì cắt cổ 1 con heo để lấy tiết cúng thần. Sau đó, 2 con trâu 1 đực 1 cái bị cột vào cây nêu qua đêm.
Lễ đâm trâu sẽ bắt đầu vào 8h sáng. Toàn bộ trai tráng trong làng chuẩn bị sẵn dao, giáo mác. Chủ nhà là người đâm nhát đầu tiên vào con trâu. Những thành viên còn lại trong làng dùng vũ khí đâm trâu cho đến lúc chết.
"Trâu bị đâm liên tục đến chết. Xung quanh vị trí đâm trâu nhiều người khác sẽ đánh chiêng, nhảy múa cúng thần linh.
Trâu chết được chủ nhà xẻ thịt, làm tiệc đãi mọi người. Đây là phong tục của chúng tôi nên không bỏ được", ông Núi cho hay.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam: Chỉ vận động chứ khó cấm
Trao đổi với PV, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam thừa nhận lễ đâm trâu vừa được người dân tổ chức có phần man rợ.
Theo ông Hài, những năm trước đây đồng bào các dân tộc ở tỉnh Quảng Nam tổ chức đâm trâu rất nhiều và rầm rộ. Phong tục của bà con nhằm mục đích cầu may mắn, bình an. Ngoài ra, nhiều người còn ganh đua nhau tổ chức để có thể giữ chức già làng.
UBND tỉnh Quảng Nam cùng ngành văn hóa nhiều năm qua liên tục vận động người dân hủy bỏ nhiều hủ tục còn tồn tại trong đó có lễ đâm trâu. Tuy nhiên, người dân vẫn tổ chức lẻ tẻ.
Ông Hài cho biết rất khó để ra lệnh cấm đâm trâu
"Tất cả lễ hội do các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam tổ chức đều loại bỏ hủ tục đâm trâu. Trâu vẫn được đưa ra làm lễ nhưng không bị giết.
Thực tế phần lớn đồng bào ở Quảng Nam đã dẹp bỏ hủ tục này như ở Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang hay Bắc Trà My…
Cả tỉnh Quảng Nam chỉ còn bà con ở Nam Trà My là còn giữ tục này", ông Hài cho hay.
Ngoài việc không tổ chức, ông Hài cho biết thêm, ngành văn hóa và du lịch Quảng Nam không khuyến khích các đơn vị lữ hành tổ chức cho khách xem việc đâm trâu.
Tuy nhiên, ông cho biết do đây là phong tục nên rất khó để ra lệnh cấm việc đâm trâu mà chỉ có thể vận động từ từ thay đổi nhận thức người dân.
"Việc đâm trâu là việc riêng của gia đình nên không thể cấm hay xóa bỏ bằng thủ tục văn bản hành chính. Việc quan trọng nhất là vận động người dân thay đổi từ từ", ông Hài nói.