Chính quyền đảo quốc Salomon phủ quyết việc cho Trung Quốc thuê đảo

PV |

Chính quyền Salomon đã phủ quyết hợp đồng thuê đảo của một tập đoàn Trung Quốc tại quốc gia này.

Nỗ lực của một tập đoàn Trung Quốc nhằm thuê nguyên một hòn đảo thuộc đảo quốc Salomon ở miền Nam Thái Bình Dương đã bị chính quyền Salomon hôm 25/10 đánh giá là “bất hợp pháp”, do đó “sẽ không được phép xúc tiến”.

Trong một thông cáo, phủ Thủ tướng đảo quốc Salomon xác định rằng hợp đồng giữa tỉnh Trung Tâm (Central Province) quần đảo Salomon với tập đoàn nhà nước Trung Quốc China Sam Group là một văn kiện “bất hợp pháp, không thể thi hành và phải chấm dứt ngay lập tức”. Theo bản thông cáo từ văn phòng Thủ tướng Manasseh Sogavare, chính quyền địa phương không có thẩm quyền thương lượng thỏa thuân liên quan đến đảo Tulagi, nơi có một hải cảng nước sâu rất được quân đội quan tâm.

Ngoài ra, cũng theo bản thông cáo, tập đoàn Trung Quốc China Sam không có quy chế một nhà đầu tư nước ngoài ở đảo quốc Salomon và không một thỏa thuận nào có thể được ký kết mà không có sự chấp thuận của tổng chưởng lý John Muria. Thông cáo nói rõ: “Theo quy định, tất cả các thỏa thuận liên quan đến chính quyền Salomon, bao gồm cả các thỏa thuận của các chính quyền địa phương, đều phải thông qua tổng chưởng lý trước khi thi hành… Thỏa thuận (với Trung Quốc) đã không được văn phòng Tổng chưởng lý xét duyệt trước khi ký kết”.

Tỉnh Trung Tâm Salomon đã ký một “thỏa thuận hợp tác chiến lược” với phía Trung Quốc hôm 22/09 vừa qua, tức là chỉ một hôm sau khi Trung Quốc và Salomon chính thức đặt quan hệ ngoại giao sau khi đảo quốc này quyết định đoạn giao với Đài Loan. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 10 vừa rồi thì thỏa thuận mới được biết đến khi giới truyền thông nắm được bản sao của văn kiện. Theo thỏa thuận vừa bị phủ quyết thì tập đoàn Trung Quốc China Sam sẽ thuê đảo Tulagi trong vòng 75 năm, có thể triển hạn, để xây dựng nào là trạm hậu cần đánh bắt cá, trung tâm điều hành, xây mới hoặc cải tiến sân bay, thậm chí cả một nhà máy lọc dầu.

Chính quyền tỉnh Trung Tâm Solomon còn đồng ý cho China Sam thuê toàn bộ đảo Tulagi và các đảo lân cận trong tỉnh này để thành lập “đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp phù hợp cho mọi loại hình phát triển”. Tulagi là một hòn đảo rộng khoảng 2 km2, có khoảng 1.200 dân. Nơi đây từng có một căn cứ hải quân Nhật Bản và đã kinh qua những trận đánh dữ dội thời Thế chiến 2. Việc tập đoàn Trung Quốc có hợp đồng thuê đảo Tulagi đã khiến cho Mỹ và nhất là Australia, New Zealand hết sức quan ngại trước nguy cơ Bắc Kinh sẽ biến nơi này thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở khu vực miền Nam Thái Bình Dương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại