Chinh phục thành trì Idlib, Nga sẽ đối mặt với kình địch cuối cùng?

Quốc Vinh |

Sau khi nghiền nát phiến quân ở Idlib, Nga sẽ phải đối mặt với một đối thủ sừng sỏ khác đang nắm giữ ảnh hưởng không nhỏ ở Syria.

Khi lực lượng quân Chính phủ Syria tuyên bố sẽ khởi động một cuộc tấn công để giành lại Idlib, các thế lực ủng hộ phe đối lập lo ngại không chỉ mất đi ảnh hưởng của mình mà còn nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Nga, một đồng minh trung thành của Syria, cho biết họ đã tung ra các cuộc không kích nhắm vào các cứ điểm của phiến quân ở tỉnh Idlib trong tuần này và có những dự đoán rằng cuộc tấn công chính thức có thể sẽ diễn ra trong vài ngày nữa.

Điều gì xảy ra tiếp theo sẽ nằm trong tay các nhà lãnh đạo từ Nga, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, những người dự kiến ​​sẽ gặp nhau tại Tehran ngày hôm nay .

"Phức tạp, lộn xộn và nguy hiểm"

Charles Lister, chuyên gia nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan và chống khủng bố của viện Trung Đông, đã mô tả tình hình ở Idlib lúc này là "phức tạp, lộn xộn và nguy hiểm".

Idlib hiện đang được kiểm soát bởi một liên minh kết hợp giữa phiến quân và cả khủng bố, với phần lớn trong số đó là tàn dư sau sự sụp đổ ở Đông Ghouta và Daara.

Lực lượng chính ở đây là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một nhóm từng có liên kết với Al Qaeda và nằm trong danh sách tổ chức khủng bố của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Mặt trận Giải phóng Dân tộc (NLF), được hậu thuẫn bởi Thổ Nhĩ Kỳ, gồm các chiến binh Hồi giáo và Quân đội Tự do Syria là nhóm mạnh thứ hai trong Idlib.

Các nhóm nhỏ khác cũng đang chiến đấu tại đây với ước tính khoảng 30.000 chiến binh.

Sau những cuộc không kích mới nhất từ ​​Nga, liên minh các chiến binh ở Idlib đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Đài quan sát nhân quyền Syria báo cáo rằng lực lượng quân Chính phủ đã triển khai ít nhất 2.000 xe bọc thép bao quanh tỉnh này.

Theo hãng tin AP, các chuyên gia tin rằng cuộc tấn công đầu tiên của chính quyền Syria có khả năng diễn ra ở phía tây nam Idlib và đồng bằng al-Ghab, nơi Nga có căn cứ quân sự và hải quân.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ

Sau những chiến thắng nhanh gọn và mang tính chất quyết định ở Đông Ghouta và Daraa, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cho biết tuần trước rằng ưu tiên chính hiện nay là "giải phóng" Idlib.

Chinh phục thành trì Idlib, Nga sẽ đối mặt với kình địch cuối cùng? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Assad

Ông nói rằng, trong khi các quan chức sẽ cố gắng tránh thương vong dân sự bằng "thỏa thuận hoà giải", Syria quyết tâm đánh bại HTS "bất kể phải hy sinh" điều gì.

Giới phân tích nhận định, các nhóm phiến quân đang đặt tất cả hy vọng vào Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia sẽ có cuộc đàm phán với Nga trong ngày hôm nay để ngăn một cuộc tấn công tiến vào thành trì cuối cùng.

"Tôi nghĩ rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng rất quyết tâm để giảm leo thang ở vùng phía tây bắc", chuyên gia Lister nói với ABC News.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chứa chấp 3,5 triệu người tị nạn Syria, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và Ankara không còn muốn con số này tăng thêm.

Ông nói thêm rằng một phần quan trọng trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là cố gắng "duy trì" HTS và giữ cho hoạt động của nhóm này ở mức hạn chế.

Idlib có thực sự là thành trì nổi loạn cuối cùng?

Với sự hỗ trợ của Nga, Iran và Hezbollah, chính quyền Syria đã lấy lại Aleppo, Đông Ghouta, Daraa và những vùng lãnh thổ lớn do các chiến binh đối lập và khủng bố IS chiếm đóng trong vòng hai năm qua,

Với Idlib, phe đối lập hiểu rằng đây có thể là trận chiến cuối cùng. Mohammad Rasheed, một nhân vật thuộc phiến quân, nói với Reuters : "Không còn một nơi nào khác ngoài Idlib để chúng tôi rời đi". Tuy nhiên giới quan sát cho rằng, cuộc chiến ở Idlib chưa hẳn sẽ là dấu chấm hết cho cuộc xung đột ở Syria.

Các lực lượng người Kurd hiện đang nắm giữ hơn 1/4 lãnh thổ Syria và cho đến nay đây vẫn là phần lãnh thổ lớn nhất hiện chưa nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền Assad.

Mặc dù là đồng minh chính nhưng gần đây Mỹ đã không còn mặn mà trong việc hậu thuẫn cho lực lượng SDF (phần lớn là người Kurd) để đào tạo và trang bị vũ khí chống lại IS.

Điều này đặt ra câu hỏi về việc chính quyền Assad liệu sẽ đẩy mạnh các nỗ lực chống lại người Kurd hay duy trì thỏa thuận ngừng bắn để cho họ có một sự tự chủ nhất định.

Joost Hiltermann, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông thuộc International Crisis Group, nói với ABC News rằng có những quan điểm khác nhau về những gì có thể xảy ra với khu vực người Kurd trong bối cảnh quân đội Syria chiếm lại Idlib.

"Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh bại người Kurd vì coi họ là khủng bố", chuyên gia Hiltermann nói, đề cập đến tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ về việc lực lượng người Kurd ở Syria là một phần mở rộng của đảng Lao động người Kurd (PKK), một tổ chức chính trị hoạt động trong nhiều thập kỷ nhưng bị Ankara chỉ định là khủng bố.

"Nga từng tuyên bố về giải pháp phân cấp ở Syria có thể không phải là một ý tưởng tồi - ví dụ như có thể phân ra một số khu vực dành cho người Kurd", Hiltermann nhận định. "Nhưng Nga cũng muốn chính quyền Syria tồn tại... nên cuối cùng Nga rất có khả năng sẽ đẩy lùi PKK".

Trong khi đó, còn có nhiều nhóm chiến binh nổi dậy nhỏ lẻ khác - bao gồm cả tàn dư IS vẫn còn rải rác khắp Syria – chưa hề cho thấy ý định sẽ buông vũ khí một cách dễ dàng trong trường hợp Idlib thất thủ.

Vì vậy, ngay cả khi Idlib sụp đổ, cuộc chiến ở Syria chưa hẳn sẽ kết thúc khi phe đối lập và các nhóm khủng bố sẽ tiếp tục hoạt động. "Cuộc chiến không kết thúc, tôi nghĩ rằng nó sẽ ít dữ dội hơn nhưng lại trở nên phức tạp hơn", Lister nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại