Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 8/6 tại Quốc hội về việc bồi thường, đền bù, tái định cư của dự án sân bay Long Thành, có nhiều đại biểu đã lên tiếng về tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và thúc giục lấy lại phần đất hiện đang là sân golf trả cho sân bay.
Giải trình về việc này, Bộ trưởng Nghĩa khẳng định: "Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi".
Ảnh báo Sài gòn giải phóng.
Ông giải thích thêm có nhiều lý do cho việc không nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là chi phí giải phóng mặt bằng lớn, ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân trong khu vực…
Trả lời báo chí mới đây, Bộ GTVT cho biết các phương án tính tới việc sử dụng đất sân golf để mở rộng sân bay đều có khối lượng giải phòng mặt bằng lớn. Còn mở rộng Tân Sơn Nhất ra phía Nam hiệu quả, ít tốn kém nhất
Ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) - đơn vị chịu trách nhiệm lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay có 7 phương án quy hoạch việc mở rộng Tân Sơn Nhất.
Theo ông, phần đất sân golf đã được tính đến rất kỹ càng khi rà soát, nghiên cứu các phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng Tân Sơn Nhất.
Trong 7 phương án có tới 4 phương án đã tính tới việc sử dụng đất sân golf để làm đường cất, hạ cánh thứ 3 và các công trình phụ trợ.
Cụ thể, phương án 1, nghiên cứu xây dựng mới 1 đường cất hạ cánh phía Bắc (khu vực sân golf), cách đường cất hạ cánh 25R/07L 1800m và xây dựng 2 nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf.
"Đây là phương án đã được tư vấn Nhật Bản nghiên cứu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, với tổng mức đầu tư hơn 201 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 140.000 hộ dân, diện tích giải phóng mặt bằng lên tới 616ha", ông Tùng nói.
Phương án 2, nghiên cứu xây dựng mới đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc và hoàn chỉnh hệ thống đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga hành khách với 3 kịch bản khác nhau gồm: 2A, 2B, 2C, khác nhau chủ yếu về khoảng cách giữa đường cất hạ cánh số 3 đến đường cất hạ cánh 25R/07L để giảm thiểu diện tích và chi phí giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, phương án 2A, sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc cách đường cất hạ cánh 25R/07L 1500m. Phương án này có tổng mức đầu tư khoảng 187.265 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 68.000 hộ dân, giải phóng mặt bằng 561ha.
Phương án 2B, xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc cách đường cất hạ cạnh 25R/07L 760m với tổng mức đầu tư khoảng 152.425 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 42.000 hộ dân, giải phóng mặt bằng 499.81ha.
Phương án 2C, xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc cách đường cất hạ cánh 25R/07L 215m với tổng vốn khoảng 100.961 tỷ đồng, ảnh hưởng khoảng 25.400 hộ dân, giải phóng 326.5ha.
Các phương án này đều có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, số hộ dân phải giải tỏa nhiều nên kinh phí triển khai sẽ rất tốn kém, thời gian xây dựng kéo dài và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.