Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc nhằm vực dậy sản xuất

Vũ Dũng |

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với mọi thành phần kinh tế, mọi người dân.

Theo dự kiến vào sáng nay (10/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó Covid-19, trong đó sẽ thảo luận các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định an ninh, trật tự.

Hai lần trong 2 tuần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ để chuẩn bị cho hội nghị này, nói lên sự kỳ vọng, tầm quan trọng của hội nghị toàn quốc lần này, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với mọi thành phần kinh tế, mọi người dân cả nước.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới năm nay khá u ám. Quỹ tiền tệ quốc tế nhận định, kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng 0%, một số nước còn tăng trưởng âm. Liên Hợp Quốc nhận định một cuộc suy thoái mới toàn cầu, lớn hơn năm 2008 sẽ diễn ra.

Ở trong nước, hầu hết doanh nghiệp đều khó khăn, bị đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất. Đơn cử như ngành dệt may giảm 30% đơn hàng tháng 4, 50% số đơn hàng vào tháng 5. 80% cơ sở giáo dục giảm doanh số một nửa.

Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc nhằm vực dậy sản xuất - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. (ảnh: KT)

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đánh giá, dịch Covid-19 sẽ tác động trực tiếp đến khoảng 4 triệu lao động ngành dệt may và da giày.

Theo ước tính của các hiệp hội doanh nghiệp da giày, với tình hình thị trường như hiện nay, khoảng đến giữa tháng 4, nhiều doanh nghiệp sẽ nghỉ việc và ảnh hưởng khoảng 800.000 lao động.

Nếu đến cuối tháng 4 không có tiến triển tốt hơn thì ảnh hưởng đến 1,2 triệu lao động da giày, túi xách. Còn ngành dệt may khoảng 2,8 triệu lao động. t đồng tình, ủng hộ quan điểm của Thủ tướng, đánh giá toàn diện các vấn đề đang đặt ra, không chỉ với doanh nghiệp mà cả với người lao động.

Khó khăn thêm khó khăn khi một số vùng nước ta chịu thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập, dịch tả lợn châu Phi. Quý 1 năm nay, tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ khoảng 3,82%, mức thấp nhất cùng kỳ trong hơn chục năm qua.

Với tinh thần vực dậy hoạt động sản xuất trong nước, không để “đổ gục” trước những khó khăn đó, trong rất nhiều cuộc họp Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng luôn nhấn mạnh ưu tiên chống Covid-19 những phải chống cả tình trạng doanh nghiệp phá sản.

Phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện cần thiết để ngay khi hết dịch, nền kinh tế, các doanh nghiệp đang ở tình trạng “lò xo nén” sẽ bật lên mạnh mẽ, cả về sản xuất, xuất khẩu. Đặc biệt là thúc đẩy giải ngân hết gần 700.000 tỷ đồng vốn vốn đầu tư công để tạo sức cầu cho nền kinh tế.

Do đó, lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp và người dân là cách sát sao nhất, thực tế nhất để Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra các giải pháp kịp thời, chính xác và hiệu quả; để có thể thổi một “luồng gió mới” cho một “khí thế mới” vượt khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ông đã gặp gỡ các doanh nghiệp để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này, các doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời gian nộp thuế đến 12 tháng thay vì dự kiến 5 tháng; mở rộng các loại sắc thuế được gia hạn, gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng...

Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc nhằm vực dậy sản xuất - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, doanh nghiệp muốn giảm từ 1 - 1,5% lãi suất các khoản đang thực hiện hợp đồng tín dụng từ trước ngày 23/1/2020; giảm 1,5 - 2% đối với các khoản vay mới sau 23/1.

Doanh nghiệp cho rằng, họ đóng cửa sẽ dẫn đến vay mới rất ít, vay cũ thì lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng phải giảm tương đương như điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Cao Tiễn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, về gói 250.000 tỉ đồng, một số doanh nghiệp đề nghị được thực hiện thêm về giãn nợ, khoanh nợ.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trên cơ sở đánh giá thiệt hại do dịch bệnh.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có hỗ trợ phần kinh phí từ ngân sách công đoàn sớm có hướng dẫn các doanh nghiệp lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19.

Là một trong hai Bộ có số vốn đầu tư công lớn nhất cả nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang tập trung các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ..., đồng thời kiến nghị chuyển một số dự án từ đầu tư theo hình thức công-tư sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ.

"Về các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công.

Bộ GTVT kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội trong tháng 4 này, khẩn trương để các Ủy ban của Quốc hội xem xét, để trong tháng 5 có thể trình Quốc hội.

Đề nghị Quốc hội, ngay tuần đầu khai mạc kỳ họp vào tháng 5 thì lấy ý kiến để có Nghị quyết sớm và cuối tháng 5 có thể chuyển qua đầu tư công" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Trong nhiều cuộc họp trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải có chế tài mạnh để giải ngân cho hết hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư công. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương, chủ đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành...

Tại hội nghị toàn quốc, một số Bộ trưởng sẽ phải trình bày các biện pháp cụ thể khắc phục tốt nhất các khó khăn do dịch gây ra thuộc ngành mình, đồng thời lắng nghe các ý kiến tư vấn, góp ý từ hội nghị, làm cơ sở để Chính phủ ban hành các giải pháp chính xác và kịp thời./.

Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc nhằm vực dậy sản xuất - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại