Sáng nay 23-5, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 3 khóa XV, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, những tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021.
Một số chỉ tiêu KT-XH đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%); bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) là 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội là 4% GDP), trong đó, thu NSNN tăng 16,8% dự toán (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 1,7% dự toán); kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 10,7%); xuất siêu đạt 4 tỉ USD (số đã báo cáo Quốc hội là nhập siêu 2 tỉ USD).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Quyết liệt tấn công tội phạm thao túng chứng khoán
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, bước vào năm 2022, để triển khai hiệu quả các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển KT-XH năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01 về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2022 (gồm 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 174 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể), Nghị quyết số 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và Nghị quyết số 38 về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19...
Kết quả kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu NSNN 4 tháng đạt 657,4 ngàn tỉ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỉ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỉ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỉ USD.
Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2022 đạt 5,03%. Hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm.
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 562,2 ngàn tỉ đồng, tăng 8,9%. Đến ngày 15-5-2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỉ USD, tăng 7,8%.
Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ.
Đồng thời, Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp này về chủ trương đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 TP HCM, đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Tính chung 4 tháng có 80,5 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu (như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, 2 ngân hàng yếu kém ...).
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ khách quốc tế trong tháng 4 gấp 2,4 lần so với tháng 3 và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 192,4 ngàn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
"Công tác phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt, tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức, thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, tín dụng đen, tội phạm mạng..."- Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đã phát hiện vi phạm về kinh tế 16.490 tỉ đồng, 3.069 ha đất; kiến nghị thu hồi 8.897 tỉ đồng và 114 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 418 tập thể và 828 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 65 vụ, 37 đối tượng.
Đã điều tra, khám phá 10.951 vụ, bắt 25.303 đối tượng phạm tội về trật tự, xã hội; triệt phá 265 băng nhóm tội phạm, có băng nhóm hoạt động tín dụng đen; phát hiện, xử lý 2.205 vụ vi phạm về trật tự quản lý kinh tế; 134 vụ vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ...
Đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa) và đang triển khai theo kế hoạch.