“Chim ưng chiến” F-16 sẽ sớm được lắp ráp tại Ấn Độ?

Tuấn Sơn |

Hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin và đối tác Ấn Độ Tata Group đang lên kế hoạch thành lập liên doanh lắp ráp máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon trên lãnh thổ quốc gia Nam Á này.

Theo trang tin Bloomberg, Lockheed Martin đang rất tích cực “vận động hành lang” tại Quốc hội và Chính phủ Mỹ cho kế hoạch tỷ đô này.

Hồi tháng 2-2016, hãng chế tạo Mỹ Boeing cũng từng đưa ra đề xuất tương tự với phía Ấn Độ. Theo đó, Boeing muốn thành lập liên doanh với phía Ấn Độ để lắp ráp dòng máy bay chiến đấu hải quân F/A-18 tại đây. Điều kiện tiên quyết của Boeing là Quân đội Ấn Độ phải chọn mua máy bay F/A-18.

Theo khuôn khổ của chương trình máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung mới (MMRCA), Ấn Độ đã ký hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp.

Tuy nhiên, vì những trục trặc trong quá trình đàm phán hợp đồng và thời hạn thực hiện, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tuyên bố sẽ tìm phương án khác thay thế.

Không quân Ấn Độ đang cần “thay máu” lực lượng máy bay chiến đấu phần lớn đã hơn 40 năm tuổi. Điều kiện tiên quyết của New Delhi là sản phẩm máy bay chiến đấu được chọn phải được lắp ráp tại lãnh thổ nước này.

Sức hút của hợp đồng tỷ đô

Sau khi hợp đồng tìm mua 126 máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung mới với hãng chế tạo Pháp Dassault Aviation không đạt được như mong muốn của New Delhi, cơ hội về hợp đồng quân sự trị giá nhiều tỷ đô lại được mở ra cho một loạt nhà thầu quốc tế, trong đó tích cực nhất là các hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin và Boeing.

Hiện tại, Không quân Ấn Độ không còn nhiều thời gian để tìm máy bay chiến đấu mới thay thế cho các đơn vị MiG-21, MiG-27 và Mirage-2000 hầu hết đã tới thời gian cuối vòng đời và cần thay thế gấp.

“Chim ưng chiến” F-16 sẽ sớm được lắp ráp tại Ấn Độ? - Ảnh 1.

“Chim ưng chiến” F-16 sẽ sớm được lắp ráp tại Ấn Độ? - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu F/A-18 (ảnh trên) và F-16 (ảnh dưới) - Ai sẽ giành chiến thắng tại Ấn Độ?

Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hợp đồng thay thế cho MMRCA sẽ vào khoảng 90 máy bay, gồm 54 chiếc phiên bản một chỗ ngồi, 36 chiếc phiên bản hai chỗ ngồi.

Hợp đồng này còn bao gồm cả tùy chọn mua thêm 45 máy bay nữa trong tương lai. Xét về khía cạnh giá trị, hợp đồng 135 máy bay mới trên sẽ không dưới 12 tỷ USD.

Ngoài ra, việc giành được hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu mới tại Ấn Độ còn mở ra cơ hội cung ứng phụ tùng, dịch vụ hậu cần, nâng cấp cho các đơn vị máy bay trúng thầu trong nhiều năm tới.

Đây là “miếng mồi béo” mà bất kỳ nhà thầu vũ khí nào đều thèm muốn.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ rằng, ngoài việc mong muốn sở hữu máy bay chiến đấu tân tiến, yêu cầu kiên quyết của New Delhi là phải được chuyển giao công nghệ và lắp ráp phần lớn máy bay trúng thầu ở trong nước.

Đây là bước đi hợp lô-gíc đối với các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng đi sau như Ấn Độ, sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ USD cho các hợp đồng quân sự cả gói để nhận lại việc được tiếp cận công nghệ quân sự tân tiến và quy trình sản xuất vũ khí công nghệ cao.

Cùng với đó, các nhà thầu vũ khí lớn cũng cần các “đối tác rủng rỉnh hầu bao” như Ấn Độ để duy trì sản xuất và có nguồn tài chính nâng cấp và phát triển vũ khí mới. Điều này cũng giải thích cho sự “nhiệt tình” của các hãng chế tạo Mỹ như Lockheed Martin và Boeing.

Liệu có tránh đi vào “vết xe đổ” của MMRCA?

Cần nhấn mạnh rằng kỹ thuật quân sự là lĩnh vực công nghệ đặc thù, muốn hấp thu được cần có nền tảng khoa học cơ bản đạt ngưỡng nhất định.

Nếu không đạt trình độ khoa học cơ bản đủ để hấp thu công nghệ hiện đại được chuyển giao thì quốc gia được chuyển giao công nghệ sẽ không tiếp thu được công nghệ để áp dụng vào các sản phẩm quân sự nội địa, mà thậm chí là lệ thuộc công nghệ vào quốc gia xuất khẩu. Ấn Độ đã lâm vào tình huống trên ở hợp đồng MMRCA với hãng Dassault (Pháp).

Ở MMRCA, quá trình đàm phán hợp đồng giữa phía Ấn Độ với hãng Dassault cơ bản đã hoàn tất. Hai bên chỉ còn vướng mắc chính ở việc Pháp từ chối cấp chứng chỉ kiểm soát chất lượng cho các sản phẩm máy bay chiến đấu Rafale do đối tác Ấn Độ là công ty HAL lắp ráp.

“Chim ưng chiến” F-16 sẽ sớm được lắp ráp tại Ấn Độ? - Ảnh 3.

Hợp đồng cung cấp máy bay Rafale theo hợp đồng MMRCA vẫn còn là bài học nhãn tiền.

Lý do cho điều này rất đơn giản! Máy bay vốn là tổng hòa nhiều công nghệ cao và độ tinh xảo cao, yêu cầu quản lý chất lượng chặt chẽ. Trong khi đó, đối tác phía Ấn Độ là HAL chưa đủ khả năng để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.

Nếu cố tình bỏ qua các yếu tố trên, liệu Lockheed Martin và Boeing có chấp nhận việc các máy bay chiến đấu F-16 hay F/A-18 lắp ráp tại Ấn Độ xảy ra mất an toàn trong quá trình sử dụng, dù sản phẩm đó đã được cấp chứng chỉ xuất xưởng “đạt chất lượng”.

Mặc dù Tata Group chưa có tiếng xấu như HAL về việc biến “lợn lành thành lợn què” trong quá trình duy tu, bảo dưỡng các đơn vị máy bay chiến đấu của Ấn Độ, nhưng năng lực của đối tác Ấn Độ vẫn là dấu hỏi lớn.

Nếu “bài toán trên” chưa được giải thì hợp đồng tỷ đô tại Ấn Độ liệu có "ngon ăn"?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại