Chiêu trò tung hỏa mù: Vì sao không nhận được "cái gật đầu" của Nga, Israel vẫn "ra vẻ thắng lớn" ở Syria?

Quốc Vinh |

Sau 4 năm gây dựng quan hệ, có 13 cuộc gặp mặt với Tổng thống Nga, chưa kể một số cuộc điện đàm - có vẻ như Thủ tướng Netanyahu không thể lay chuyển được lập trường của ông Putin.

Vào ngày 12/9, chỉ năm ngày trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã bay tới Sochi để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông Netanyahu ban đầu đã muốn một điều gì đó hoàn toàn khác..

Ông đã hy vọng cho một cuộc họp ba bên giữa các cố vấn an ninh quốc gia của Israel , Nga và Mỹ, lý tưởng nhất là có sự xuất hiện của nguyên thủ quốc gia - Netanyahu, Putin và Tổng thống Donald Trump - tham dự.

Sáng kiến ​​này đã thất bại. Ông Putin đã từ chối hợp tác, trong khi Mỹ đang bận rộn với vấn đề Iran.

Trước chuyến đi tới Sochi, Thủ tướng Netanyahu nói rằng ông dự định nói chuyện với người đồng cấp Putin về tình hình ở Syria, quyết tâm đòi quyền tự do hoạt động quân sự cho Israel và giải thích mức độ nghiêm trọng về các hành động từ Iran.

Liệu nhà lãnh đạo Tel Aviv có nhận được điều gì sau cuộc gặp vừa rồi hay không. Tờ Al-Monitor cho biết, giới quan sát tỏ ra khá nghi ngờ về khả năng này. Có vẻ như cuộc gặp chỉ giúp cho Thủ tướng Netanyahu ở khía cạnh khác chứ không phải vấn đề Syria.

Lập trường Nga không thay đổi

Đã có hai tuyên bố quan trọng được Moscow đưa ra trước cuộc họp ở Sochi, một trong số đó là về thỏa thuận đầu tiên với Iran.

Không giống như Thủ tướng Netanyahu - người tuyên bố ngày 9/9 rằng, Iran đang tiếp tục vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - đại diện Nga tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ngày 10/9 đã nhấn mạnh bản chất dân sự trong chương trình hạt nhân Iran.

Khoảng một ngày sau, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố gây sốc rằng, nếu ông thắng nhiệm kỳ mới, ông sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan và bờ biển phía Bắc Biển Chết.

Thông báo đã khiến thế giới chấn động. Các quốc gia Ả Rập lên tiếng chỉ trích, Mỹ tuyên bố chính sách của mình đối với các lãnh thổ của Palestine không thay đổi và Nga bày tỏ lo ngại rằng một bước đi như vậy có thể dẫn đến một sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc xung đột.

Cả hai tuyên bố trên đều cho thấy chính sách rõ ràng của Nga – vẫn không có gì thay đổi - bất chấp mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Israel.

Nga vẫn duy trì liên minh chiến lược chặt chẽ với Iran, ngay cả khi hai nước không phải lúc nào cũng có chung lợi ích. Iran vẫn quan trọng đối với Nga với tư cách là nhân vật chủ chốt trên đấu trường Syria và là mỏ neo của Nga ở Trung Đông. Còn đối với người Palestine, lập trường của Nga cũng không biến chuyển.

Về quyền tự do hành động trên không phận Syria, thật khó để nói liệu lợi ích của Israel có thay đổi như thế nào trong cuộc gặp không có nhiều dấu ấn vài ngày trước. Một điều chắc chắn là Syria sẽ tiếp tục là chủ đề chính của hai nước trong vòng 1-2 năm tới.

Trong ba năm có sự hiện diện của Nga ở Syria, không quân Israel đã được hưởng tự do hành động tại quốc gia láng giềng. Hai quốc gia đã đồng ý về chính sách sau: Israel có thể tiếp tục tấn công các mục tiêu của Iran mà không cần xin phép Nga trước, nhưng Moscow sẽ không chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công này.

Trong khi đó, Nga yêu cầu ​​Israel sẽ tránh can thiệp vào các nỗ lực của chính quyền Syria nhằm khôi phục quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ bị phiến quân và các nhóm đối lập chiếm giữ. Về cơ bản, Tel Aviv chấp nhận điều kiện này mà không bao giờ thách thức.

Nỗ lực không thành

Chiêu trò tung hỏa mù: Vì sao không nhận được cái gật đầu của Nga, Israel vẫn ra vẻ thắng lớn ở Syria? - Ảnh 3.

Thủ tướng Netanyahu chưa thể chia rẽ Nga-Iran ở Syria.

Thủ tướng Netanyahu từng hy vọng ông có thể khiến Tổng thống Putin rời xa Iran và thậm chí có thể đồng ý về thỏa thuận mới với Mỹ ở Syria.

Nhưng tính đến thời điểm hiện tại - sau bốn năm và 13 cuộc gặp mặt với Tổng thống Nga, chưa kể một số cuộc điện đàm - có vẻ như Thủ tướng Netanyahu đã không thể tạo ra sự chia rẽ giữa Moscow và Tehran.

Quan hệ đối tác giữa Nga và Iran ở Syria vẫn bền chặt như mọi khi bất chấp các thông tin cho rằng, đã có một số đụng chạm giữa hai nước thời gian qua.

Iran là một đối tác trong cuộc chiến chống phiến quân của Syria, đồng thời cũng đang giúp ổn định nền kinh tế Syria. Không phải Nga, chính Iran mới đầu tư một khoản tiền đáng kể vào nền kinh tế của đất nước Trung Đông.

Như thường lệ, Nga đang hợp tác với tất cả các bên khác nhau: Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Hezbollah, Iran và Israel. Đó là bữa tiệc mà Nga có thể cắt bánh chia đều cho tất cả, bất cứ khi nào muốn.

Israel sẽ phải hợp tác chặt chẽ với quân đội Nga để ngăn chặn các cuộc đụng độ trên không phận Syria và cho phép các cuộc tấn công được tiếp tục, dù có thể bị hạn chế hơn trước.

Điểm mấu chốt là sau nhiều năm Nga can dự vào Syria, mục tiêu bao trùm của Thủ tướng Netanyahu là giữ Iran tránh xa biên giới Israel hoặc thậm chí đẩy ra khỏi Syria hoàn toàn - vẫn chưa đạt được.

Trong khi đó, trở lại Israel, giới phân tích tin rằng, cuộc gặp với Tổng thống Putin cùng với những tuyên bố sức nặng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chỉ đơn giản là một chiến lược khôn ngoan của nhà lãnh đạo này trước cuộc bầu cử.

Đó là thông điệp mà ông gửi đến cử tri Israel, để chứng minh rằng ông là nhà lãnh đạo duy nhất của đất nước có thể khiến mọi việc trở nên ổn thỏa, và hơn cả là có quan hệ tốt với các siêu cường.

Có vẻ như chiến lược này đã thành công. Hầu hết các trang báo về chương trình tin tức cuối tuần đều tập trung vào bức ảnh hai nhà lãnh đạo Nga-Israel đăng trên trang nhất.

Truyền thông trong nước đã dành cả ngày để thảo luận về mối quan hệ của Israel với Nga và tình hình nghiêm trọng ở Syria và Iran. Báo chí dường như đã quên mất những lùm xùm gây tổn hại đến uy tín của Thủ tướng Netanyahu trước thềm bầu cử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại