Hôm 29/6, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem cáo buộc lệnh trừng phạt mới của Mỹ (Đạo luật Caesar) không nhằm mục đích gì khác ngoài việc khiến người dân thêm thống khổ, đồng thời cản trở các hoạt động tái thiết ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Đạo luật Caesar có hiệu lực vào ngày 17/6, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 39 quan chức Syria bao gồm cả Tổng thống Bashar al-Assad, cũng như nhằm vào những đối tượng có ý định hợp tác với Damascus.
Thay đổi phương pháp
Nói với Sputnik, Mark Sleboda - chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Mỹ cho biết, việc tăng cường "cuộc chiến trừng phạt kinh tế bất hợp pháp" của chính quyền Donald Trump đánh dấu "sự thay đổi về phương pháp" trong chính sách chống lại Syria.
Theo ông, Mỹ chuyển sang tập trung vào việc thực thi các biện pháp trừng phạt sau khi thất bại trong mục tiêu thay đổi chính quyền ở Damascus.
"Các lệnh trừng phạt có nhiều mặt và nhắm đến từng mục tiêu cụ thể, bao gồm tổng thống Syria, gia đình , các quan chức hàng đầu, giới tinh hoa chính trị, kinh tế Syria, và phần lớn dân số Syria", chuyên gia Sleboda nhấn mạnh.
Mặc dù Nhà Trắng tuyên bố các biện pháp "không nhằm mục đích gây hại cho người dân Syria", nhưng Mỹ đang khiến cho người dân Syria "không thể chịu đựng nổi" vì điều kiện kinh tế xấu đi, do đó làm gia tăng sự bất mãn với chính quyền.
"Sự phát triển trong chính sách của Mỹ đối với Syria có thể được mô tả như sau: Thay đổi chính quyền hoặc đốt cháy đất nước. Thay đổi chính quyền hoặc chiếm đóng đất nước. Thay đổi chính quyền hoặc bỏ đói cả đất nước", nhà phân tích nói.
Mỹ đã thiết lập chính sách trừng phạt đối với Syria trong nhiều thập kỷ và dần dần đẩy mạnh các áp đặt kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào năm 2011.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 4/2020, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, Vassily Nebenzia, nhấn mạnh hàng loạt lệnh trừng phạt do Mỹ, EU, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt lên Syria trong những năm qua đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với nước này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành
Gậy ông đập lưng ông
Trừng phạt của Mỹ sẽ khiến quá trình tái thiết ở Syria bị ngưng trệ.
Chính sách trừng phạt của chính quyền Trump gần đây đã vấp phải một số chỉ trích từ Stratfor, một công ty tình báo địa chính trị danh tiếng của Mỹ, đôi khi được ví là "CIA trong bóng tối".
Tổ chức này cho rằng chính sách trừng phạt Syria của Nhà Trắng sẽ càng làm cho "thế kiềng ba chân" với Nga và Iran trở nên vững chắc hơn.
Theo chuyên gia Sleboda, tác động địa chính trị của các lệnh trừng phạt thậm chí còn lớn hơn thế vì chúng ảnh hưởng tiêu cực đến "quy mô và sự ổn định của nền kinh tế khu vực ".
"Điều đó đã được ghi nhận rộng rãi trên truyền thông phương Tây và vùng Vịnh, nói rằng các lệnh trừng phạt tàn bạo đối với Syria đang có tác động tàn phá mạnh mẽ đối với các nền kinh tế và người dân ở Lebanon, Iraq, Jordan, cũng như những nơi khác, vì các nền kinh tế khu vực này liên kết và phụ thuộc lẫn nhau", Sleboda chỉ ra.
Theo nhà phân tích, hậu quả nghiêm trọng từ chính sách trừng phạt của Mỹ "chắc chắn cũng sẽ gây bất ổn chính trị hơn nữa đối với khu vực Levant và Trung Đông, dẫn đến để lộ khoảng trống quyền lực và gia tăng khủng bố".
Bên cạnh đó, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cảm thấy lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt sẽ ngăn tổ chức này hòa giải với Damascus, tham gia vào các dự án tái thiết sinh lợi, cũng như đạt được một số đòn bẩy chính trị ở Syria.
Mới đây, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đi theo con đường độc lập với Mỹ khi tăng cường mối quan hệ hợp tác với Chính phủ Assad và mở một đại sứ quán ở Damascus.
Vào ngày 17/6, Mỹ đã chỉ trích UAE, đe dọa áp đặt trừng phạt theo Đạo luật Ceasar đối với các hành động tương tự nói trên, một động thái sẽ làm sứt mẻ hơn nữa mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước.
"Một khi các quốc gia vùng Vịnh bị ngăn chặn hợp tác với Syria, mọi kế hoạch tái thiết sẽ rơi hết vào tay Nga, Iran, Trung Quốc và các nước khác", chuyên gia Sleboda nhấn mạnh. "Kịch bản này sẽ củng cố thêm ảnh hưởng của các thế lực nói trên đối với định hướng địa chính trị ở Syria".