Theo tài liệu “Khoa cử chế độ khởi nguyên biện tích” (xuất bản năm 1983) của tác giả Hà Trung Lễ - tiến sĩ nghiên cứu lịch sử tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì các kỳ thi tuyển chọn nhân tài bắt đầu xuất hiện vào thời nhà Tùy.
Cho tới thời nhà Đường thì phát triển hơn và được công nhận chính thức, cứ thế đến thời Tống thì được hoàn thiện và chế độ khoa cử kéo dài cho qua các triều đại phong kiến như Minh, Thanh với thời gian tổng cộng là 1300 năm.
Ở chế độ phong kiến, khoa cử chính là con đường sáng nhất để dẫn đến chức vị, quyền lực của một người đàn ông. Đi cùng với các kì thi là các quy tắc cần phải tuân theo để đảo bảo sự công bằng. Nhưng cũng không thiếu cách để những kẻ yếu năng lực vượt qua nhằm có được chỗ đứng trong chốn quan trường.
Đương nhiên cùng với đó sẽ xuất hiện biện pháp chống gian lận thi cử của những người chịu trách nhiệm tổ các kì thi.
Một số phương thức gian lận trong các kỳ thi ở Trung Quốc xưa
Hối lộ quan giám khảo hoặc người chấm bài
Đây là hình thức gian dối được coi là phổ biến nhất vào thời nhà Đường. Thậm chí , các kỳ thi có khi chỉ là dưới dạng "hữu danh vô thực". Bởi đề thi và cách thức thi, chấm bài đều nằm trong tay một bộ phận quan lại quý tộc và yêu cầu là phải bí mật và họ có thể ưu tiên con cái họ hàng của mình. Người xưa gọi là "Tố Ám Hiệu".
Quan giám khảo có thể cố tình để lộ đề thi cho một hoặc một vài thí sinh trước khi kì thi diễn ra nhằm giúp họ có sự chuẩn bị trước. Táo tợn hơn, thí sinh có thể cố tình đánh dấu đặc điểm nào đó vào bài thi của cho quan giám khảo hoặc chủ khảo biết tên tuổi quê quán nhằm thuận lợi cho quá trình "nâng đỡ".
Minh họa cảnh các quan lại đang chấm thi (Ảnh: Wikipedia)
Để khắc phục tình trạng này. Vào thời Võ Tắc Thiên, người ta nghĩ ra cách đó là tạm thời dán giấy che tên trên bài thi để đảm bảo rằng quan chấm bài không biết đó là bài viết của ai.
Cách này khá hữu dụng, đến thời nhà Tống thì một phương pháp ưu việt hơn là sẽ có một người chép lại bài của thí sinh bằng mực đỏ nhưng không ghi tên rồi đưa cho quan giám khảo chấm, sau khi chấm thì mới mang bài đó ghép lại vào bài viết gốc bằng mực đen của thí sinh. Dân gian gọi dưới cái tên là "Châu Quyển".
Cũng đã từng có viên quan phụ trách kỳ thi nhận hối lộ và bị phát hiện. Đó là vào thời đại của Đường Cao Tông, cụ thể là vào năm 663 sau Công nguyên. Quan chủ khảo khi ấy là Đồng Tư Cung đã nhận hối lộ của một vài sĩ tử giàu có rồi tiết lộ đề thi trước cho họ chuẩn bị.
Sự việc bị phát giác, ban đầu Đồng Tư Cung phải chịu án tử. Nhưng sau đó ông tự mình ăn năn nhận tội, khai ra tên tuổi những thí sinh hối lộ nên được miễn chết rồi bị lưu đày tới vùng Lĩnh Nam.
Giấu tài liệu vào các vận dụng thông thường
Tất cũng được tận dụng để làm "phao thi" (Ảnh: kknews.cc)
Thời phong kiến, việc gian lận bằng tài liệu thu nhỏ có lẽ là cách gian lận trông giống với thời đại ngày nay nhất. Khi đi thi đương nhiên không được mang các cuốn kinh thư vào trường thi.
Thời xưa thì các sách như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Sử Ký... sẽ là tài liệu cần được ôn tập kĩ lưỡng vì nội dung đề thi cũng được lấy trong các bộ sách này.
Với khối lượng kiến thức lớn và đồ sộ thì không phải ai cũng có thể nắm được hết. Vì vậy, những kẻ gian lận sẽ tìm cách đem các nội dung này vào. Một trong những cách phổ biến ấy là thu nhỏ tài liệu sao cho chỉ vừa trong lòng bàn tay. Thậm chí, các tài liệu này còn được đặt cho một cái tên mỹ miều là "Tụ trân thánh hiền thư".
Áo trong được viết đầy chữ nhỏ để gian lận khi thi (Ảnh: kknews.cc)
Không chỉ thu nhỏ tài liệu vào giấy tờ. Các vận dụng hàng ngày cũng được tận dụng để qua mắt các quan giám khảo. Cụ thể, thí sinh sẽ viết nội dung sách ôn thi vào những thứ mang trên người như áo trong, tất.
Vì thế, không ít trường hợp bị phát giác gian lận mà sau đó người ta dễ dàng trông thấy quần áo, khăn tay hay tất của họ chi chít những nét chữ. Những cách này thường được dùng bởi các thí sinh không có đủ tiền bạc, quan hệ để mua đề trước ngày thi hay đút lót cho quan chấm bài sau kì thi.
Một hộp đựng tài liệu gian lận trong kì thi thời nhà Thanh (Ảnh: kknews.cc)
Năm 2005, một bộ công cụ gian lận rất tinh vi đã được phát hiện ở Thiên Tân. Người ta xác định đây là bộ đồ có từ thời nhà Thanh. Với chiếc hộp có kích thước của hộp cơm với có 9 tập sách, tất cả đều dài 4,5 cm, rộng 3,8 cm và dày 0,5 cm.
Có khoảng 10 bài viết trong mỗi tập sách, tổng cộng hơn 100.000 từ. Điều đáng kinh ngạc là văn bản trong tập có kích thước rất nhỏ mà được in ấn đàng hoàng.
Ngoài ra, một bộ Ngũ Kinh cũng được tìm thấy ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, được cho là cuốn sách nhỏ nhất trong thiên hạ. Có 342 trang, tổng cộng hơn 300.000 từ, chiều dài sách 6,5 cm, chiều rộng 4,8 cm, độ dày 1,5 cm, in giấy gạo, có sợi dây buộc chúng lại với nhau. Bộ Ngũ Kinh này có đầy đủ Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu, Kinh Lễ.
Bộ Ngũ Kinh thu nhỏ được tìm thấy ở Lạc Dương, dùng phương pháp in ấn thời trung đại (Ảnh: kknews.cc)
Nhờ người khác làm bài hộ
Ngoài những cách thức một mình thí sinh thực hiện thì có cả những cách thức mà có "đồng phạm" tham gia cùng. Phổ biến nhất có lẽ là việc nhờ một người cùng làm bài với mình. Cụ thể, sĩ tử sẽ thuê một người cùng đăng kí vào trường thi như bình thường.
Người này phải là người giỏi văn chương, có trình độ, khi vào trường thi anh ta sẽ cố gắng hết sức làm bài như thường. Tuy nhiên hai người sẽ không đề tên mình mà tráo đổi, đề tên người kia vào bài thi để qua mắt quan chấm bài.
Thậm chí, liên quan đến hình thức gian lận này còn có nhà thơ nổi tiếng thời Đường Ôn Đình Quân. Ông vốn là người có tài văn chương, âm luật, thi ca. Tuy nhiên tính tình phóng thoáng, thích ngao du với cả những công tử quý tộc ăn chơi lêu lổng, vì thế dù nổi tiếng học rộng hiểu nhiều nhưng ông mãi không đỗ nổi tiến sĩ.
Và Ông Đình Quân đã từng giúp vài người trong các kỳ khoa cử. Với vốn kiến thức của mình, ông đã vào trường thi làm bài hộ rồi đề tên người khác, giúp họ đỗ đạt. Việc làm của ông thậm chí còn được ... khen. Cụ thể trong cuốn "Bắc Tống Tỏa Ngôn" của Tôn Quang Hiến đã gọi ông là "tài tư diễm lệ, công vu tiểu phú, mỗi lần nhập khảo, áp quan vận khảo".
Ý khen Ông Đình Quân tài năng đến nỗi chỉ cần bỏ chút công sức vào trường thi làm bài cũng khiến quan giám khảo chịu lép vế văn thơ.
Tranh mô phỏng trường thi thời xưa (Ảnh: Sohu.com)
Một số phương pháp chống gian lận thi cử
Để chống lại các mánh khóe của kẻ gian. Thời Đường người ta đã quy định không được cho quan chấm bài biết trước tên sĩ tử cũng như vị trí mà sĩ tử ngồi thi. Sau khi làm bài, tên tuổi, quê quán, xuất thân của sĩ tử cũng được đem niêm phong. Chấm bài xong mới đem ra đối chiếu sau.
Thời Tống, để tránh tình trạng thi hộ. Người ta phát cho sĩ tử một loại đơn gọi là "Đơn nhập trường thi". Sĩ tử phải có đơn này mới được vào, tương tự như giấy báo thi ngày nay. Đơn nhập trường thi sẽ ghi tên tuổi, quê quán, tên cha đẻ, đặc điểm nhận dạng.
Khi vào nhập trường, quan giám khảo sẽ dò xét tra hỏi cẩn thận mới cho vào, đề phòng có kẻ mạo danh. Thời Tống Thái Tông, xuất hiện một cách thức ngăn chặn quan chấm bài và sĩ tử. Đó là có hẳn một khu vực cho các quan chấm bài được ở riêng gọi là "tỏa viên chế độ". Hầu như không ai được tiếp xúc với họ cho tới khi họ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Minh họa sĩ tử xem bảng vàng thời nhà Thanh (Ảnh: Sohu.com)
Nghiêm ngặt nhất trong tiến hành khoa cử có lẽ là vào thời Minh. Trong giấy tờ của sĩ tử dự thi ngoài tên họ, quê quán còn phải ghi danh ... ba đời từ ông, cha, đến chính mình. Ngoài ra còn một loạt quy tắc khác để đảm bảo sự khách quan trong tổ chức khoa cử như "Tỏa Viện" , "Sưu Kiểm", "Tuần Tra",...
Các giám khảo chấm bài cũng bị giám sát chặt chẽ bởi các võ quan, không được phép tự do ra vào trường thi. Sĩ tử cũng làm bài trong ba phiên, suốt từ sáng đến chiều.
Hết một phiên sẽ thu bài một lần. Cuối thời nhà Minh và thời nhà Thanh, người ta thậm chí không cho mang giấy vào phòng thi với bất cứ lí do gì. Triều đình sẽ cung cấp đủ giấy cho sĩ tử làm bài.
Tham khảo: KKNEWS.CC, HISTORY.SINA.COM.CN, SOHU.COM