Chiêu trò biến BĐS thành cổ phiếu khiến nhiều phụ nữ “sập bẫy đầu tư”, tưởng có tiền dưỡng già ai ngờ mất sạch sành sanh

Lưu Ly |

Người phụ nữ vay mượn khắp nơi để mua nhà, mong muốn có khoản tiết kiệm dưỡng già, nào ngờ sập bẫy của một “tập đoàn lừa đảo” bằng các chiêu trò đầu cơ bất động sản

“Tôi mua một căn nhà, nhưng cuối cùng lại bị người ta lột mất một lớp da”

Chị Ngụy Tĩnh, là một phụ nữ trung niên 48 tuổi đã ly hôn, ban đầu chị kinh doanh một tiệm hải sản tại Tô Châu để mưu sinh.

Vào năm 2019, Chị Tĩnh tình cờ phát hiện ra tài khoản do Lý Tuyết Phong quản lý có tên gọi là “Shenfangli” trên Weibo. Chị dường như bị “tẩy não” bởi dự đoán “giá nhà đất ở Thâm Quyến sắp tăng mạnh”, chị nghĩ đến việc đến Thâm Quyến đầu cơ vào bất động sản để dành dụm dưỡng già. Chị Tĩnh đã phải chi trả 12.780 NDT phí thành viên để được tham gia vào “nhóm đầu cơ bất động sản”.

Chị Tĩnh ngắm trúng một căn hộ nhỏ rộng 49 mét vuông ở Tiền Hải, Thâm Quyến, tổng giá 7,28 triệu NDT. Trong mắt người bình thường, người mua được căn nhà đơn giá hơn 7 triệu NDT hẳn là giàu có?

Trên thực tế, Ngụy Tĩnh đã vay mượn người thân xung quanh, nhưng chỉ gom góp được hơn 2 triệu. Hơn nữa, hiện chị đã ở độ tuổi 48, nguồn thu nhập bấp bênh, e rằng chẳng thể trả hết số nợ đang vay.

Chiêu trò biến BĐS thành cổ phiếu khiến nhiều phụ nữ “sập bẫy đầu tư”, tưởng có tiền dưỡng già ai ngờ mất sạch sành sanh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tài khoản Shenfangli khuyến khích người chơi cách chơi như sau: thay vì sử dụng tiền tiết kiệm để mua nhà, họ khuyến khích dùng tiền tiết kiệm để trả khoản tiền ứng trước.

Nhân viên trong nhóm đã thiết kế một kế hoạch mua nhà bằng hình thức lừa đảo cho chị Tĩnh, chính là kết hôn giả. Họ thành lập các công ty trá hình, làm giả các loại giấy tờ, ứng trước khoản tiền từ công ty cho vay, sau đó lấy khoản vay kinh doanh.

Chị Tĩnh đã chi hàng chục nghìn NDT chỉ để giả mạo tư cách mua nhà trong hai bước đầu tiên.

Bước tiếp theo, chị Tĩnh dùng số tiền 2,92 triệu NDT để chi trả khoản tiền đặt cọc, về số tiền 4,36 triệu còn lại sẽ được phân bổ bởi công ty cho vay.

Nói cách khác dễ hiểu hơn, nếu bạn muốn sử dụng hình thức khoản vay kinh doanh, thì trước tiên bạn phải vay tiền từ nhiều nguồn tín dụng đen, gom tất cả số tiền để mua nhà. Sau đó thế chấp ngôi nhà để lấy khoản vay kinh doanh và trả lại khoản vay ban đầu. Tuy nhiên, vay vốn tín dụng đen lãi suất cực cao, nếu như không thể lấy được khoản vay kinh doanh, hậu quả sẽ rất khó lường.

Shenfangli giới thiệu cho chị Tĩnh là một công ty cho vay nhỏ với lãi suất một phần nghìn/ngày, tương đương với lãi suất hàng năm là 36,5%. Với số tiền vay 4,36 triệu, thì cần đến 250.000 NDT tiền lãi, nếu quá hạn lãi suất sẽ tăng thêm 4.360 NDT theo ngày. Để trả khoản nợ này, chị Tĩnh phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn kinh doanh càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, vào thời điểm này thành phố Thâm Quyến ban hành quyết định siết chặt việc giám sát hoạt động cho vay, chuỗi vốn của chị Tĩnh đã bị phá hủy.

Chiêu trò biến BĐS thành cổ phiếu khiến nhiều phụ nữ “sập bẫy đầu tư”, tưởng có tiền dưỡng già ai ngờ mất sạch sành sanh - Ảnh 2.

Cuối cùng, căn hộ của chị Tĩnh bị niêm yết trên sàn đấu giá của tòa án và được bán với giá khởi điểm là 6,6 triệu NDT. Lúc này, chị Tĩnh vay tiền để mua nhà đã được nửa năm. Trong trường hợp xấu nhất, số tiền gốc và lãi của khoản ứng trước đã cộng dồn lên 5,14 triệu NDT.

Trải qua sự việc lần này, chị Tĩnh đã chia sẻ trải nghiệm của mình: “Tôi mua một căn nhà, nhưng cuối cùng lại bị người ta lột mất một lớp da.”

Những kẻ đầu cơ bất động sản chuyên bóc lột người nghèo

Sau khi vụ việc này trở nên nổi tiếng, cư dân mạng phát hiện ra một sự thật đáng ngạc nhiên, phụ nữ ly hôn và mẹ đơn thân chiếm phần lớn trong số khách hàng của nhóm đầu cơ bất động sản này.

Một tài khoản đầu cơ khác tự xưng là “Bà mẹ xinh đẹp Trần Tiểu Tuyền” với gần 500.000 lượt theo dõi, cô tự giới thiệu mình là: “Thạc sĩ Đại học Bắc Kinh, một học sinh xuất sắc từ nhỏ, đứng nhất thành phố trong kỳ thi tuyển sinh cấp ba, đứng thứ hai trong kỳ thi tuyển sinh đại học, IP đầu tiên của giáo dục Weibo Montessori, đồng sáng lập 150 Montessori (một phương pháp nuôi dạy con cái).”

Trên Weibo, “Bà mẹ xinh đẹp Trần Tiểu Tuyền” thường xuyên khoe gia thế giàu có và cho biết phương pháp này là học từ nhóm Shenfangli.

Chiêu trò biến BĐS thành cổ phiếu khiến nhiều phụ nữ “sập bẫy đầu tư”, tưởng có tiền dưỡng già ai ngờ mất sạch sành sanh - Ảnh 3.

Dựa vào chiêu trò thiết lập hình ảnh là một người phụ nữ độc lập, cô nhanh chóng thu hút được sự quan tâm từ những người phụ nữ ly hôn, mẹ đơn thân đang gặp khó khăn trong tình cảm hoặc tài chính.

Niềm hy vọng mà “Bà mẹ xinh đẹp Trần Tiểu Tuyền” trao cho họ là đầu cơ bất động sản. Nếu muốn đầu cơ vào bất động sản, trước tiên họ phải mua một vé thành viên của Shenfangli.

Shenfangli truyền tư tưởng sau cho người tham gia: “Bạn không thể làm giàu nhờ lao động, bạn chỉ có thể đạt tự do tài chính bằng cách không lao động, hãy sử dụng tiền của ngân hàng để thực hiện ước mơ của mình.”

Bằng cách này, tổ chức đầu cơ bất động sản ngày càng lớn mạnh, có đến 1,4 triệu lượt theo dõi trên Weibo. Tổng số thành viên của nhóm lên tới 5.000 người, giá khởi điểm của phí thành viên là 3.980 NDT và phí thành viên VIP cao tới 9.000 NDT.

Có thể thấy, Shenfangli không cần phải đầu cơ vào bất động sản nào cũng có thể thu về được hàng chục triệu chỉ bằng cách thu phí thành viên. Ngoài ra, họ quảng bá một khái niệm gọi là “Pareto”, một hình thức gây quỹ bất hợp pháp.

Hiệu ứng Matthew: Người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo

Theo kế hoạch của Shenfangli, các thành viên có thể bỏ tiền vào quỹ “Pareto” và nhận tiền lãi hàng ngày khoảng 4/10.000. Họ sẽ sử dụng số tiền này cho những người cần vay tiền mua nhà, với lãi suất hàng ngày là 6/10.000. Mỗi lần xoay vốn như thế, tổ chức này có thể bỏ túi số tiền chênh lệch 2/10.000.

Chiêu trò biến BĐS thành cổ phiếu khiến nhiều phụ nữ “sập bẫy đầu tư”, tưởng có tiền dưỡng già ai ngờ mất sạch sành sanh - Ảnh 4.

Đối với những người không có khả năng trả khoản ứng trước để đầu cơ bất động sản, họ đã phát minh ra một cách chơi khác, gọi là “gây quỹ cộng đồng để mua nhà”.

Mỗi thành viên chỉ cần bỏ ra 100.000 hoặc 200.000 NDT, hàng chục người cùng nhau gây quỹ sẽ mua được căn hộ sang trọng hàng chục triệu. Căn hộ sẽ do một người đại diện đứng tên, vài năm sau bán đi, số tiền kiếm được chia nhau theo tỷ lệ.

Theo thuật ngữ chuyên môn, trò chơi của Shenfangli được gọi là chứng khoán hóa bất động sản, tương đương với việc thành lập quỹ đầu tư ủy thác bất động sản (REITs). Theo luật pháp Trung Quốc, các cá nhân không được thành lập hoặc tham gia vào các khoản đầu tư như vậy.

Nói một cách khái quát hơn, “gây quỹ cộng đồng để mua nhà” thực chất là biến căn nhà thành cổ phiếu, mua nhà biến thành đầu cơ cổ phiếu. Điều này không chỉ khiến những người chơi ngày càng khốn khổ mà còn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn của Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại