Trong thông báo về đề cử Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch ngày 22/12, ông Trump viết: "Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy việc sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết".
Trước đó, ông Trump gợi ý rằng Mỹ có thể giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama nếu không có biện pháp nào đó để giảm bớt chi phí vận chuyển qua tuyến đường thủy nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ông cũng đã gợi ý Canada sẽ trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ và gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "thống đốc của Tiểu bang Canada vĩ đại".
Thủ tướng Trudeau cho rằng ông Trump đang nói đùa về việc sáp nhập Canada, nhưng hai người gần đây đã gặp nhau tại câu lạc bộ Mar-a-Lago để thảo luận về vấn đề tăng thuế 25% đối với tất cả hàng hóa của Canada.
Stephen Farnsworth, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mary Washington ở Fredericksburg, Virginia, cho rằng việc ông Trump nhắm vào các quốc gia thân thiện với Mỹ gợi nhớ đến phong cách hung hăng của ông từ thời còn kinh doanh.
"Bạn đòi điều gì đó rất vô lý và khả năng cao là bạn sẽ nhận được điều ít vô lý hơn", Farnsworth, tác giả của cuốn sách "Giao tiếp và tính cách của Tổng thống", nhận định.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. 80% diện tích của hòn đảo được bao phủ bởi băng và là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ.
Hòn đảo này giành quyền tự chủ từ Đan Mạch vào năm 1979. Ông Múte Bourup Egede, lãnh đạo chính quyền Greeland, cho rằng lời kêu gọi mới nhất của ông Trump là vô nghĩa.
"Greenland là của chúng tôi. Chúng tôi không bán và sẽ không bao giờ bị bán. Chúng tôi không thể để mất cuộc chiến giành tự do kéo dài nhiều năm của mình", ông Múte Bourup Egede nói.
Trong tuyên bố riêng, văn phòng Thủ tướng Đan Mạch cho biết họ "mong muốn chào đón đại sứ mới của Mỹ và mong muốn được làm việc với chính quyền mới".
"Trong tình hình chính trị an ninh phức tạp như hiện nay, hợp tác xuyên Đại Tây Dương là rất quan trọng", tuyên bố cho biết.
Tuyên bố lưu ý rằng Đan Mạch không có bình luận nào về Greenland ngoại trừ việc hòn đảo "không phải để bán, nhưng vẫn mở cửa cho hợp tác".
Năm 2019, ông Trump hủy chuyến thăm Đan Mạch sau khi lời đề nghị mua Greenland của ông bị Copenhagen từ chối.
Ngày 22/12, Tổng thống đắc cử Mỹ cũng ám chỉ rằng Mỹ đang “bị lừa” ở Kênh đào Panama.
"Về cả nguyên tắc, mặt đạo đức và pháp lý đều không được tuân thủ, chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho Mỹ, toàn bộ, nhanh chóng và không cần thắc mắc", ông tuyên bố.
Tổng thống Panama José Raúl Mulino phát biểu trong một video rằng "mỗi mét vuông của kênh đào đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục như vậy". Ông Trump lập tức phản pháo bằng bài đăng trên mạng xã hội: "Chúng ta sẽ xem xét điều đó!"
Ông Trump cũng đăng một bức ảnh lá cờ Mỹ cắm trên khu vực kênh đào với dòng chữ "Chào mừng đến với Kênh đào Mỹ!".
Mỹ xây dựng kênh đào này từ đầu những năm 1900 nhưng đã trao quyền kiểm soát cho Panama vào ngày 31/12/1999, theo một hiệp ước được ký kết năm 1977 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter.
Khi chịu hạn hán nghiêm trọng trong năm 2023, cơ quan quản lý giảm đáng kể số lượng tàu qua lại kênh đào mỗi ngày, đồng thời tăng phí sử dụng.
Theo GS. Farnsworth, Canada sẽ không trở thành một phần của Mỹ, nhưng những phát biểu của ông Trump có vẻ nhằm ép Canada nhượng bộ, nhất là trong bối cảnh chính trị bấp bênh ở Canada hiện nay.
"Ông Trump có thể nhận được những nhượng bộ về thương mại, kiểm soát biên giới hoặc những điều khác. Những gì Trump muốn là chiến thắng. Dù quốc kỳ Mỹ không được kéo lên ở Greenland, người châu Âu có thể sẽ đồng ý với một điều gì đó vì áp lực”, GS. Farnsworth nhận định.