Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát việc mở bán của các hãng hàng không, đã phát hiện tình trạng mở bán vượt quá số slot (số lượt cất hạ cánh) nên đã có Văn bản số 1364 gửi tới Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) yêu cầu dừng ngay việc này và sẽ không cấp slot tăng chuyến trong vòng 6 tháng kể từ ngày phát hiện tái phạm.
Bán slot bay không có thật
Thời gian qua, rất nhiều khách hàng/đại lý mua vé của Bamboo Airways đã tố hãng bay này bất ngờ huỷ chuyến, dồn chuyến, và phải rất vất vả khi đòi lại tiền.
Chị Thanh Dung (Hà Nội) cho biết, có lịch đi công tác nên chị đặt vé bay khứ hồi và chọn khung giờ lúc 11h30 sáng để tiện di chuyển, song gần ngày bay, hãng bất ngờ báo huỷ chuyến và dồn sang chuyến sáng sớm với giá tiền chênh cả triệu đồng.
"Chuyến bay được dồn sang 5h40 phút sáng khiến mình phải dậy từ 4h sáng để ra sân bay rất vất vả mà hãng không một lời xin lỗi cũng như đền bù thiệt hại cho khách hàng", chị Dung nói.
"Đầu tháng 12/2020, mình có đặt vé chặng Hà Nội - Cần Thơ lúc 10h20 sáng. Tầm 2 ngày sau, Bamboo bất ngờ gửi tin nhắn là đổi giờ bay tới 17h50. Vào web của hãng thấy báo chuyến bay lúc 10h20 sáng đã bị huỷ nên mình đành đồng ý đổi lịch bay. Nhưng sau đó 4 ngày thì mình check lại chuyến 10h20 sáng vẫn bay bình thường, nên yêu cầu đổi lại vé ngay nhưng hãng nói phải trả thêm phí mới đổi. Như vậy là làm ăn bát nháo, không tôn trọng khách hàng, từ đó mình tẩy chay", chị Thanh Huyền (Hà Nội) bức xúc viết trên mạng xã hội.
Một khách hàng khác là chị Nguyễn Linh (Thanh Hoá) cũng bức xúc khi đặt vé chuyến bay Thanh Hoá - Quy Nhơn tháng 12/2020, nhưng sau đó hãng huỷ chuyến và đến nay chưa trả lại tiền.
Phản hồi về hiện tượng huỷ chuyến, trong một văn bản gửi đại lý bán vé, Bamboo Airways thông tin "việc sửa chữa đường băng tại sân bay Nội Bài, đồng thời một số tàu bay của chúng tôi đang tiến hành bảo dưỡng định kỳ nên trong thời gian ngắn trước mắt, hãng phát sinh thay đổi trong lịch bay".
Về phía cơ quan chức năng, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã khẳng định trên truyền thông rằng, việc sửa chữa sân bay Nội Bài không ảnh hưởng đến các sự cố chậm, huỷ chuyến của các hãng hàng không trong giai đoạn này. Các slot bay của các hãng đều đã được Cục Hàng không cấp phép và có tính toán với hạ tầng sân bay hiện tại. Hơn nữa, báo cáo về sự cố chậm, hủy chuyến bay của hãng gửi đến Cảng hàng không Nội Bài cũng không nêu lý do ảnh hưởng từ hạ tầng sân bay.
"Tiểu xảo" kinh doanh
Theo một chuyên gia hàng không, do công tác điều hành bay và hạ tầng hàng không của Việt Nam quá tải nên các hãng bay sẽ được Cục Hàng không cấp số slot nhất định để đảm bảo việc cất hạ cánh được thông suốt, không chồng chéo dẫn đến ùn tắc. Việc cấp slot bay sẽ phụ thuộc từng hãng bay, năng lực vận chuyển, vào mùa đông/hè, dịp cao điểm…
Có rất nhiều tiêu chí để Cục Hàng không đưa ra con số cố định về slot bay cho từng hãng bay.
Thời gian của một ngày chỉ có 24 tiếng, vậy nên khung giờ đẹp để cất/cánh thì không phải hãng nào cũng được cấp nhiều. Thường vào các khung giờ đẹp để bay, các mức giá vé sẽ cao hơn so với bay đêm hay sáng sớm.
Nói như vậy để thấy rằng, việc cấp các slot bay có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, lợi nhuận của các hãng bay. Vì thế, mới sinh ra hiện tượng bán vượt quá số slot được cấp trong khung giờ đó.
Theo giới hàng không, việc bán quá số slot bay được cấp là "tiểu xảo" kinh doanh - "mũi tên trúng hai đích". Thứ nhất, việc mở bán số slot "ảo" (không được Cục Hàng không cấp) giúp các hãng hàng không thực hiện việc "gom khách". Các khách mua vào các slot "ảo" không được Cục Hàng không cấp này, sau đó sẽ được hãng viện cớ huỷ chuyến và dồn vào các chuyến bay khác. Có trường hợp khách hàng mua slot bay 8h sáng nhưng bị dồn vào bay chuyến sáng sớm 5h30. Thứ hai, nếu khách hàng không chấp nhận việc dồn chuyến này huỷ vé và đòi lại tiền, theo quy định các hãng sẽ phải hoàn tiền trong 3 tháng. Trong thời gian này, số tiền của khách đã được các hãng bay chiếm dụng cho mục đích quay vòng vốn của mình.
Nhìn dưới góc độ kinh doanh thì đây là một "tiểu xảo" giúp các hãng hàng không gom khách và chiếm dụng vốn của khách hàng bổ sung vào nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp hàng không đang rất khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Chuyện bán vượt số slot được cấp diễn ra ở nhiều hãng hồi cuối năm 2020 đầu 2021, và đã bị Cục Hàng không tuýt còi. Ngày 25/1, Cục Hàng không đã có văn bản cảnh báo Bamboo Airways, Vietnam Airlines và VietJet, yêu cầu 3 hãng dừng ngay việc mở bán vé vượt quá số lượng slot đã được xác nhận.
Bamboo đem nghìn tỷ đầu tư bất động sản
Được thành lập vào giữa năm 2017 với vốn điều lệ chỉ 700 tỷ đồng, đến nay Bamboo đã trở thành hãng hàng không có vốn lớn thứ 2 chỉ sau Vietnam Airlines (14.180 tỷ), gấp đôi Vietjet (mức 5.400 tỷ). Vào ngày 5/2/2021, Bamboo tăng vốn điều lệ 3.500 tỷ lên mức 10.500 tỷ đồng. Với việc tăng vốn này, Bamboo chính thức không phải công ty con của Tập đoàn FLC khi sở hữu của tập đoàn này giảm xuống 39,4%.
Năm 2020, Bamboo Airways báo lãi trước thuế 400 tỷ đồng dù nhiều hãng bay thế giới thua lỗ, phá sản vì đại dịch covid-19. Bamboo chưa công bố báo cáo tài chính nên chưa thể lý giải nguồn lãi này đến từ hoạt động kinh doanh nào của hãng.
Dù khủng hoảng hàng không nhưng Bamboo vẫn rất dư dả khi góp vốn vào loạt các dự án bất động sản của Tập đoàn FLC: Bamboo góp 1.045 tỷ, tương ứng 52,2% vào Dự án cung cấp dịch vụ mặt đất tại 3 cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng có tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng; góp 450 tỷ vào Khu nghỉ dưỡng FLC Luxury Resort Vĩnh Phú; góp 1.000 tỷ vào Khu văn hoá đa năng Vĩnh Thịnh An Tường; góp 400 tỷ vào FLC Lux City Quy Nhơn; góp 400 tỷ vào FLC Sea Tower Quy Nhơn; góp 300 tỷ vào Khu du lịch sinh thái Vạn Tường (Quảng Ngãi); góp 300 tỷ vào Tổ hợp giải trí và nhà phố Dự án FLC tại Kon Tum; góp 250 tỷ vào Tổ hợp khách sạn tại tỉnh Gia Lai…
Ngoài ra, hãng hàng không này còn góp 305 tỷ đồng cho dự án xây dựng nhà xưởng cung cấp thức ăn hàng không; góp 515 tỷ vào dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways.