Thông tin về việc Iran sẽ đầu tư tăng cường các khả năng phòng thủ cho Quân đội Chính phủ Syria mới được tiết lộ gần đây trong chuyến thăm làm việc của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Iran, Thiếu tướng Mohammad Baqeri với Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Abdullah Ayoub.
Thỏa thuận giữa hai nước cho thấy Tehran sẽ giúp Damascus mở rộng các hệ thống phòng không và theo nhận định của tờ Jerusalem Post (Israel) thì rất có thể đó sẽ là hệ thống tên lửa đất đối không Khordad 3.
Hệ thống phòng không nào sẽ có mặt ở Syria theo thỏa thuận hợp tác mới nhất giữa Iran và Damascus cho tới nay vẫn chưa được công bố và cũng có thông tin phỏng đoán vũ khí mà Tehran dự định trang bị cho đồng minh sẽ là tên lửa Bavar-373.
Trang tin quân sự Bulgarian Military dẫn lời các chuyên gia quân sự đề nghị giấu tên cho biết các hệ thống tên lửa của Iran đã sẵn sàng đảm trách nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho không phận Syria.
Việc triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không Bavar-373 do Iran chế tạo đang được lên kế hoạch và sẽ được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Syria.
Hệ thống Bavar-373 mới được Iran công bố. Nguồn: Dailysabah
Một trong những lý do mà chuyên gia của Bulgarian Military đưa ra là các tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến S-300 mà Nga cung cấp cho Syria đã trở nên quá “vô dụng” trong suốt thời gian gần 2 năm hiện diện tại quốc gia Trung Đông này.
Theo chia sẻ của ông Dmitry Danilov, Trưởng phòng Phòng An ninh châu Âu, Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, S-300 Syria đã không bắn hạ tên lửa tấn công của Israel có thể là vì những lý do chính trị.
Nếu Bộ Quốc phòng Nga ra lệnh tiêu diệt các tên lửa của Israel thì việc bắn hạ chúng không gặp khó khăn gì về vấn đề kỹ thuật nhưng chẳng qua Moscow coi cả Damascus và Tel Aviv đều là những đối tác trong cuộc xung đột ở Trung Đông.
"Đây không phải là vấn đề chia tách Syria và Israel thành các đối tác hay đồng minh và đối thủ. Đối với chúng tôi, Israel là một đối tác trong quan hệ quốc tế, gồm cả vấn đề Trung Đông, cũng như Syria vậy”, ông Danilov giải thích. “Do đó, khả năng đánh trả các cuộc tấn công tên lửa của Israel vào Syria bị giới hạn vì những lý do chính trị, chính xác là như vậy”.
Trong khi đó, nguồn tin của Bulgarian Military cho biết Quân đội Iran sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm với QĐ Syria về vấn đề quản lý và vận hành các hệ thống phòng không của Iran. Hơn nữa, so với S-300 thì hệ thống Bavar-373 tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phát hiện các máy bay chiến đấu của Mỹ.
Kênh truyền hình IRINN của Iran ngày 22/8/2019 đã cho phát sóng bản tin tiết lộ về hệ thống phòng không tầm xa Bavar-373 do nước này tự chế tạo nội địa.
Theo IRINN, Bavar-373 được thiết kế để thích nghi với các điều kiện địa lý đặc thù ở Iran và có thể đồng thời tấn công 6 mục tiêu bằng 12 tên lửa ở tầm bắn lên tới 250 km.
Trực tiếp có mặt tại sự kiện, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Bavar-373 ưu việt hơn hệ thống S-300 và có thể cạnh tranh với S-400 của Nga và tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ.
Kênh truyền thông Avia.Pro của Nga khẳng định hệ thống Bavar-373 không chỉ tối ưu hơn S-300 mà radar của nó còn có thể phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km gồm chiến đấu cơ, tên lửa hành trình, đạn đạo và máy bay không người lái cỡ nhỏ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa Bavar-373 của Iran