Nga được cho là đang thực hiện các cuộc không kích dồn dập ở tỉnh tây bắc Idlib nhằm hậu thuẫn cho chiến dịch kéo dài mấy tháng qua của chính phủ Syria. Các cuộc tấn công của Syria và Nga đã khiến gần 1 triệu dân thường tháo chạy khỏi khu vực chiến sự và đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất trong cuộc xung đột kéo dài 9 năm ở Syria.
"Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điện đàm đã nhấn mạnh rằng chính quyền Syria cần phải kiềm chế ở Idlib và rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo cần phải được ngăn chặn”, văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố sau khi ông Erdogan có cuộc điện đàm với người đồng cấp Putin.
Về phần mình, Tổng thống Putin cũng đã bày tỏ với người đồng cấp Erdogan rằng ông “cực kỳ quan ngại” về “những hành động gây hấn” của lực lượng chiến binh ở tỉnh Idlib.
Trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai ông Putin và Erdogan đã nhất trí sẽ “tăng cường các cuộc tham vấn về Idlib với mục đích giảm căng thẳng, bảo đảm cho một lệnh ngừng bắn được thực thi và xóa bỏ mối đe dọa khủng bố”, điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố.
Tổng thống Erdogan đã nói với người đồng cấp Putin rằng, giải pháp là quay trở lại thực hiện thỏa thuận Sochi được hai bên ký kết năm 2018.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ được phép thiết lập các chốt chặn an ninh trên khắp Idlib để ngăn chặn quân chính phủ Syria phát động chiến dịch quân sự ở nơi này. Thỏa thuận này đang bị phớt lờ sau khi quân đội trung thành với ông Assad tiến đánh vào Idlib và đang đạt được nhiều bước tiến có ý nghĩa trên chiến trường.
Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đổ lỗi cho nhau về tình trạng leo thang bạo lực ở chiến trường Idlib hiện tại. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố, họ sẵn sàng dùng vũ lực với bất kỳ lực lượng nào không tuân thủ lệnh ngừng bắn, trong đó có “những thành phần cực đoan”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu quân chính phủ Syria trước khi hết tháng Hai phải rút ra khỏi các chốt chặn an ninh mà Ankara dựng lên nếu không muốn Thổ Nhĩ Kỳ tự mình ra tay.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu sau đó cũng nhắc lại lời đe dọa nói trên, cảnh báo rằng Ankara “sẽ có các bước đi cần thiết” nếu những nỗ lực ngoại giao với Nga thất bại.
Dù đang hậu thuẫn cho các phe nhóm đối lập nhau ở Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian đã bắt tay hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề Syria.
Tuy nhiên, mâu thuẫn gần đây giữa hai nước liên quan đến tình hình Idlib có khả năng đem đến nhiều nguy cơ. Nguy cơ đầu tiên sẽ là tình trạng leo thang chiến tranh ở Syria – đất nước vốn đang thoi thóp sau cuộc chiến kéo dài suốt 9 năm qua. Ngoài ra, cuộc đối đầu giữa Nga và Syria có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến chính quyền Tổng thống Assad.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể cản trở những bước tiến trên chiến trường của quân đội Syria, từ đó khiến chính quyền Damascus gặp khó trên con đường chinh phục mục tiêu giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước.
Tổng thống Putin đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nga đang có quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt sau khi hai nước ký hợp đồng S-400. Vì thế, nếu Moscow không xử lý ổn thỏa vấn đề Idlib thì điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với Ankara. Tuy nhiên, nếu đứng về phía Ankara, Nga sẽ khiến đồng minh Syria gặp khó và điều này tất nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ liên minh bền chặt giữa Nga và Syria.
Trong khi đó, quân đội Syria sẽ phải đối mặt với tình huống nguy hiểm khi thời hạn đến cuối tháng Hai sắp đến.