Giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc thiết lập một vùng an toàn ở phía đông Sông Euphrates để giải quyết những quan ngại về an ninh của chính quyền Tổng thống Erdogan gây ra từ sự hiện diện của lực lượng chiến binh người Kurd trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng chiến binh người Kurd là một nhóm khủng bố trong khi lực lượng này lại là đội quân chiến đấu then chốt trong liên quân chống khủng bố ở Syria do Mỹ đứng đầu.
Ankara muốn có một vùng dọc biên giới với Syria không có sự xuất hiện của bất kỳ chiến binh người Kurd nào. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, một vùng đất như vậy sẽ an toàn với người Syria và cho phép một số người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ quay trở về nhà của họ ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo về viễn cảnh họ sẽ phát động một chiến dịch tấn công mới vào Syria nếu như một thỏa thuận về vùng an toàn không đạt được. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã phái quân tiếp viện đến vùng biên giới. Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động hai chiến dịch tấn công xuyên biên giới nhằm chống lại lực lượng khủng bố IS và đội quân người Kurd ở chiến trường Syria.
Trong một thông điệp rõ ràng được gửi đến lực lượng chiến binh người Kurd ở Syria, ông Erdogan đã nói với các quan chức đảng của mình rằng, “những kẻ tham gia vào hành vi bắt nạt bằng cách đặt sự tin tưởng của chúng vào lực lượng nước ngoài thì ngày mai sẽ thấy chính họ bị chôn vùi trong nghĩa địa."
Tướng Thủy quân Lục chiến Kenneth F. McKenzie – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương của Mỹ, hồi đầu tuần đã lần đầu tiên đến thăm khu vực do người Kurd nắm giữu ở Syria. Ông McKenzie đã có cuộc gặp với tướng lĩnh hàng đầu của đội quân người Kurd để tháo luận về vùng an toàn.
Những phát biểu mới nhất của ông Erdogan chắc chắn sẽ khiến Mỹ lo ngại và tức giận trong bối cảnh nước này đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được tấn công lực lượng người Kurd - đồng minh chống IS chính của Mỹ trên chiến trường Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp vào chiến trường Syria nhằm đánh đuổi lực lượng chiến binh người Kurd YPG ra khỏi vùng lãnh thổ ở phía tây sông Euphrates trong các chiến dịch quân sự được phát động trong suốt hơn 2 năm qua.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiềm chế chưa đánh sang phần phía đông của sông Euphrates do một phần muốn tránh đối đầu trực tiếp với lực lượng quân sự Mỹ - đồng minh của Ankara trong NATO. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Tổng thống Erdogan với Washington về vấn đề người Kurd ở Syria dường như đã cạn kiệt.
Mối quan hệ giữa hai nước đồng minh Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào khủng hoảng do việc Ankara mua tên lửa S-400 của Nga và do Ankara đặc biệt quan ngại trước việc Mỹ ủng hộ cho Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).
Thổ Nhĩ Kỹ coi YPG là một tổ chức khủng bố và là cánh tay nối dài của Đảng Lao động người Kurd (PKK). PKK đã phát động cuộc nổi dậy chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 34 năm qua.
Trong khi đó, Mỹ coi YPG là lực lượng đồng minh nòng cốt trong cuộc chiến chống lại IS ở Syria. YPG đã chứng minh họ là một lực lượng chiến đấu hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các nhóm chiến binh khủng bố, cũng như chiếm lại các khu vực lãnh thổ từ tay IS. Việc YPG thiết lập được một khu vực kiểm soát ở khu vực sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Ankara thực sự lo ngại.