Chiến trường Syria: Mỹ 'đem con bỏ chợ', khiến đồng minh bị nguy hiểm trùng vây

Kiệt Linh |

Khi ông Abu Amar nghe tin Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria, chiến binh người Kurd 50 tuổi này đã nghĩ ngay đến lời một bài hát: “Bạn đem tôi đến giữa đường và bỏ tôi lại đó”. “Đó chính xác là những gì người Mỹ đang làm với chúng tôi”, chiến binh người Kurd cho hay.

Trong những năm qua, lực lượng người Kurd ở Syria đã phải đối mặt với mối đe dọa từ IS. Lực lượng này đã phải chiếu đấu để giành sự tự do mới và xây dựng một chính quyền tự trị mà họ hy vọng sẽ kéo dài hơn cuộc nội chiến ở Syria.

Lực lượng người Kurd đã đóng góp rất nhiều trong cuộc chiến chống IS của Mỹ. Quân đội Mỹ đã kết đồng minh với đội quân người Kurd và đã đưa 2.000 quân đến Syria để giúp kết liễu tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tuy nhiên, với việc IS đang trên bờ vực suy tàn, lực lượng Mỹ nghĩ ngay đến kế hoạch rút quân. Quyết định rút quân đột ngột ra khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến đồng minh người Kurd của họ cực kỳ quan ngại bởi nó sẽ đồng nghĩa với một viễn cảnh bấp bênh, nguy hiểm đối với lực lượng người Kurd.

“Trong suốt lịch sử, chúng tôi đã kết đồng minh với những cường quốc lớn nhưng khi họ rời đi, chúng tôi luôn luôn gặp khó khăn”, ông Abu Amar thừa nhận.

Chỉ cần nhìn vào bản đồ là đủ để có thể hiểu được lý do tại sao ông Abu Amar lo ngại. Ở phía tây, một quân đội chính phủ ngày càng lớn mạnh và đầy khí thế đang mong mỏi thiết lập lại quyền kiểm soát đối với các khu vực của người Kurd sau nhiều năm vắng bóng tại đây.

Về phía nam, những lực lượng ngầm đang nổi lên từ đống tro tàn của tổ chức khủng bố vừa bị đánh bại IS. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với đội quân người Kurd ở phía bắc chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara gần đây liên tục nói đến việc họ sẽ mở một chiến dịch quân sự quy mô lớn để nghiền nát đội quân người Kurd đang nắm quyền ở phía bắc Syria.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong nhiều tháng nay đã đe dọa sẽ thiết lập “vùng an toàn” bên trong Syria và đánh đuổi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do đội quân người Kurd chủ trì ra khỏi khu vực biên giới.

Kế hoạch của Ankara là thiết lập vùng an toàn kéo dài khoảng 32km sâu vào lãnh thổ Syria. Một kế hoạch như vậy sẽ nuốt chửng các thị trấn và thành phố đang nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng người Kurd, trong đó có Qamishli – nơi ông Abu Amar đang sống.

Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp vào chiến trường Syria nhằm đánh đuổi lực lượng chiến binh người Kurd YPG ra khỏi vùng lãnh thổ ở phía tây sông Euphrates trong các chiến dịch quân sự được phát động trong suốt 2 năm qua.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiềm chế chưa đánh sang phần phía đông của sông Euphrates do một phần muốn tránh đối đầu trực tiếp với lực lượng quân sự Mỹ - đồng minh của Ankara trong NATO.

Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Tổng thống Erdogan với Washington về vấn đề người Kurd ở Syria dường như đã cạn kiệt, đặc biệt trong thỏa thuận giữa hai nước về việc đưa lực lượng YPG rút khỏi thành phố Manbij.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây liên tục bày tỏ sự bất mãn về cái mà nước này miêu tả là sự trì hoãn của Mỹ trong việc thực hiện thỏa thuận rút lực lượng người Kurd YPG ra khỏi Manbij.

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nói đến việc nước này sẽ phát động một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào đội quân người Kurd ở Syria. Ankara cho biết, họ đã “gần như hoàn tất” khâu chuẩn bị cho chiến dịch này. Cùng lúc đó, Mỹ lại tuyên bố chuẩn bị rút quân. Ankara chắc chắn xem đây là thời cơ thuận lợi để nhổ bỏ “cái gai” gây khó chịu ở ngay biên giới của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại