Trên thực tế, những chiến dịch không kích của Nga nhằm ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad đã giúp lực lượng phòng không - không quân Nga có cơ hội thử nghiệm tính hiệu quả của những cải cách về vũ khí mà họ đã tiến hành trong những năm qua, Tướng Viktor Bondarev, cựu chỉ huy Không quân Nga hiện là Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Hội đồng Nghị viện Liên bang Nga cho biết.
Phân tích của ông Bondarev là một phần trong nghiên cứu về sức mạnh trên không của Nga do Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ thực hiện.
"Chiến dịch này đã giúp Không quân Nga lần đầu tiên có cơ hội tiến hành các cuộc tấn công trên không sử dụng các đơn vị chiến đấu khác nhau kết hợp với các đơn vị trên mặt đất của các quốc gia khác", ông Bondarev cho biết.
Vị Tướng Nga này nói thêm: "Một trong những điều kiện tiên quyết cho thành công ở Syria là việc đưa vào sử dụng các chiến đấu cơ mới được nâng cấp của Nga”. Việc nâng cấp và sản xuất thêm các chiến đấu cơ mới theo ông Bondarev đánh giá là một "yêu cầu cấp bách bởi lực lượng không quân đã không nhận được bất kỳ thiết bị mới nào trong 20 năm trở lại đây, kể từ những năm 1990".
Cựu Chỉ huy Không quân Nga cũng khẳng định điểm nổi bật trong những chiến dịch không kích của Nga là việc sử dụng rộng rãi đạn dẫn đường chính xác (PGM) và đạn dẫn đường bằng GPS.
Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng Douglas Barrie tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế chỉ ra rằng: "Mặc dù bom dẫn đường vệ tinh KAB-500S đã được sử dụng ở Syria song lực lượng không quân vẫn tiếp tục phụ thuộc vào bom rơi tự do. Một số lượng nhỏ hệ thống tên lửa không đối đất như Kh-29 (AS-14 Kedge) và Kh-25M (AS-10 Karen) cũng đã được đưa vào sử dụng.
Nhà phân tích này cũng bình luận thêm: " Chiến dịch ở Syria của Nga lẽ ra là một cơ hội để thử nghiệm hệ thống tên lửa không đối đất chiến thuật tầm trung Kh-38. Dòng Kh-38 được cho là sẽ thay thế Kh-29 và Kh-25.
Tuy nhiên, cho tới nay, không có bất kỳ hình ảnh nào về vũ khí này được triển khai ở Syria trong khi các nguồn tin từ phía Nga cũng đưa ra những nhận định mâu thuẫn với nhau về việc liệu Kh-38 có được sử dụng trong chiến dịch ở Syria hay không.
Biến thể dẫn đường bằng laser bán tự động Kh-38ML của dòng tên lửa này được cho là đã hoàn thành thử nghiệm vào năm 2017".
Tháng 9/2018, ông Bondarev cho biết 85.000 "kẻ khủng bố" đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích của Nga.
"Qua 3 năm, các mục tiêu của hàng chục nghìn kẻ khủng bố như kho đạn dược, các thành trì, trung tâm kiểm soát của chúng đều đã bị tấn công. Khoảng 100.000 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt trong khi 85.000 kẻ trong số đó chết trong những chiến dịch không kích".
Ông Bondarev đã chỉ ra "tính chính xác cao của việc sử dụng các vũ khí trên không" và cho biết thêm rằng "lực lượng không quân của chúng ta đã và đang tiếp tục các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu khủng bố".
Cựu chỉ huy lực lượng Phòng không Không quân Nga nhận định sự can thiệp của Nga ở Syria đã "cải thiện vị thế của Nga so với NATO": “Việc tham gia vào chiến dịch chống khủng bố ở Syria đã giúp Nga thử nghiệm nhiều loại vũ khí và phương tiện quân sự khác nhau cũng như thể hiện khả năng của quân đội chúng ta để từ đó, đảm bảo an ninh của chúng ta trước những hành động hung hăng của một số nước NATO".
Dù đạt được những thành tựu nhất định song người đứng đầu một tập đoàn sản xuất tên lửa của Nga thừa nhận rằng các vũ khí dẫn đường của Nga gặp những vấn đề nhất định do địa hình ở Syria là sa mạc, không giống với điều kiện thời tiết và địa hình mà Nga tiến hành ở một số địa điểm thử nghiệm./.