Kỳ 1: Chiến trường Quảng Trị khốc liệt: Cả đại đội bị bao vây, thương vong lớn - Cái giá quá đắt vì chủ quan khinh địch
-----------------
Kỳ cuối: Chiến trường Quảng Trị khốc liệt: Đối mặt với tử thần tại "cối xay thịt"
Những ngày hè 1972 ở "cối xay thịt"
Hàng năm, vào những ngày hè này tôi lại nhớ về những ngày hè năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị - nơi lúc đó được gọi là "cối xay thịt".
Mùa hè năm ấy, ngày nào cũng nắng, nhiệt độ trung bình ngoài trời cứ khoảng 37 đến 39 độ. Khát nước đến cháy cổ mà nước uống có khi là nước suối, nhưng có chỗ chỉ là cái vũng nước nhỏ đục váng như bã cua giã hòa nước để nấu canh mồng tơi rau đay.
Tác giả Nguyễn Đức Mạnh - Cựu chiến binh Sư đoàn bộ binh 308 ngày trở lại trường Đại học Sư phạm tiếp tục học tập, tháng 8/1973.
Cái vũng nước đó chính là cái hố đạn pháo lâu ngày gặp trời mưa nước còn đọng lại.
Có mấy lần khát quá tôi ngụy trang cầm mấy cái bi đông của đồng đội bò ra cái hố pháo để lấy nước. Trên đầu máy bay trinh sát OV-10 của địch kêu vo vo khiến tôi lại liên tưởng đến cảnh trong phim "Thượng cam lĩnh" của Trung Quốc xem ngày còn là học trò ở quê nhà.
Thấy trong cái vũng nước đó có những con bọ gậy, nhện nước chao lượn, tôi nghĩ nước có côn trùng sống thì người uống được.
Đem được mấy bi đông nước về, chúng tôi cho mấy viên khử trùng vào lắc lên là uống ngon lành, chẳng có thời gian, tâm trí đâu mà sợ đau bụng, đi ngoài!
Mấy ngày sau, đồng đội tôi bắt được một tàn binh VNCH tuổi cỡ trên dưới 30, mặt mũi, quần áo sạm đen, nhem nhuốc. Tôi trực tiếp hỏi chuyện. Hắn khai đã đi lính 5 năm, người Sài Gòn, đã có vợ và 1 con nhỏ.
Thấy hắn đeo sau lưng túi lương khô của bộ đội ta, tôi hỏi lương khô lấy đâu ra. Hắn khai nhặt được ở bên đường. Tôi hỏi đã ăn mấy phong. Hắn nói đã ăn 2 phong. Tôi lại hỏi giờ có khát nước không. Hắn nói rất khát.
Tôi lấy bi đông nước của tôi cho hắn uống. Hắn uống ừng ực một hơi dài. Chờ hắn uống xong tôi nghiêm giọng nói "Giờ thì mày hãy chờ để chết".
Thế là hắn quỳ sụp xuống van xin chúng tôi đừng bắn nó vì nó còn có vợ và con nhỏ. Tôi cười bảo "Chúng tao sẽ không bắn mà mày sẽ chết bởi uống nhiều nước làm cho lương khô nở ra, bụng mày trương phình lên rồi vỡ bục". Hắn lại chắp tay rối rít "Các anh ơi cứu em, cứu em, làm thế nào bây giờ các anh ơi?"…
Mấy anh em đồng đội tôi đã có những giây phút vui cười thư giãn như thế đấy rồi báo cho cấp trên cử người đến đưa nó về trại tù binh phía sau. Hắn đứng dậy chắp tay, mắt rơm rớm nhìn chúng tôi.
Nụ cười bên thành cổ Quảng Trị của các chiến sĩ ta. Ảnh: Đoàn Công Tính.
Lần thứ hai đối mặt với tử thần
Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên trận đánh địch ở phía bắc sông Mỹ Chánh chiều ngày 30/6/1972. Nếu như trong trận chiến ngày 1/4/1971 là lần đầu tiên tôi đối mặt với tử thần thì cái ngày cuối tháng 6/1972 là lần thứ hai.
Hôm ấy trời nắng nóng. Tôi là lính trinh sát thông tin đi cùng với đồng chí Đại đội phó - vừa được bổ sung về đơn vị hôm trước - đến một địa điểm giữ chốt chặn địch rút chạy về phía nam sông Mỹ Chánh.
Hai bên bắn pháo qua lại. Tôi làm nhiệm vụ điện đàm báo cáo cho ban chỉ huy đơn vị ở phía sau về tình hình trên chốt.
Đến chiều muộn, khoảng 5 - 6 giờ, pháo địch từ phía nam sông Mỹ Chánh bắn qua. Sau tiếng nổ chói tai của quả đạn pháo ngay sát hầm trú ẩn, tôi bị hất văng ra phía sau. Sau giây phút bị choáng, tôi cảm thấy khó thở, tai bên phải ù đặc.
Có một dòng nước chảy ra từ mũi và tai phải, tôi lấy tay sờ rồi nhìn thì đó là máu. Tôi lay gọi Đại đội phó thì thấy anh đã hy sinh rồi. Tôi lắp tai nghe bên trái gọi điện về đơn vị báo cáo tình hình. Chỉ huy Đại đội lệnh cho tôi mang máy về đơn vị.
Tôi về đến đơn vị thì trời vừa tối. Đại đội trưởng bảo tôi tự về chỗ tập kết để đến Trạm quân y tiền phương vì đơn vị không có người đưa tôi về. Thế là tôi đành một mình vác máy bộ đàm trở về hậu cứ.
Vừa bước chân ra khỏi hầm thì trời đổ mưa như trút nước. Mưa đã to, trời lại tối đen như mực, đường về hậu cứ lại không thuộc vì mới đi lần đầu. Tiến thoái lưỡng nan. Song không còn lựa chọn nên tôi cứ dò dẫm đi theo cảm giác. May sao trời mưa lại có sấm chớp.
Mỗi lần có ánh chớp là vệt đường cỏ rạp lại hiện ra và tôi cứ lần theo đó mà đi.
Đi ước chừng khoảng vài trăm mét bỗng thấy có hai bóng đen đi tới. Họ giơ tay ra hiệu cho tôi dừng lại. Sau khi nói đúng khẩu lệnh, họ bảo tôi rẽ phải vì đi thẳng là gặp địch. Tôi rẽ phải được vài bước, quay lại thì đã không thấy họ đâu nữa. May quá nếu không gặp họ thì chưa biết chừng bị địch bắt hoặc chết.
Lần mò mãi rồi tôi cũng về được hậu cứ có mấy cái hầm chữ A đã ngập nước. Cả người tôi vốn đã ướt như chuột lại xuống hầm ngồi ngâm nửa người dưới nước cho đến sáng.
Sáng hôm sau có thêm một số thương binh từ mặt trận được dìu, cáng về. Thế là tôi - với bộ quần áo ướt sũng - cùng với các thương binh được y tá đơn vị đưa về Trạm quân y tiền phương.
Mất gần một ngày đường chúng tôi mới ra đến Trạm quân y tiền phương trong một khu rừng giáp Quảng Bình. Đó là một cái lán lớn, xung quanh có các hầm chữ A. Trong lán là những chiếc giường lớn ghép bằng tre, nứa.
Tất cả thương binh, bệnh binh, sốt rét… không phân biệt nam, nữ đều nằm chung trên những chiếc giường ấy. Cả đời tôi cho đến khi đó tôi mới nằm cạnh một đồng đội nữ bị sốt rét. Thỉnh thoảng cô ấy lại ôm chầm lấy tôi vì lên cơn rét.
Mổ tại trạm phẫu thuật Tiền Phương. Ảnh minh họa.
Tôi chẳng biết làm gì hơn là lấy tay vỗ vỗ vào lưng đồng đội để an ủi, động viên thôi… Còn các y tá, bác sĩ của trạm suốt ngày bận rộn, tất tả thay băng, bôi thuốc, tiêm và cho thương binh uống thuốc.
Ngày hôm sau người tôi quá hôi vì mặc quần áo ướt suốt hai đêm và một ngày nên tôi xin ra suối để tắm. Vì không có quần áo thay nên tôi giặt quần áo đang mặc, vắt thật kiệt nước phơi lên mấy lùm cây.
Tắm xong, cứ trần như nhộng ngồi thu lu sau lùm cây chờ khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ cho quần áo gần khô rồi mặc.
Điều trị ở Trạm quân y tiền phương một tuần thì tôi được chuyển ra Bắc. Sau hơn 2 tháng vừa đi vừa nghỉ, cuối cùng tôi được về Trạm điều dưỡng 155 của Tỉnh đội Hải Hưng chữa thương và an dưỡng. Đến tháng 8/1973 thì được trở về Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, học tiếp.
Có một chuyện tôi không thể nào quên trong lần trên đường ra Bắc ấy. Tôi đi ra thì gặp một người bạn là Nguyễn Thái Huỳnh, người Hà Nội, đi vào. Huỳnh vội vã viết vài dòng thư gửi người yêu nhờ tôi cầm về.
Nhưng thật đau buồn, sau lần gặp nhau đó hơn 20 ngày thì Nguyễn Thái Huỳnh hy sinh ở gần sông Ba Lòng, Quảng Trị. Còn cô người yêu sau khi biết tin anh ấy hy sinh, vài năm sau đó cũng đi lấy chồng…
Sau 28 năm hy sinh, nằm lại chiến trường, anh Huỳnh đã báo mộng cho chị ruột đi tìm anh ấy về. Anh ấy đã chỉ dẫn cho chị và mọi người trong nhà tìm đúng hài cốt của mình. Đó là một câu chuyện hết sức ly kỳ và xúc động đã được đăng 2 số trên báo Tiền Phong cách đây 20 năm.
Từ năm 2000 đến nay, hằng năm cứ đến ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 là mấy anh em đồng đội chúng tôi lại đến trước mộ Liệt sỹ Nguyễn Thái Huỳnh để thắp hương tưởng nhớ anh...!