Ca gác ngủ quên trên Chiến trường K
Đêm cuối năm, trời đang dần về sáng. Trong cái tĩnh lặng của buổi đêm bỗng rộ lên một loạt tiểu liên AK, kèm theo là tiếng nổ chát chúa của lựu đạn cùng tiếng "bùng... bình" quen thuộc của B40. Cả đơn vị choàng tỉnh giấc, ào xuống các căn hầm, súng lăm lăm trong tay và căng mắt trong màn đêm chờ địch.
Đại đội trưởng Ngữ cho liên lạc chạy xuống trung đội 5 do "Bút bò" làm trung đội trưởng,nơi vừa xảy ra nổ súng để nắm tình hình. Trung đội 5 vừa đụng địch. Bọn chúng đã bỏ chạy sau khi bắn một loạt AK và tung thêm một trái lựu đạn về phía hầm của tiểu đội trưởng Tống Văn Sang và chiến sĩ Dinh.
Tác giả Nguyễn Quy - nguyên cán bộ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 732, Sư đoàn 303 Quân khu 7 trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam.
Sang bị một mảnh lựu đạn găm vào bụng, được đưa ngay về C bộ để y tá băng bó vết thương. Sang được y tá Hạnh chăm sóc và nằm chờ anh em vận tải trên tiểu đoàn xuống cáng đi.
Sự yên tĩnh trở lại. Khoảng 30 phút sau trung đội của Bút cho người lên báo cáo phía trước hướng địch vừa tháo chạy nghe có tiếng người rên rỉ.
Trong đêm vắng tĩnh mịch tiếng rên nghe rất rõ. Đại đội trưởng Ngữ lệnh cho B5 của Bút cho một tổ bám lên. Lúc này trời đã gần sáng, tiếng rên mỗi lúc càng rõ hơn.
Dưới ánh sáng mờ mờ hiện rõ một hình người nằm dưới bụi le đang rên rỉ. Một tên lính Polpot to lớn do bị thương cùng với sức ép của trái B40 không chạy được đã bị đồng bọn bỏ lại.
Tên lính bị thương được lôi về ban chỉ huy đại đội. Hắn thở ì ạch và rên ò ò... Phía bên ngực phải nó máu loang ướt đẫm ngực áo.
Y tá Hạnh cởi áo kiểm tra. Trên ngực hắn một vết thương nhỏ đang rỉ máu. Mỗi khi hắn thở bọt máu lại đùn ra. Có lẽ mảnh đạn B40 đã xuyên thấu phổi. Đại đội trưởng Ngữ vui mừng quay máy báo tin lên tiểu đoàn rằng đại đội 2 đã bắt sống được địch. Tên lính Khmre Đỏ đầu tiên bị bắt sống sau ba tháng trung đoàn tham gia chiến đấu trên chiến trường K - trên đất nước bạn Campuchia.
Bộ đội ta huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Thần chết cũng... ngủ quên
Riêng Sang tuy bị thương nhưng vẫn tỉnh táo. Vết thương có vẻ chưa nguy hiểm đến tính mạng. Người cùng hầm với tiểu đội trưởng Sang là Dinh cũng may mắn bình yên vô sự, và câu chuyện thực sự được A trưởng Sang kể lại:
Đêm 28/11/78. Sang gác ca đầu từ chập tối đến nửa đêm, còn Dinh gác ca sau. Bàn giao ca gác cho Dinh xong, Sang nằm co dưới hầm trải ni lon để ngủ. Trong giấc ngủ chập chờn Sang như nghe thấy có tiếng động loạt xoạt bên ngoài rất gần.
Giác quan nhạy bén và linh tính của lính chiến trường làm Sang thức giấc. Sang trở dậy ra ngoài giao thông hào quan sát.
Trong bóng tối mờ mờ, thấy Dinh cũng ôm súng tựa vào thành hầm mà ngủ. Sang thò đầu lên khỏi cửa hầm nhìn lên. Phía trước căn hầm chừng 7-8 mét, cạnh ụ mối to lố nhố hai ba bóng người đang lúi húi làm gì đó.
Tiếng rì rầm nho nhỏ và cả tiếng đào đất lịch kịch. Sang định chụp súng bắn và quăng cho trái lựu đạn, nhưng chợt nhớ trong lúc hội ý ban chiều,trung đội trưởng Bút có nhắc đến việc sẽ phạt bắt cả tổ phải đào hầm nếu kiểm tra bắt được ai bỏ gác. Sang sợ bắn nhầm vào đồng đội mình.
Sang đánh thức Dinh dậy bảo Dinh ra xem thế nào. Trong cơn ngái ngủ Dinh rời hầm bước chậm rãi lại gần mấy cái bóng và cất tiếng hỏi:
- Tổ nào đấy! Còn thuốc không cho xin một điếu?
Nghe tiếng hỏi, mấy bóng người đang lúi húi đào đất hoảng hốt giật mình miệng kêu:
- Duôn..Duôn…!
Trung đoàn Bộ binh 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 chú trọng huấn luyện thực binh sát với đại hình và đối tượng tác chiến cho chiến sĩ cấp phân đội
Miệng la, tay chúng vừa vứt cuốc xẻng vơ vội súng bỏ chạy. Vừa chạy vừa kịp bắn một loạt tiểu liên AK và quăng theo một trái lựu đạn về hướng hầm của Sang và Dinh. Trái lựu đạn nổ ngay trên mép hầm làm tung mấy chiếc gối bông gòn lấy trong phum đem ra.
Sang bị một mảnh lựu đạn găm vào bụng. Dinh cũng quá bất ngờ không nghĩ rằng bọn Pôn Pốt lại đến ngay gần sát hầm của mình để đào công sự. Sau vài giây Dinh cũng kịp phản xạ lao vào hầm, vơ vội khẩu B40 phụt theo hướng địch bỏ chạy một quả đạn.
Sang tuy bị thương nhưng cũng vơ vội khẩu AK bắn theo một loạt.
Thật may mắn, trái B40 bắn vuốt đuôi đã làm bị thương thằng lính Polpot. Sáng sớm hôm ấy Sang và tên Polpot bị bắt sống được vận tải tiểu đoàn xuống đưa đi.
Tên tù binh khai hắn và đồng bọn là đặc công của sư đoàn 260 Kh'me Đỏ, mò vào gần phum để nắm tình hình, trinh sát chuẩn bị tổ chức đánh. Bọn chúng cũng không ngờ lọt vào ngay trong khu vực bố trí trận địa của ta để đào công sự.
Còn tiểu đội trưởng Sang và Dinh sau trận này được đại đội lập danh sách đề nghị trên khen thưởng vì tinh thần chiến đấu, bắt sống được địch. Song ai nấy đều thấm thía bài học đắt giá ngủ quên bỏ gác này.
Tiểu đội trưởng Tống Văn Sang hiện đang sinh sống tại Bình Dương. Tôi và Sang khi ấy cùng ở đại đội 2 tiểu đoàn 1 trung đoàn 732 sư 303. Sau 40 năm hôm qua chúng tôi mới liên lạc lại được với nhau nhờ cầu nối qua mạng xã hội với Nguyễn Văn Vẹn. Đại Tá Nguyễn Văn Vẹn khi ấy ở Đại đội 3 cùng tiểu đoàn với chúng tôi.
Sang kể vết thương ngày ấy may chỉ dính phần mềm không xuyên thấu ruột. Còn Dinh, người đã ra vỗ vai kẻ địch để xin thuốc hút, giờ vẫn chưa biết đang ở đâu. May là loạt AK mà thằng lính Polpot bắn đuổi theo Dinh hôm ấy đạn đã tránh người, để Dinh trở về vẹn nguyên sau cuộc chiến.