Cơ may hiếm có của một người lính tình nguyện Việt Nam
Một cơ may không phải ai cũng có được như tôi là có những năm tháng sống tại Biển Hồ (Campuchia).
Biển Hồ như một hồ chứa nước điều hòa thiên nhiên khổng lồ. Mùa mưa, nó chứa nước để hạ bớt vô vàn dòng lũ khổng lồ trên sông Mê kông, mùa khô nó lại cung cấp nước trả lại cho vùng hạ lưu trù phú.
Cứ vào độ tháng tư âm lịch, khi cơn mưa đầu mùa trút xuống, khắp vùng tôi ở vang lên những tiếng súng đì đoàng. Hỏi ra mới biết đó là tiếng súng của bộ đội, dân quân du kích địa phương bắn mừng mùa mưa tới theo tục lệ.
Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống cũng là lúc người dân đánh cá vùng Biển Hồ bắt đầu gác những con thuyền đánh cá lên bờ. Họ sửa sang, trám thuyền, vá lưới để chuẩn bị cho vụ cá đánh bắt sắp tới.
Những con lũ sông Mê Kông theo dòng Tôn Lê đổ về Biển Hồ rồi nhanh chóng tràn ra khắp các cánh rừng xung quanh. Diện tích mặt nước Biển Hồ nhanh chóng phình to ra gấp 6 lần so với mùa khô.
Từng đàn cá theo dòng nước luồn lách vào khắp các cánh rừng ngập nước để sinh sôi nảy nở. Thức ăn của đàn cá là ấu trùng, là giun là dế, là xác những con thú chạy không kịp nước… đang đầy ngập dưới dòng lũ kia.
Những con trăn đất to béo chạy nước cuộn tròn trên mấy ngọn cây cao. Vào thời gian này, thỉnh thoảng chúng tôi lại được người dân địa phương cho một vài con trăn họ bắt được để nấu cháo. Vài thằng còn lấy chùm mỡ trăn trông như những trùm nho non để rán lên phòng khi bị bỏng.
Lê Thái Thọ - Nguyên chiến sỹ Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam.
Mùa mưa cũng là mùa cơ cực đối với cánh lính chốt ở Biển Hồ. Nếu chốt ở nhà bè thì còn đỡ chứ ở lán thì vài ngày lại phải nâng lán lên một lần theo dòng nước nổi. Lán được dựng lên trên những cừ tràm cắm xuống đáy hồ nên mỗi mùa nước dâng, anh em phải hò nhau nâng nền lán chẳng dưới chục lần.
Nhưng mùa mưa cũng là mùa cải thiện của anh em chốt chúng tôi. Rau cỏ nhiều vô kể. Bông súng, bông điên điển hoa vàng, rong rau… ăn thoải mái. Thịt nhím, thịt chuột, thịt trăn, thịt rùa… Thôi thì bắt được gì ăn đó.
Những bữa ăn toàn cá ấy kéo dài hết ngày này sang tháng khác. Cá bống tượng kho tiêu, chả cá thác lác, cá lóc nấu chua bằng me chín, cá chằn dinh (giống như cá chép) nấu bát cháo đêm…
Biển Hồ Campuchia.
Chán nấu thì lại nướng! Cá lóc nướng, tôm càng xanh nướng, cá trèn khô nướng…Nói chung, ngày nào bị phân công làm anh nuôi cũng là một cực hình vì làm cá.
Vừa đánh địch vừa bắt cá
Những chốt của lính Sư đoàn 9 (F9) trên lạch luồng đổ ra Biển Hồ thủa ấy có nhiều lắm: Kô Trap, Tà Lia, Pon Ley, chùa "Lông Chó"... Thằng nào thằng ấy đen như củ Tam thất. Chiếc xuồng ba lá là phương tiện giao thông chủ yếu.
Trong các chốt của P3, F9, duy nhất chốt Pon Ley là có ca nô và được trang bị tương đối mạnh. Đây là chốt nằm gần Biển Hồ nhất. Nó là 2 ngôi nhà bè rộng rãi lợp tôn và vách thưng bằng gỗ ván.
Mặt sàn gỗ nổi được nhờ dựa vào mấy bè cây bương và hàng chục chiếc phi xăng 200l ghép lại. Nhà bè có cả hành lang tương đối rộng. Chắc những chiếc nhà này của các gia đình giàu có từ chế độ Xihanuc ngày xưa.
Chốt có tám người gồm Lợi, Lưu, Vân, Sơn, Chuyện, Thành béo, Mạnh Đạt, Khôi, Thiết. Tất cả đều là những thằng lính từng bị thương được đưa từ các trung đoàn về nên đánh nhau rất khá.
Trang bị của chốt tương đối mạnh. Một khẩu đại liên 12,7mm, 1 cối 60mm, rồi RPD, M60, AK, K63, phóng lựu M79, AR15…đủ cả. Cái chốt này nằm lẫn trong một cái làng bè của dân nhưng nó nằm ngay phía ngoài cùng hướng mặt ra dòng Tôn Lê.
Cuối năm 1980, một buổi sáng tinh mơ sương giăng buông mờ cả mặt sông. Lợi, Lưu, Vân cùng các đồng đội đã có một trận đánh thắng giòn giã trên dòng sông ấy.
Với 7 người lính trên 3 ca nô đã đánh tan một đại đội địch đang hành quân từ phía Siêm Riệp định băng qua sông về hướng thị xã CongPongChnang, tiêu diệt hàng chục tên, thu nhiều vũ khí.
Phía dưới gần thị xã là chốt Ko Trap, chùa "Lông Chó"... sang dòng bên kia là Tà Lia, Tà Sách… Mỗi chốt chỉ ba, bốn người canh giữ đêm ngày. Cuối năm 79, mấy chốt dưới này cũng xảy ra một trận đánh dữ dội.
Ninh "mường" bị đại liên địch bắn sượt ngang ngực, lộn cổ xuống nước, lấy bèo phủ lên mặt tránh sự truy lùng. Ninh ngâm mình dưới sông từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới được anh em cứu thoát...
Đức bị đại liên địch quét dữ dội, quăng cả cối 60 xuống sông, "chết dí" biệt danh thành cái tên Đức "cối". Minh thì hy sinh ngay từ những phút đầu giao tranh ác liệt, thắng bại bất phân.
Những năm tháng ác liệt dần qua. Từ cuối năm 80 trở đi, hầu như không còn tiếng súng trên những chốt ấy nữa. Tình hình an bình, và nghề ngư phủ dập dìu trở lại.
Người dân nước sở tại lại có cách đánh cá tồn tại từ xa xưa. Tháng 9 nước bắt đầu rút cũng là lúc người dân chuẩn bị chặn đăng, đóng đáy. Chắn ngang dòng Tôn Lê Sáp là những cột gỗ đường kính 20 – 25 cm được đóng cắm sâu xuống đáy sông, cách nhau chừng 4 – 5 mét.
Quyết tâm bảo vệ Biên giới Tây Nam.
Họ đan phên tre cùng một loại dây rừng gọi là dây trại. Thứ dây này trên khô thì bẻ gẫy giòn tựa bánh đa nhưng đã nhúng ngâm dưới nước thì mềm lại và dai tựa da trâu. Thế là con sông rộng chừng hơn trăm thước đã được ngăn lại bằng bức tường phên dậu.
Giữa dòng, họ trổ ra hai, ba cửa tùy theo độ rộng của dòng sông. Tại từng cửa ấy, họ đóng những cửa đáy về phía hạ lưu và quây lại bằng lưới. Từ tháng 11 (âm lịch) cho đến tháng 3, những cửa đáy bắt cá hoạt động hết công xuất.
Mỗi tháng lại dồn dập trong 6, 7 ngày (từ mùng 8 âm đến hết 15 âm hàng tháng). Cá từ phía Biển Hồ đổ dồn về theo con nước. Ban đêm nhiều hơn ban ngày hàng cả chục lần. Những đàn cá béo ngậy cứ theo vầng nhật nguyệt mà đổ về xuôi.
Cả triệu con cá nhỏ to, lớn bé trôi về ứ lại bên bức tường đăng đáy ngang sông. Chúng chen vai hích cánh nhau tìm lối thoát qua cửa đáy bé tẹo.
Nếu không có hàng chục thanh niên nam nữ mạnh khỏe đứng xung quanh mặt đáy, dùng những chiếc cần xé xúc cá liên tục (mỗi cần xé đựng chừng 70 ki lô) đổ lên ca nô thì mành lưới căng đáy chẳng mấy phút mà rách bục.
Vậy mà thỉnh thoảng trong đêm (nhất là đêm 11, 12 âm lịch), họ vẫn phải mở túi đáy cho cá trôi bớt về hạ lưu, tránh cho lưới rách.
Cơ man nào cá. Cá trôi, cá trắm, cá lóc, cá bông, cá hô, cá thác lác, cá trèn, cá ngạnh… Muôn ngàn sóng cá lấp lánh vẩy bạc, ánh dưới trăng vàng tựa như sao sa rực cả một vùng sông nước. Những chiếc ca nô ì ạch nặng nề chở cá tấp dạt vào bờ.
Họ nhanh chóng phân loại. Những loại cá sống dai, có giá trị kinh tế như cá lóc, cá bông, cá tra, cá trắm… được chọn đổ vào bè cá nuôi sống để chở về bán ở Thủ đô. Cá trèn, cá thác lác nhỏ được lọc đem hun khói bán dần.
Chợ cá bên Biển Hồ.
Còn muôn loài cá linh, cá trôi, cá rô, cá diếc…được đổ lên xe tải F9 chạy về đổ tại sân bay phơi khô, làm mắm… Đêm đêm, xe chở cá chạy rầm rập như những cuộc hành binh.
Lũ chúng tôi người ghi kẻ chép, áp tải, cân kẹo… chạy đi chạy lại giữa thị xã và sân bay mà vui như tết. Đi một hồi thấy mệt, ai đói lại sà vào nồi cháo cá đặc sánh thơm lừng mà trực nhật đã nấu sẵn húp nhanh vài bát.
Tại sân bay, mấy chiếc bể to lừng lững như những gian nhà được xây sẵn dùng làm bể chạp cá làm nước mắm. Cứ lớp cá, lớp muối, cái bể chứa mấy chục tấn cá chỉ vài đêm là đầy.
Điện thoại trực đêm í ới gọi các đơn vị về nhận cá. Xe này giao D27, xe kia cho 26 thông tin và kia nữa cho về trinh sát.. Tham mưu, chính trị, hậu cần… những bữa ăn với toàn là cá. Riêng bếp Hậu cần được chúng tôi ưu tiên chỉ xách những con cá to nhất, ngon nhất mà thôi.
Những con cá thác lác rộng chừng ba chục phân, thân dài cả mét không phải là của hiếm. Chúng tôi đem về quăng ở ngoài sân, chờ cho cá trương căng lên mới mang ra lọc thịt. Dùng sống dao dần kỹ dọc thăn thịt lưng, dao sắc đưa xẻ một đường dọc sống lưng, lật ra lấy cái muỗng nhôm cạo nhẹ xuôi theo chiều xương cá.
Chẳng mấy chốc mà đã lưng nửa chậu chia cơm. Nước mắm ngon, hạt tiêu, hành lá nêm vào… Nắm dẹt từng miếng như chiếc phồng tôm thả vào chảo mỡ. Nó nở phồng lên, thơm ngạt ngào cắn ngập chân răng.
Đêm trên chốt ù ù gió thổi. Mặt sông sóng vỗ ầm ào… Nếu không có thuyền dân Việt kiều vào đánh cá thì chỉ còn trơ nhõn… ba thằng.
Mùng buông từ lúc xế chiều, cơm nước xong là chui vào tránh muỗi. Những chiều mưa gió ướt lướt thướt, mấy anh em nấu cơm luôn ở trong lều. Nồi cơm thơm nóng, con tra khô thơm nướng mỡ chảy xèo xèo. Thôi cũng đành dằn bụng vài ba bát cho thêm phần ấm dạ.
Thấm thoát đã mấy chục năm, nhớ lại một vùng nước năm xưa đầy tràn ký ức!