Trận đánh mở màn...
Cuối tháng 12 năm 1978, Chiến dịch Tổng tiến công, giải phóng hoàn toàn đất nước Căm Pu Chia khỏi chế độ diệt chủng Polpot bắt đầu.
Trên hướng Sư đoàn 5, các đơn vị nhận lệnh hành quân, giải phóng tỉnh Kratie, mở rộng tiến công lên phía Bắc, dọc hữu ngạn Sông Mê Công, bắt tay với lực lượng của Quân khu 5, giải phóng tỉnh StungTreng.
Thực hiện mệnh lệnh được giao, từ Chhlong, Trung đoàn Q16 hành quân theo Quốc lộ 13, đánh thẳng lên Kratie, Trung đoàn 4 vu hồi cánh trái, Trung đoàn 174 vu hồi cánh phải. Ba trung đoàn từ ba hướng, hợp điểm tại Thị xã Kratie. Các mũi vu hồi bắt đầu nhận lệnh hành quân từ chiều 23/12/1978.
Tác giả Nguyễn Vũ Điền - Nhập ngũ năm 1978 khi đang học tại trường ĐHTH, Hà Nội. Nguyên chiến sĩ d6, e174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479; nguyên giáo viên Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp; nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La.
Thay vì phải mang bao tượng gạo, trong cuộc hành quân này, do yêu cầu bí mật và tốc độ nên bộ đội được phát mỗi người 7 ngày cơm sấy.
Lần đầu tiên tôi - người lính tình nguyện Việt Nam nhìn thấy loại lương thực rất lạ này. Đó là thứ gạo sấy sẵn, đóng thành bịch kín 200g/ bịch, thân bịch có một vạch xanh, một vạch đỏ và hướng dẫn khi dùng nước sôi thì đổ nước đến vạch đỏ, dùng nước lã thì đổ đến vạch xanh. Sau khi đổ nước, khoảng 30 phút sau có thể ăn được.
Chúng tôi xếp cơm sấy dưới đáy ba lô, bên trên nhét quần áo, tăng, võng, tấm đắp và vài ba thứ lặt vặt. Vậy nhưng ba lô cũng khá nặng và còn rất nhiều thứ lỉnh kỉnh quanh người nữa.
Tôi và Cương Kều được phân công đi máy (thông tin) cho K12 - Đại đội hỏa lực của Tiểu đoàn. Cương là người Sài Gòn, dân Quận 4, đi lính trước tôi nhưng khi ấy anh mới 19 tuổi.
Dù chỉ kém tôi một tuổi, nhưng chắc thấy tôi vừa đen vừa già, lại đã từng học dở đại học, nên nó rất quý và tôn trọng, cứ một điều anh, hai điều em rất lễ phép.
Trong đội hình hành quân, nó đi trước, tôi khoác súng theo sau.
Nhìn dáng nó lòng khòng, cao lêu đêu, da trắng hồng như da con gái, khoác cái ba lô đựng máy thông tin PRC.25 với chiếc ăng ten lá lúa được làm bởi những lá thép mềm mại lúc lắc theo nhịp bước.
Người dân Campuchia vẫy chào xe tăng của Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước.
Vừa đi nó vừa sử dụng mật danh liên lạc với tiểu đoàn "Sông Hồng gọi Sông Thao 101. Sông Thao 105, 05...", mà tôi thấy ngưỡng mộ, ước ao đến một ngày nào đó được đi máy như nó...
Cả Trung đoàn hành quân suốt mấy ngày đêm liên tục. Để đảm bảo bí mật nên ngay sau khi ổn định đội hình hành quân, các mạng liên lạc được yêu cầu không hoạt động, tất cả các máy đều tắt nguồn. Chỉ huy các đại đội liên tục đốc thúc bộ đội tăng tốc.
Đội hình dài dằng dặc với hàng ngàn con người lầm lũi bước giữa trời nắng như thiêu như đốt của đại ngàn rừng khộp. Mệt mỏi kinh khủng nên mỗi khi giải lao, từ tướng đến quân, cứ để nguyên ba lô trên vai, ngửa người ra đất, chân duỗi thẳng là giấc ngủ ùa đến một cách bất ngờ.
Lúc giải lao để ăn cơm, ai cũng như ai, lôi bịch cơm sấy đã trương phềnh bởi thứ nước múc vội ven đường cho vào trước đó, vạch ngược túi, đổ vào chút bột canh rồi dùng thìa xúc mà miệng bã ra chẳng khác gì ăn cơm nguội.
Một lần, đang ăn, thấy một con xin tương lẫn trong cơm, tôi dùng thìa bỏ nó xuống đất, lát sau, con xin tương tỉnh dậy, lại bò đi như chưa hề chui vào giữa bịch cơm của lính bao giờ...
Với tôi, một thằng sinh viên vừa rời ghế nhà trường, trở thành người lính thì đây đúng là thử thách đầu tiên được nếm trải.
Hôm mới vào trung đội, thấy tôi đi đôi giày ba ta, anh em nói giày này không hành quân được đâu, tôi chẳng quan tâm, bởi nhìn chúng nó đi giày cao cổ, tôi thấy thô thô, quê quê thế nào ấy, đi ba ta có vẻ thư sinh hơn. Giờ mới thấy chúng nó nói đúng.
Địa hình Campuchia chủ yếu là đất cát, với nhiệt độ mùa khô lúc nào cũng 37-38 độ C, nóng như rang thế này thì cái đế giày phẳng đét của tôi giống như cái đít chảo gang, trở nên bỏng rát, lòng bàn chân phồng rộp, rất khó chịu.
Hơn nữa, cổ giày thấp, nên khi đi, đất cát chui đầy vào trong, thỉnh thoảng phải dừng lại, đổ cát ra, rồi lếch thếch chạy theo đội hình. Biết vậy, nhưng, lấy đâu ra giày mà thay bây giờ, đành cứ thế mà chịu đựng. Nhìn chúng nó đi giày cao cổ mà phát thèm.
Đêm thứ ba, chúng tôi vượt sông Tê, một con sông nhỏ nhưng chảy khá xiết, Công binh Trung đoàn đã giăng sẵn mấy sợi dây kéo là là trên mặt nước. Chúng tôi gói ghém tất cả những gì có thể ướt vào tấm tăng, buộc túm lại rồi lũ lượt nắm lấy sợi dây, bơi trong dòng nước xiết.
Tiếng gọi nhau í ới, nhưng không ai dám nói to, cũng chẳng có ánh đèn nào được bật lên bởi yêu cầu bí mật tuyệt đối của mũi vu hồi. Thằng nào thằng nấy chỉ còn mỗi chiếc quần đùi quẫy đạp trong dòng nước tối om, bám dây leo lên bờ bên kia, rồi lại mở túi tăng, mặc quần áo, sắp xếp đồ đạc, tiếp tục hành quân.
Có mấy thằng chằng buộc không kỹ, ướt hết cả tư trang, kêu giời lên. Cũng có thằng để trôi mất chiếc xẻng, cứ ngẩn ngơ vì tiếc, không biết tới đây, lấy cái gì mà đào hầm, rồi thì ngồi trên mặt đất mà hứng đạn.
Ngày thứ tư, trời vẫn nắng chang chang. Khoảng 3 giờ, nghe thấy tiếng máy bay dọc hướng lộ 13, rồi những tiếng bom nổ rền phía trái đội hình, tiếng cao xạ bắn lên giống như thời máy bay Mỹ đánh ra Miền Bắc những năm chiến tranh phá hoại.
Chúng tôi được lệnh tạm dừng hành quân, chờ hết tiếng máy bay mới tiếp tục hành quân.
Tối hôm đó Trung đoàn thông báo, trong tình thế bị ta vây ép từ nhiều phía, bọn Pốt điên cuồng chống trả, chúng sử dụng máy bay T28 ném bom vào đội hình hành quân của Trung đoàn Q16, Tiểu đoàn cao xạ của Trung đoàn đã nổ súng, bắn rơi 2 máy bay địch.
Về phía ta, 63 chiến sỹ mới được bổ sung vào Q16 hy sinh. Thật đau xót cho những người lính lần đầu tiên nếm mùi chiến trận.
Khoảng 5 giờ chiều, có lệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu. Các máy thông tin được bật lên và nhận thông báo bộ phận đi đầu đội hình Trung đoàn đã gặp địch. Tôi chạy theo Cương bám sát chỉ huy Đại đội.
Khi vừa bố trí đội hình chiến đấu xong thì tiếng súng rộ lên phía trước. Các đại đội bộ binh đã nổ súng. Tiếng tiểu liên AK-47 điểm xạ tạch tạch; tiếng B40, B41 ùng uỳnh; các loại súng lớn cũng cùng lúc nhả đạn.
Chiến thắng lịch sử và sự nghiệp quốc tế cao cả của 'Bộ đội nhà Phật' ở Campuchia.
... và thần chết không ngủ quên
Khẩu 12,7 ly tăng cường cho hướng K10 nổ khùng khùng, nghe thật ấm sườn. Khẩu cối 82 trong đội hình K12 đã lấy phần tử bắn nhưng vẫn đang chờ lệnh. Thằng Cương dịch mật danh nói lớn:
- Anh Tiệp ơi, Tiểu đoàn yêu cầu bắn một viên, cự ly 900 để chỉnh phần tử.
Một quả đạn được đưa vào nòng, tiếng đề pa "toóc" vang lên, rồi một lúc sau, nghe tiếng "oàng" phía xa. Đạn nổ tốt.
Sau khi chỉnh xong phần tử bắn xuống 700m, Tiểu đoàn tiếp tục ra lệnh:
- Bắn tiếp 3 viên.
Hai viên đạn cối được bắn đi với những tiếng nổ khô khốc phía trước. Đến viên thứ ba, tôi nghe rõ tiếng "phì" như tiếng bơm hơi, rồi nhìn thấy viên đạn bay lên, nhưng rơi ngay phía trước khẩu cối khoảng 100m. May thay viên đạn không nổ, chứ nếu nổ, chắc anh em bộ binh ở tiền duyên sẽ có thương vong.
Thấy tình hình ấy, Đại đội trưởng Tuyết từ bên khẩu DKZ.75 chạy sang, mấy anh em cán bộ trung đội cũng xúm lại kiểm tra, tìm nguyên nhân sự cố.
Đúng lúc ấy, thằng Cương truyền đạt tiếp lệnh của Tiểu đoàn:
- Bắn cấp tập 5 quả.
Nghe thấy câu bắn cấp tập, tôi sướng quá, chạy về phía khẩu cối để xem họ bắn thế nào. Cảm giác như hồi nhỏ chạy theo người lớn đốt pháo tết. Thằng Cương thấy thế, gọi to:
- Anh Điền ơi, lùi lại, đừng lên đó, bọn Miên nó phản pháo giỏi lắm đấy.
Tôi nghe nó, lùi lại nằm ngang thằng Cương, phía sau một gồ đất cao như gờ chắn, mắt vẫn nhìn chăm chăm về phía khẩu cối. Chỗ đó, 5,6 người đang đứng chụm lại và bắt đầu thả đạn. Từ chỗ nằm, mắt tôi dán vào khẩu cối, miệng lẩm bẩm đếm.
Viên thứ nhất, viên thứ hai...tốt.
Đến viên thứ ba, khi quả đạn vừa thả khỏi tay, thì bỗng "Oành" một tiếng rất lớn ngay tại khu vực khẩu cối, khói bụi mù mịt....
Chiến thắng lịch sử và sự nghiệp quốc tế cao cả của 'Bộ đội nhà Phật' - Lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Khi khói tan, không còn thấy ai đứng nữa. Anh em bộ đội từ các hướng chạy lại, nòng khẩu cối 82, to như cái ống bương bị chém đứt ngang, vỡ ra thành 4 mảnh cong như đoạn rau muống chẻ ngâm nước. Xung quanh đó là những thân người bất động, những mảnh áo, quần và nội tạng, máu me vương vãi...
Tôi nghe rõ tiếng rên rỉ của ai đó trước khi lịm hẳn. Lại nhìn rõ một thân người nằm sấp, bụi đất phủ kín, giữa lưng anh, một mảng thịt to bằng hai bàn tay bay đi đâu mất, cái cuống phổi đưa lên, đưa xuống rồi dừng hẳn...
Mọi người xúm lại băng bó vết thương cho mấy anh em bị thương, nhặt phần thi thể của các đồng chí hy sinh gói vào túi tử sỹ, khiêng về phía sau.
Một chiếc võng được mang đến, chúng tôi khiêng anh Tuyết lên võng để vận tải đưa về phía sau. Khi ấy anh Tuyết nói:
- Thằng nào bắt hộ tao con kiến vàng ở lưng với, nó đốt tao đau quá...
Mọi người nâng anh lên, xoa xoa vào lưng để giết con kiến cho anh.Tôi ngạc nhiên bởi tại sao anh không thấy đau ở vết thương mà lại biết con kiến đang đốt?
Lúc chiếc võng đã đi xa, mọi người vẫn không hết bàng hoàng bởi sự mất mát quá lớn và vô cùng đột ngột.
Ai cùng lo cho anh Tuyết, bởi theo kinh nghiệm, khi bị thương vào đầu, nếu mê man, bất tỉnh còn có hy vọng, chứ tỉnh táo thế này, dễ chết lắm. Và điều mọi người bàn luận là đúng, Anh Tuyết, Đại đội trưởng, cùng 2 chiến sỹ của Khẩu đội cối 82 đã hy sinh ngay trong trận đánh đầu tiên của chiến dịch.
Sau này mới biết, số đạn cối ta bắn trận đó là đạn chiến lợi phẩm, ta thu được trong trận đánh vào ChhLong.
Có thể địch đã cố tình bỏ lại và cài ngòi nổ tức thì vào quả đạn nên mới xảy ra chuyện đó. Anh Tiệp, Đại đội Phó Đại đội 12, một chuyên gia về cối, có kinh nghiệm 19 năm gắn bó với cối 82 cũng chưa bao giờ thấy chuyện đó xảy ra.
Còn tôi thì thật hú vía. Nếu Thằng Cương không cản tôi, thì tôi đã chạy đến chỗ khẩu cối rồi. Và rất có thể, tôi cũng sẽ nằm lên một chiếc võng, khiêng ngược lại phía sau ngay trong trận đánh đầu tiên được tham gia trong đời.
Cảm ơn Cương nhé. Và cảm ơn tất cả các anh đã cho tôi có trải nghiệm bổ ích ngay trong trận đánh đầu đời!