Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/4 thông báo đã thử nghiệm thành công phiên bản nâng cấp hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo A-135 được sử dụng để bảo vệ Moscow khỏi các đòn tấn công từ trên không và ngoài khoảng không vũ trụ.
Phát biểu trên tờ Krasnaya Zvezda, Thiếu tướng Andrei Prikhodko, Phó Chỉ huy Đơn vị Phòng không và Phòng thủ tên lửa thuộc Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga cho biết, hệ thống "đã hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, tiêu diệt mục tiêu giả định vào thời điểm được định trước".
Trong khi đó, Tạp chí The Dilopmat dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ am hiểu chương trình phát triển vũ khí của Nga thì nói rằng Moscow cũng đã tiến hành thử nghiệm lần thứ 6 hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo A-235 PL-19 Nudo - tổ hợp kế nhiệm của A-135.
Vụ thử diễn ra ngày 26/3 tại trường bắn Plesetsk Cosmodrome - nơi Nga đã từng phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của nước này - RS-28 Sarmat. A-235 chỉ là một trong số nhiều vũ khí thế hệ mới được Nga phát triển theo kế hoạch thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang của Tổng thống Vladimir Putin.
Tầng trên của tên lửa DN-3 xuất hiện trên kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc
Thế nhưng, Nga không phải là cường quốc quân sự phương Đông duy nhất đang vươn lên mạnh mẽ. Giống như ông Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang đẩy mạnh phát triển các công cụ chống vệ tinh để biên chế cho kho vũ khí của nước này.
Theo Popular Science, tháng 2/2018 Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn tầm xa Dong Neng-3 (DN-3) bằng cách sử dụng nó bắn hạ một tên lửa khác trên vũ trụ.
Trung Quốc được cho là đã thực hiện một vụ thử đầu tiên như vậy vào năm 2010, đưa nước này trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ có khả năng tấn công - tiêu diệt mục tiêu ngoài tầng khí quyển Trái Đất.
Tại sao lại là hệ thống vệ tinh của Mỹ?
Với vị trí là cường quốc quân sự thứ hai và thứ ba thế giới, Nga và Trung Quốc rõ ràng đã và đang tìm cách thu hẹp khoảng cách với đối thủ số 1 mạnh hơn là Mỹ.
Để đối phó, trong báo cáo Đánh giá Vị thế Hạt nhân (NPR) tháng 2/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi nới lỏng giới hạn việc sử dụng vũ khí hạt nhân và phát triển các đầu đạn chiến thuật có kích thước nhỏ hơn và sức công phá thấp hơn.
Cuối tháng 3/2018, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats đã liệt Nga và Trung Quốc vào danh sách các nước đang phát triển vũ khí chống vệ tinh trong Đánh giá về Mối đe dọa Toàn cầu 2018. Ông Coats dự báo những vũ khí như vậy có thể được Nga, Trung đưa vào hoạt động trong vòng vài ba năm nữa.
"Cả Nga và Trung Quốc đều đang theo đuổi việc phát triển vũ khí chống vệ tinh như một giải pháp nhằm giảm hiệu quả chiến đấu của Mỹ và các nước đồng minh. Nga và Trung Quốc muốn sở hữu các vũ khí không gian có tính hủy diệt và không hủy diệt để sử dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột tương lai", ông Coats nhấn mạnh.
"Chúng tôi nhận định rằng, nếu một cuộc chiến tranh tương lai xảy ra với sự can dự của Nga hoặc Trung Quốc, một trong hai nước sẽ tìm cách tấn công vào các vệ tinh của Mỹ và đồng minh để triệt tiêu lợi thế quân sự mà Mỹ có được từ các hệ thống quân sự, dân sự và thương mại trên không".
Nga thử nghiệm thành công phiên bản nâng cấp hệ thống đánh chặn tên lửa tại Kazakhstan ngày 2/4/2018