Chiến tranh thương mại tạm lắng nhưng phe diều hâu trong chính quyền Trump đang ráo riết thúc đẩy một cuộc chiến khốc liệt hơn nhiều lần

Khánh An |

Các nhà lập pháp và các quan chức của chính quyền Trump đang nỗ lực ngăn chặn quỹ hưu trí của nhân viên liên bang chảy vào các công ty Trung Quốc. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang một cuộc chiến về mối quan hệ tài chính giữa 2 quốc gia.

Các thành viên của Quốc hội và chính quyền Trump đang cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc đang huy động tiền từ các sàn giao dịch chứng khoán và nhà đầu tư Mỹ cho các mục đích đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Để kiềm chế dòng tiền USD vào Trung Quốc, họ đã chuyển hướng sang một mục tiêu không thể ngờ tới: quỹ hưu trí của chính họ.

Quỹ Thrift Savings Plan (TSP) là phương tiện tiết kiệm hưu trí cho nhân viên chính phủ liên bang, bao gồm các nhà lập pháp, quan chức Nhà Trắng và các thành viên của quân đội. Bắt đầu từ năm tới, quỹ này dự kiến ​​sẽ chuyển sang một tổ hợp đầu tư khác nhằm tăng cường tiếp cận với Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Các nhà lập pháp và một số thành viên chính quyền Trump đang cố gắng ngăn chặn động thái đó, cảnh báo sự thay đổi này sẽ đẩy khoản tiết kiệm của nhân viên liên bang vào các công ty có thể làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ hoặc đã bị Mỹ trừng phạt.

Các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc hoặc trên các sàn giao dịch của Trung Quốc đồng nghĩa với việc người Mỹ đang vô tình hỗ trợ tài chính cho nhà cầm quyền tại Bắc Kinh, gia tăng tiềm năng của đối thủ chiến lược và kinh tế.

Thứ Ba tuần trước, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã gửi thư cho ban quản lý quỹ TSP, cố gắng thuyết phục họ xem xét lại quyết định của mình. Hôm thứ Hai, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio cho biết ông sẽ đưa ra đề xuất dự luật ngăn chặn quyết định này.

Hạn chế đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của nhiều quan chức Washington nhằm tách biệt quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột giữa Tổng thống Trump với Trung Quốc sẽ còn dai dẳng, ngay cả khi Mỹ ký thỏa thuận thương mại hạn chế với Bắc Kinh vào cuối năm nay.

Với một số nhà phê bình Trung Quốc, áp thuế là chưa đủ, họ đang thúc ép ông Trump dựng lên những rào cản lớn hơn giữa hai nước, bao gồm cả những hạn chế đối với dòng chảy công nghệ và đầu tư.

Trong những tháng gần đây, các quan chức theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện của Trung Quốc trong danh mục đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư Mỹ. Các quan chức hành chính, bao gồm các thành viên của Hội đồng Bảo an Quốc gia, đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc, vốn từ lâu đã tránh các yêu cầu kiểm toán và công bố thông tin của các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro. Luật pháp Trung Quốc giới hạn những tài liệu công ty mà các kiểm toán viên có thể chuyển ra khỏi đất nước, hạn chế sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách đang xem xét các đề xuất nghiêm ngặt hơn. Vào tháng 6, một nhóm các nhà lập pháp Washington đã đề xuất dự luật buộc các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải tuân theo sự giám sát của cơ quan quản lý Mỹ, trong đó cần cung cấp quyền truy cập kiểm toán hoặc là hủy niêm yết trong thời gian 3 năm.

Một mối quan tâm khác là quyết định của các công ty xếp hạng chỉ số chứng khoán lớn thêm nhiều công ty Trung Quốc vào các chỉ số tham chiếu như MSCI của Morgan Stanley.

Khi thị trường chứng khoán toàn cầu có xu hướng đi lên trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang đầu tư thụ động, trong đó một quỹ chỉ đơn giản là phản ánh một chỉ số quan trọng, chứ không đầu tư chủ động mà trong đó nhà quản lý quỹ lựa chọn cổ phiếu nhất định có khả năng đánh bại thị trường.

Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển, các tổ chức xếp hạng thị trường đã tăng tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc. Động thái này là một chiến thắng cho Bắc Kinh, rót tiền vào thị trường Trung Quốc và giúp nâng cao giá trị đồng NDT và hồ sơ quốc tế của các công ty trong nước.

Trong năm 2017, MSCI cho biết họ sẽ thêm cổ phiếu niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến vào chỉ số thị trường mới nổi MSCI EM. Đây là một động thái đã mang hàng tỷ USD đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Trong tháng 2/2019, MSCI cho biết họ sẽ tăng gấp 4 lần tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc loại A trong chỉ số thị trường mới nổi và thêm một số cổ phiếu vốn hóa vừa.

Ông Rubio tỏ ra lo ngại rằng động thái này sẽ khiến nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào các công ty có quản trị doanh nghiệp kém và có nhiều gian lận.

Điều này đem lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, họ có thể cùng lúc lọt vào vào danh mục đầu tư của hàng triệu nhà đầu tư Mỹ, theo ông Roger Robinson, chủ tịch tư vấn công ty tư vấn RWR.

Giống như nhiều phương tiện hưu trí, Quỹ TSP - quản lý 600 tỷ USD tiền tiết kiệm của hàng triệu nhân viên chính phủ liên bang - cung cấp cho người tham gia tùy chọn đầu tư vào một quỹ chỉ số.

Kế hoạch này, tương tự như một quỹ hưu trí tư nhân 401(k), cung cấp cho người lao động liên bang tùy chọn để đầu tư vào một quỹ với tiếp xúc quốc tế. Nếu họ làm như vậy, tiền tiết kiệm của họ sẽ được chuyển đến quỹ chỉ số MSCI Europe, Australasia, Far East (Châu Âu, Australasia, Viễn Đông). Nhưng theo lời khuyên của nhà tư vấn Aon Hewitt, ban quản lý quỹ đã quyết định thay đổi các khoản đầu tư đó để đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt hơn và thu được lợi nhuận cao hơn. Vào giữa năm 2020, quỹ này sẽ phản ánh chỉ số MSCI All Country World ex-USA (tất cả các quốc gia trên thế giới ngoại trừ Mỹ), bao gồm cổ phiếu của hơn 2.000 công ty từ các quốc gia phát triển và mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc.

Tại một cuộc họp của Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí liên bang hôm thứ Hai, nhà tư vấn Aon Hewitt đã khuyến nghị chuyển sang chỉ số mới, nói rằng việc cắt Trung Quốc khỏi kế hoạch đầu tư sẽ tách khỏi thực tiễn công nghiệp và có khả năng mang lại lợi nhuận thấp hơn cho nhân viên liên bang. Ban quản lý quỹ cũng có kế hoạch thảo luận về việc chuyển đổi tại cuộc họp tiếp theo.

Ông Rubio đã gọi cách xử lý vấn đề của ban quản lý quỹ là không thể chấp nhận được, "rõ ràng quỹ này sẽ không hành động vì lợi ích tốt nhất của Mỹ, huỷ bỏ quyết định sai lầm này và bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta."

Vào tuần trước, ông Rubio, cùng thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen từ New Hampshire, đã gửi một lá thư cho ban quản lý quỹ, kêu gọi xem xét lại quyết định đầu tư quỹ hưu trí vào những công ty hỗ trợ các hoạt động quân sự, gián điệp, vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc cũng như nhiều công ty Trung Quốc khác thiếu minh bạch tài chính cơ bản.

Một công ty trong chỉ số mới mà các thượng nghị sĩ đã chỉ ra là Hikvision, một nhà sản xuất Trung Quốc các sản phẩm giám sát video mà Mỹ đã đưa vào danh sách đen hồi đầu tháng này. Chính quyền Trump cho biết công ty đã cung cấp thiết bị giám sát hỗ trợ Trung Quốc trong một chiến dịch nhắm mục tiêu vào một thiểu số Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương.

Chỉ số MSCI All Country World ex-USA cũng bao gồm AviChina Industry & Technology, công ty con của nhà sản xuất máy bay và vũ khí trên không thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, chuyên sản xuất máy bay và tên lửa; China Mobile, bị chặn cung cấp dịch vụ quốc tế tại Mỹ; ZTE, công ty đã bị Mỹ phạt vào năm ngoái vì vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran và Bắc Triều Tiên; China Communications Construction, được cho là có liên quan đến việc xây dựng đảo ở Biển Đông.

Chỉ số này cũng bao gồm các công ty Nga đã bị xử phạt liên quan đến sự can thiệp của Nga vào Ukraine, vấn đề không gian mạng và các vấn đề khác. Một báo cáo tháng 12/2018 của RWR cho thấy 5 trong số 11 công ty Nga trong chỉ số đã bị Bộ Tài chính xử phạt, bao gồm các công ty khí đốt Gazprom và Novatek của Nga.

Ông Rubio nói: "Chính quyền xứng đáng nhận được sự tín nhiệm về những nỗ lực của họ trong việc đối phó với mối đe dọa mà chính phủ Trung Quốc đặt ra đối với an ninh kinh tế và quốc gia của Mỹ, bao gồm cả việc Bắc Kinh tận dụng quyền tiếp cận thị trường vốn của Mỹ cho mục đích thâu tóm".

Ông Richard Spencer, thư ký Hải quân, cho rằng tiền tiết kiệm của các thành viên trong quân đội không nên "vô tình giúp bảo lãnh các mối đe dọa mà Trung Quốc và Nga gây ra cho cuộc sống của họ." Theo ông Spencer, ban quản lý quỹ nên huỷ bỏ quyết định của mình vì lợi ích của đất nước và những người phục vụ nó.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giám đốc điều hành Phố Wall lại đưa ra quan điểm: sự sự can thiệp của chính phủ nhằm hạn chế đầu tư, hạn chế kết nối tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến thị trường tài chính bất ổn. Một bộ phận nhà đầu tư lo ngại rằng mối quan hệ kinh tế vốn đã mong manh giữa Bắc Kinh và Washington có thể sụp đổ.

Ông Patrick Chovanec, chiến lược gia trưởng của công ty tư vấn đầu tư Silvercrest Asset Management cho biết, có rất nhiều lý do tại sao Mỹ nên quan tâm đến những điều Trung Quốc đang làm và sự cạnh tranh mà nước này thể hiện. Tuy nhiên, họ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. "Nếu bạn đẩy họ khỏi một vách núi, tốt hơn hết là bạn chắc chắn rằng mình không bị khoá tay với họ."

Kế hoạch hưu trí cho một số nhân viên liên bang đang thay đổi một trong những lựa chọn đầu tư:

Kế hoạch mới

Anh 10,96%

Canada 6,98%

Trung Quốc 8,3%

Pháp 7,61%

Nhật Bản 16,45%

Khác 49,69%

Kế hoạch hiện tại

Anh 16,94%

Pháp 11,10%

Đức 8,82%

Nhật Bản 24,61%

Thụy Sĩ 8,65%

Khác 29,88%

(Nguồn: MSCI)

Việc huỷ bỏ quyết định có thể gây tổn thất cho các nhân viên liên bang đang tiết kiệm cho nghỉ hưu. Trung Quốc là một trong những thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới và hiện có nhiều công ty nằm trong Fortune 500 toàn cầu (bảng xếp hạng 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số) hơn Mỹ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây, nhưng vẫn giữ ở mức 6%/năm, gấp khoảng 3 lần so với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại