Lấy tĩnh chế động
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp hạ thông điệp về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung ở Hội nghị G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6 này nhưng Trung Quốc vẫn “thủng thẳng” chưa quyết. Câu chuyện có lẽ không đơn giản ở việc gặp hay không gặp.
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC hôm 10/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng tuyên bố nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không gặp mình tại Hội nghị G20 tổ chức ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này, các biện pháp thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc lập tức có hiệu lực. Điều ông Trump muốn đề cập chính là 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại sẽ bị áp thuế trừng phạt 25%.
Theo ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng, biện pháp thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc đã khiến quốc gia đông dân nhất thế giới này thiệt hại nặng nề. Hiện nay, doanh nghiệp của rất nhiều nước đang rời khỏi Trung Quốc. Cho nên, Bắc Kinh rất muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ nói rằng gần đây phía Mỹ nhiều lần bày tỏ hy vọng thu xếp một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Một lần nữa, ông Cảnh không xác nhận cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước khí thế bừng bừng của phía Mỹ, Trung Quốc dường như có phần lặng lẽ hơn. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hầu như không bao giờ phản ứng trực diện đối với các phát biểu của ông Trump, dù ở sự kiện nào đó hay trên tài khoản Twitter. Nhưng, các quân bài vẫn được tung ra.
Bên cạnh việc trả đũa thuế quan, Trung Quốc đã phát đi cảnh báo du lịch cho các công dân đang có ý định đi Mỹ. Theo New York Times, Trung Quốc cũng triệu tập các công ty công nghệ lớn, trong đó có hãng Microsoft và hãng Dell của Mỹ, cảnh báo rằng họ có thể phải đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu hợp tác với lệnh cấm của chính quyền Donald Trump trong việc ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng của Mỹ.
Một số quân bài khác cũng đang được phía Trung Quốc cân nhắc sử dụng để răn đe, gồm hạn chế xuất khẩu đất hiếm, bán trái phiếu chính phủ Mỹ, lên danh sách các thực thể không đáng tin, danh sách quản lý an ninh công nghệ quốc gia và gần đây nhất là phát tín hiệu về khả năng phá giá đồng Nhân dân tệ…
Dù ông Tập đồng ý gặp ông Trump tại Hội nghị G20, khả năng chiến tranh thương mại được hóa giải cũng rất thấp bởi bất đồng giữa hai bên tới nay vẫn quá lớn. Ảnh minh họa
Hiệu quả của những quân bài này tới đâu, hiện nay vẫn tồn tại nhiều tranh cãi, nhưng cùng với việc khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chúng còn góp phần xây dựng, củng cố sự tin tưởng của người dân trong nước trước sức ép từ phía Mỹ.
Đặc biệt, sự “lặng lẽ” của giới chức cấp cao Trung Quốc trước các phát biểu của ông Trump được dư luận đánh giá là càng làm nổi rõ động cơ sử dụng sức ép thuế quan để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán của phía Mỹ.
Theo bà Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), phát biểu của ông Trump cho thấy bản thân nhà lãnh đạo này rất muốn gặp ông Tập. Tổng thống Mỹ muốn sử dụng mọi biện pháp để thuyết phục ông Tập gặp mình tại Hội nghị G20 sắp tới.
Tiến thoái lưỡng nan
Nếu coi thời điểm Mỹ-Trung chính thức áp thuế trừng phạt vào 34 tỷ USD hàng hóa đầu tiên của mỗi bên (ngày 6/7/2018) là khởi đầu chiến tranh thương mại giữa hai bên, tới nay, cuộc chiến ấy đã kéo dài được gần 1 năm. Mỹ đã áp thuế trừng phạt với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn đòn trả đũa của Trung Quốc đã nhằm vào 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Các bên hiện vẫn đổ lỗi cho nhau về việc đàm phán thương mại song phương đổ vỡ. Cho nên, dư luận kỳ vọng lãnh đạo hai nước sớm gặp nhau để phá vỡ cục diện bế tắc hiện nay. Bà Bonnie Glaser cho rằng nếu ông Trump và ông Tập có thể gặp nhau tại Hội nghị G20, đây là cơ hội tốt nhất thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung nhằm tránh khả năng tục lao dốc do chỉ có hai nhà lãnh đạo tối cao này mới có thể quyết định quan hệ hai nước sẽ phát triển như thế nào.
Theo một số nhà quan sát, kỳ vọng vào việc ông Trump và ông Tập gặp nhau tại Hội nghị G20 là không nhỏ. Do đó, việc hai nhà lãnh đạo chỉ “lướt qua” mà không gặp gỡ sẽ khiến cộng đồng quốc tế thất vọng, tạo cơ sở dấy lên chỉ trích, nhất là khi tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã không còn bó gọn trong phạm vi biên giới của hai quốc gia này nữa.
Vấn đề là những gì nêu trên cho thấy hai bên vẫn đang cho rằng mình đang sở hữu nhiều quân át chủ bài. Cho nên, ở một chừng mực nào đó thì đàm phán thương mại song phương dù có nối lại, hai bên cũng chỉ muốn ép đối phương nhượng bộ. Điều này phần nào thấy được từ cảnh báo ông Trump đưa ra ngày 11/6: “"Bây giờ chính tôi đang nắm giữ thỏa thuận. Hoặc là chúng ta sẽ tiến tới một thỏa thuận tốt đẹp với Trung Quốc hoặc chúng ta sẽ chẳng đi tới một thỏa thuận nào cả".
Trong con mắt nhiều định chế tài chính ngân hàng quốc tế, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một trong những nhân tố khiến thương mại toàn cầu giảm xuống, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rồi Ngân hàng Thế giới (WB) đã lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính quốc tế cách đây 1 thập niên. Vì thế, Hội nghị G20 vào ngày 28-29/6 tới được nhìn nhận như một trong những cơ hội cuối cùng để lãnh đạo Mỹ-Trung cùng ngồi xuống tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thuế quan trước khi nó leo thang tới mức không thể cứu vãn.
Tuy nhiên, vấn đề là những phát biểu như hạ thông điệp cuối cùng của ông Trump như “lưỡi dao treo cao”. Trong bối cảnh đó, việc ông Tập đồng ý gặp ông Trump có thể bị nhìn nhận như sự “khuất phục”, khiến nhà lãnh đạo này phải đối mặt với những chỉ trích, nhất là từ trong nước.
Đó là chưa nói tới việc ông Tập hoàn toàn có lý do từ chối không gặp ông Trump. Tờ Wall Street Journal nhiều lần dẫn lời quan chức Trung Quốc cả giấu tên lẫn cựu cố vấn kinh tế cao cấp Yang Weimin của ông Tập và họ đều nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ không bao giờ đàm phán trong tình cảnh bị chĩa súng vào đầu”.
Hơn nữa, kể cả trong trường hợp ông Tập đồng ý gặp ông Trump tại Hội nghị G20, khả năng chiến tranh thương mại được hóa giải cũng rất thấp bởi bất đồng giữa hai bên tới nay vẫn quá lớn. Nhưng nếu không gặp, kinh tế Trung Quốc sẽ phải trả giá vì ông Trump sẽ áp thuế toàn diện đối với hàng hóa Trung Quốc.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thuộc Bloomberg, nếu Mỹ áp thuế trừng phạt 25% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể giảm 1% vào năm 2021. Như vậy, đằng sau việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung gặp hay không gặp nhau ở Hội nghị G20 còn là đại lượng đo lường mức độ chịu đựng ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy “đánh” và “đàm” gắn chặt với nhau. Khi “đánh” chưa chạm tới giới hạn chịu đựng của đối phương, “đàm” khó có thể đạt được bước đột phá. Do vậy, thế giới lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ còn kéo dài, nhất là có thể mở rộng phạm vi, lây lan sang các lĩnh vực mới.