Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kết thúc: Đừng vội hy vọng!

Minh Anh |

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ đang tiến gần đến đích trong một thỏa thuận thương mại có thể được ký giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến thương mại có thể kết thúc.

“Nhiều vấn đề từng nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên vẫn còn là thỏa thuận trên giấy, mà theo đó, Bắc Kinh sẽ phải nghiêm túc thực hiện theo các cam kết của mình”, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã phát biểu trước Quốc hội hồi tuần trước.

Vài ngày sau đó, Tổng thống Trump lại cảnh báo, ông vẫn có thể ra khỏi bàn đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc, như ông đã làm tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội vừa qua, khi thỏa thuận hạt nhân chưa thể đi đến đồng thuận.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kết thúc: Đừng vội hy vọng! - Ảnh 1.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có vẻ đang tiến gần đến đích trong một thỏa thuận thương mại. (Nguồn: EBM)

Đó mới là thông tin cập nhật nhất về cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ đã chịu nhún?

Phía Bắc Kinh muốn Nhà Trắng gỡ bỏ mức thuế quan cao ngất mà Tổng thống Trump đã ra quyết định áp đặt vào hồi năm ngoái đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, nhưng phía Mỹ vẫn chưa tiết lộ, liệu Tổng thống Trump có sẽ xem xét lại một số hoặc tất cả các quyết định áp thuế đã có hiệu lực hay không. Bởi, phía Trung Quốc không chỉ mong muốn Mỹ cân nhắc riêng tới quyết định áp thuế 200 tỷ USD, Bắc Kinh còn muốn Washington xem xét loại bỏ các quyết định đánh thuế cao hiện đã có hiệu lực.

Trong khí đó, chính các thế lực cạnh tranh trong Chính quyền Mỹ vẫn còn đang có những quan điểm khác nhau về các mức thuế trong thỏa thuận nên như thế nào, vì theo họ, việc giữ một mức thuế quan nhất định sẽ cho phép Mỹ duy trì được lợi thế.

Một số cố vấn kinh tế cho rằng, thuế quan chỉ nên được gỡ bỏ hoàn toàn một khi Bắc Kinh tuân thủ tất cả các cam kết của mình và để làm được điều đó có thể sẽ phải mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Thậm chí, ngay cả khi một số hoặc hầu hết các mức thuế quan được gỡ bỏ ngay từ đầu, Mỹ vẫn có thể lật lại quyết định, như một phần của cơ chế thực thi, để trừng phạt Trung Quốc, nếu họ vi phạm các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nêu quan điểm như vậy vào tuần trước.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc được cho là đã giành được “chiến thắng” nhất định trong đàm phán thương mại với Mỹ, khi thuyết phục được Tổng thống Trump rút lại quyết định áp thuế mà lẽ ra sẽ được thực thi vào ngày 1/3 vừa qua. Ông Trump đã hai lần trì hoãn quyết định đánh thuế đối với gói hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, để hai bên có thêm thời gian đi đến một thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn.

Điểm chung chưa rõ ràng

Đại diện thương mại Lighthizer cho biết, hai nước Mỹ - Trung có kế hoạch thiết lập một hệ thống tham vấn thường xuyên ở nhiều cấp độ khác nhau giữa hai chính phủ để giải quyết các vấn đề gây khó khăn, vướng mắc. Nếu đàm phán vẫn không giải quyết được vấn đề, ông Lighthizer cho biết, phía Mỹ sẽ đưa ra hành động tương xứng, thậm chí đơn phương, chẳng hạn như một quyết định áp thuế.

Về mặt này, cơ chế trên có vẻ không khác nhiều so với những nỗ lực đàm phán trước đây mà cả Washington và Bắc kinh đã từng sử dụng để thảo luận về các vấn đề thương mại - và chính chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng, họ từ bỏ vì họ đã không thành công trong việc khiến Bắc Kinh thực hiện các thay đổi cần thiết trong chính sách thương mại của mình.

Và dường như hiện phía Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường như vậy. Vì thế, tình hình hiện tại khiến người ta nghi ngờ việc đạt được một thỏa thuận mới giữa Mỹ và Trung Quốc còn khó hơn những gì mà chính họ đã từng đối thoại và không đạt được kết quả nào.

Phía Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc từ bỏ quyền trả đũa nếu Washington đơn phương hành động. Mỹ cũng muốn Trung Quốc kiềm chế không đưa ra bất kỳ thách thức nào tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện không rõ liệu Bắc Kinh có đồng ý với những yêu cầu đó hay không, hoặc nếu không đồng ý thì họ sẽ phản ứng như thế nào?

Quá nhiều yêu cầu từ Mỹ

Trong khi Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer nhấn mạnh rằng, ông ta đang tìm kiếm những thỏa thuận tốt mà ông ta gọi là “giải pháp đậu nành”, theo đó, một số lượng hàng đáng kể sẽ được bán ngay trên bàn các cuộc đàm phán.

Ngay trên bàn đàm phán về thỏa thuận “đình chiến”, Trung Quốc đã đề nghị mua tăng thêm hơn 1.200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 6 năm, bao gồm hàng nông sản và năng lượng. Lời đề nghị này dường như đã có tác động ngay lập tức đối với Tổng thống Mỹ, người vốn luôn đưa vấn đề thâm hụt thương mại kinh niên giữa Mỹ và Trung Quốc lên hàng đầu.

Tổng thống Trump hôm thứ Sáu tuần trước cũng đã yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức bãi bỏ tất cả thuế mà Trung Quốc đã áp lên sản phẩm nông nghiệp Mỹ (gồm thịt bò, thịt lợn...) dựa trên thực tế những tiến triển tốt đẹp về đàm phán thương mại, dù ông không chỉ ra được liệu các yêu cầu trên có bị giới hạn bởi các động thái trả đũa từ phía bên kia hay không.

Cùng lúc đó, Đại diện Thương mại Lighthizer và nhóm của ông tập trung nhiều hơn vào yêu cầu Bắc Kinh phải thực hiện thay đổi cấu trúc đối với các chính sách và thực tiễn thi hành quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong việc yêu cầu các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc, như một điều kiện kinh doanh bắt buộc tại nước này.

Rắc rối về chính trị nội bộ

Thỏa thuận của Nhà Trắng chắc chắn sẽ được “soi kỹ” bởi phe Dân chủ và một số thành viên trong chính đảng Cộng hòa - những người đặc biệt ủng hộ đường lối cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh. Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer tuần trước đã thúc giục Tổng thống Trump giữ vững lập trường cứng rắn cho đến khi Washington đạt được một thỏa thuận giải quyết các vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Schumer cho rằng, Tổng thống Trump không nên bị rơi vào cái bẫy đi tìm kiếm một thỏa thuận vì sự ảnh hưởng của một thỏa thuận khác, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng hiện chưa đi đến được mục tiêu cuối cùng. “Những gì ông ấy quyết định trên bàn đàm phán với Triều Tiên là đúng, ông ấy nên làm điều tương tự với Trung Quốc - bởi vì, Washington đang có ưu thế, nên buộc Bắc Kinh phải thực hiện theo yêu cầu”, nghị sỹ Schumer nói.

Tuy nhiên, Chính phủ của Tổng thống Trump không cần, ít nhất là trên thực tế, sự vào cuộc của các nhà lập pháp. Nhà Trắng có thể coi thỏa thuận này như là một quyết định điều hành và điều đó thì không yêu cầu phải có sự phê chuẩn của Quốc hội, bởi vì nó không làm thay đổi các dòng thuế quan của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại