LTS: Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam , chưa khi nào lại tổ chức chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng lớn như trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Chỉ trong hơn một tháng, từ nhiều hướng mũi khác nhau, quân đội ta đã đánh tan quân đội Khơ me Đỏ, giúp bạn thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của nhiều tác giả xung quanh sự kiện đặc biệt này.
---
Bài 1: Cuộc hành quân thần tốc đầy bão tố của Lữ đoàn xe tăng 203: Tiêu diệt Khơ me Đỏ
Bài 4: Chiến tranh biên giới Tây Nam : Những "trái da láng" đáng sợ của... Thần chết
Bài 5: Chìa khóa giải phóng Phnom Pênh: Chiến thuật chưa từng có của Quân Việt Nam ở Campuchia
Bài 6: Những cú "liều" đứng tim của lính xe tăng Việt Nam ở Campuchia: Điểm huyệt Khmer Đỏ
Bài 7: Tiến công trong hành tiến - Thần tốc giải phóng Phnom Pênh: Khmer Đỏ không kịp trở tay
Bài 9: Quân tình nguyện VN thần tốc giải phóng Campuchia và những phát hiện bất ngờ
Bài 10: Hạm đội Hải quân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử và những chiến công vang dội ở Campuchia
Bài 11: Tướng Hoàng Kiền: Thế giới nợ Việt Nam một lời xin lỗi về vấn đề Campuchia
---
Bài 15: Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Những dòng nước mắt đã chảy giữa hai hàng vệ binh
Cuộc chia ly không hẹn trước
Ngày 18/11/78, tiểu đoàn huấn luyện 104 báo động di chuyển, hành quân ra thị xã Phủ Lý tỉnh Hà Nam Ninh.
Từ thôn Ứng Liêm ra thị xã chỉ khoảng 6 km nên đến gần trưa đã tới nơi. Các tiểu đoàn khác trong trung đoàn đã tập kết đầy đủ trong sân vận động Phủ Lý. Đoàn văn công quân khu đến biểu diễn úy lạo.
"Đường ra trận mùa nay đẹp lắm. Trường sơn đông nhớ Trường sơn tây". Tôi chưa từng qua nên tôi không nhớ Trường sơn tây, tôi nhớ mẹ tôi, nhưng thấy may khi mẹ tôi không có mặt.
Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, tác giả cuốn Hồi ức Chuyện lính Tây Nam, NXB Thanh Niên.
Tôi biết trước sau rồi cũng có cuộc hành quân này, cuộc hành quân đến một miền đất thật xa, có thể sẽ rất gian khổ và khốc liệt, nhưng không ngờ nó đến nhanh thế. Một số gia đình lên đơn vị thăm lính thường nhật, bất ngờ với cuộc chia ly không hẹn trước.
Họ quấn lấy nhau, níu kéo dặn dò nhau, có những dòng nước mắt đã chảy giữa hai hàng vệ binh ngoảnh đi không dám chứng kiến.
Đồng tháng Mười mới gặt xong. Rơm trải đầy trên đường làng, rơm quấn bước chân người. Hết mười năm đèn sách, tuổi đời mênh mông còn đang ở phía trước nào ai đã biết bến nào. Tôi bước chậm, cố ghi vào tâm trí những hình ảnh dấu yêu cuối mùa thu của quê hương bắc Việt.
Những khung cảnh ta vẫn thấy thường nhật hàng ngày, trước lúc đi xa bống dội lên một tiếc nhớ đến lạ kỳ.
Thời gian chuyển tiếp ngưng đọng trong buổi chiều nắng, lổ đổ khoảng râm bóng nhãn ven đường. Tôi nhớ ngày các bạn gái tôi lên thăm mấy đứa trên đơn vị. Chúng tôi chập chững dắt díu nhau đi giữa bên làng bên lúa, như lũ chim mới tập nhảy chuyền.
Không ai nói chuyện trường cũ, không ai nhắc chuyện chiến tranh. Không gian tịch lặng trong dự cảm xa xăm hẳn chứa rất nhiều nhung nhớ, đến mức con cá quẫy bờ mương cũng vang động ngày thu. Mặt nước sóng sánh, liu riu nắng cuối ngày.
Người dân Campuchia lưu luyến chia tay Quân tình nguyện Việt Nam.
Gió lẩn thẩn quanh mấy sợi tóc mai nhấp nhánh. Môi hồng thiếu nữ quay sang gắng mỉm cười như động viên.
Có kẻ không cười, hụt hơi nghe tiếng còi tàu sân ga Phủ Lý. Ngoài kia là khoảng xa tít tắp cánh đồng. Đồng đất rồi mãi thế, bờ vùng bờ thửa hay đại nông nghiệp mênh mông sẽ mãi vẫn là cánh đồng, chẳng thể một lúc dậy lên núi non hùng vĩ.
Như những người trẻ tuổi đưa tiễn nhau chiều nay, sẽ mãi chỉ là những con người bình thường với rất nhiều mến yêu vụng dại tuổi trẻ, nào ai kỳ vọng thánh nhân. Kỷ niệm vẫn như rơm mới ngày mùa, vẫn vừa thơm hương vừa rặm ngứa trong nỗi nhớ không tên.
Bây giờ không có ai ở đây ngoài mấy bạn trai cùng lớp, cùng vào chiến trường trên một chuyến tàu chiều nay. Mỗi người làm cả một cuộc chia ly đoạn tuyệt với tuổi trẻ nhiều mộng mơ của mình.
Chúng tôi mới thi đại học xong, còn chưa có phiếu báo điểm. Nếu không có chiến tranh, hẳn tôi sẽ học đại học Kiến Trúc vì bài vẽ của tôi khá tốt. Nếu trượt tôi sẽ thi lại bằng được. Bây giờ thì không kịp nữa rồi!
Ôi chao đất nước thương yêu và khổ đau này sao lắm kẻ thù đến thế! Hết thực dân Pháp, kéo theo quân Anh, quân Tàu Tưởng đến đế quốc Mỹ với một đám đồng minh. Giờ lại đến bọn diệt chủng Polpot lấn chiếm biên giới Tây Nam, rồi chính quyền Trung Quốc đang gây hấn trên một dải biên thùy phía Bắc.
Những tên lính Polpot trên cứ điểm Pailin.
Những lá thư không tem ném rào rào qua cửa sổ
Chiến tranh chẳng biết khi nào sẽ xảy ra, nhất là với một kẻ thù vẫn mang gương mặt nạ bạn bè. Trên sân ga Phủ Lý chiều nay, những gã trai mới qua tuổi học sinh còn đầy lông tơ trên mặt lại bước lên chuyến tàu trận, góp cho tiền duyên đất nước đang chảy máu một chút hồng cầu.
Rất đột ngột, bố Tuấn Anh xuất hiện ở ngay đầu toa. Ông học ngành đường sắt ở Bắc Kinh, lúc đó đang là trưởng phòng điều độ ga Hàng Cỏ nên biết rõ hành trình của các chuyến tàu.
Chỉ ông mới có đủ trách nhiệm và quyền hạn để lên được toa quân sự này. Người cho chúng tôi một ít tiền, dặn rằng anh em chúng mày dù ở đâu cũng phải bao bọc lấy nhau.
Sự hiện diện của ông tại toa này như nhắc những ngày hè học sinh cuối cấp vẫn còn rói tươi hoa phượng. Ông lặng lẽ xuống toa, lên chuyến tàu tránh ngay tại đó ngược trở lại Hà Nội. Tôi vẫn nhớ lúc đó trời còn chưa tối hẳn, mặc dù mấy ngọn đèn hành lang trên ga đã heo hắt sáng.
Tu…u…u…uuu….! Tiếng còi tàu đầu máy hơi nước rúc lên hồi thứ nhất. Tiếng còi như nhắc kẻ ra đi sực nhớ ra ra điều gì cần nhắn lại. Những người lính trên toa vội vàng xé những cuốn sổ lưu niệm trong ba lô, viết mấy dòng ngắn ngủi báo tin về gia đình. Một tháng 6 con tem quân đội được cấp chúng tôi đã dùng hết.
Những người lính trên đường ra trận bằng tàu hỏa. Ảnh minh họa.
Một số người bối rối. Cô gái ngành đường sắt huơ ngọn đèn tín hiệu vàng dưới đường ke, thảng thốt nói vọng lên lanh lảnh: "Các anh chỉ cần ghi rõ địa chỉ gia đình trên phong bì. Chúng em sẽ chuyển cho bằng hết!". Trên tay cô phút chốc đã đầy lên một tập thư dày.
Con tàu hú lên hồi còi nữa, rùng mình chuyển bánh về phương Nam. Sân ga Phủ Lý từ từ lùi dần. Những dòng địa chỉ cuối cùng nguệch ngoạc ghi vội, những lá thư không kịp dán gấp gáp chuyền tay nhau. Những lá thư không tem của lính ném rào rào qua cửa sổ con tàu như một đàn chim trắng, lạc bay trong gió đông bắt đầu thổi mạnh.
Tôi ngoái lại, thấy không chỉ cô gái bé nhỏ có ngọn đèn vàng ấy mà rất đông người đuổi theo con tàu mỗi lúc một xa, cúi xuống nhặt những lá thư rơi. Mẹ tôi em tôi, đồng bào tôi đấy, chẳng cần ai dạy yêu thương.
Ngày chia tay thật buồn, nhưng dẫu phải chết ngay thì họ cũng chẳng cần ân hận. Những tình yêu lớn lao bao giờ cũng hiện thân giản dị, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo.
Con tàu trôi vào đồng bằng châu thổ tối đen. Những chấm vắng đèn đêm xa lắc, ngược chậm qua cửa sổ trong tiếng bánh xe lăn ù ù. Con tàu đã đưa cuộc đời tôi sang một ngã rẽ khác.
Không biết cuộc đời chiến binh phía trước có còn cho tôi cơ hội quay lại sân ga này hay không.
Nhưng dù ở ngã rẽ nào, tôi vẫn luôn nhớ đến chấm đèn vàng lắc lư trên con đường sắt heo hút cuối ga, trên tay cô gái nhặt những lá thư không tem năm ấy.