LTS: Ngày 12/7/1984 là ngày mở đầu chiến dịch phản kích lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Trong ngày này, gần 600 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn 356 đã anh dũng hi sinh. Ngày 12/7 hàng năm được coi là ngày "giỗ trận" chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên.
Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả hồi ức của một cựu chiến binh sư đoàn 356 về giai đoạn hào hùng và bi thương trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biên giới phía Bắc.
-----
-----
Đi lấy xác anh em
Đêm ngày 12/7, tôi lần mò về lại hậu cứ của tiểu đoàn ở lèn đá 468. Cùng đi với tôi là một cậu lính nhập ngũ tháng 3/1984, người huyện Văn Chấn, bị thương ở cánh tay. Pháo sáng Trung Quốc thỉnh thoảng lại bắn một quả soi sáng rõ từng gốc cây.
Suốt ngày 13, 14 tháng Bảy, cả mặt trận im tiếng pháo. Chỉ có truyền đơn quân địch bắn bay sang ta rất nhiều. Nội dung là sẽ không bắn để phía ta lên lấy xác anh em về. Đi vào ban ngày trời trong sáng, khi đi không mang theo vũ khí mà là cờ hồng thập tự.
Tác giả Nguyễn Đình Thắng - Nguyên y tá C24 E153, Sư đoàn 356 chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang từ tháng 5-1984 đến tháng 10-1986.
Ngày 14/7 chỉ huy C có lệnh tôi đi cùng 20 chiến sĩ đi lấy xác anh em về, có trinh sát đi trước dẫn đường và bảo vệ. Đi vào ban đêm để tránh Trung Quốc quay phim chụp ảnh tuyên truyền. Không mang theo vũ khí, chỉ mang tăng võng và dây dù.
Phổ biến khi gặp xác anh em thì lấy dây dù nhẹ nhàng buộc vào rồi ra xa kéo xác anh em xuống, đề phòng quân Trung Quốc cài mìn hay lựu đạn dưới xác anh em để sát hại những người đi lấy. Tôi phải mang theo túi thuốc cứu thương đi cùng.
Tuy vậy tôi vẫn mang súng theo và vẫn bốn quả lựu đạn như cơ số chiến đấu bởi chả tin được. Nhỡ gặp địch thì lấy gậy quật nó à. Ngoài ra mỗi người còn có một hộp cao sao vàng để khi gặp xác anh em thì bôi dầu cao vào mũi cho đỡ mùi.
Khoảng 20g là chúng tôi xuất phát theo đường hành quân như tối hôm 11/7 đi vào. Nhưng lần này đi thấy khung cảnh khác hẳn vì pháo địch bắn khiến cho cây cối đổ, đất đá bị cày xới nên nhìn tan hoang và trống trải.
Pháo sáng Trung Quốc vẫn bắn cắc bụp soi rõ đường đi. Mỗi khi pháo sáng bắn chúng tôi lại phải nằm hết xuống để không bị lộ. Lần mò mãi mới vào đến chân Đ1, ngửi thấy mùi tử khí bốc lên nồng nặc chúng tôi tìm xung quanh và rất nhanh chóng phát hiện ra xác anh em.
Tù binh Trung Quốc trong Chiến tranh biên giới phía Bắc
Quân Trung Quốc "rụt đầu" trong chiến hào
Cứ liên tục như vậy trong 5, 6 hôm chúng tôi đã mò lên đến tận cửa mở. Vào chiến hào 1 lấy xác anh em về. Quân Trung Quốc cũng "rụt đầu" trong chiến hào, không dám ra để thu vũ khí, những khẩu súng vẫn còn đó. Có anh em hy sinh vẫn đang ôm súng chĩa lên trên trong tư thế chiến đấu, bọn tôi phải gỡ súng ra.
Khi lấy xác anh em ở chiến hào 1 gần sát với nơi Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép là anh em làm hết sức bí mật và nhẹ nhàng, không như những lúc ở dưới chân Đ1. Mũi thằng nào cũng đỏ hỏn và rát bỏng vì bôi nhiều dầu cao tránh mùi tử khí.
Bộ đội ta trong Chiến tranh Biên giới phía Bắc
Thời gian này đại đội tôi vẫn ở vách đá 468. Ban ngày thì ngủ, đêm đi lấy xác anh em. Lấy khoảng một tuần thì xong, chúng tôi đã mò lên đến cửa mở và mang hết xác anh em về để lính vận tải mang tiếp từ 468 về Làng Pinh.
Rồi xe của sư đoàn đưa xác anh em về Hà Giang để khâm liệm, chôn cất tại nghĩa trang của sư đoàn ngay gần thị xã Hà Giang. Những ngày đó là những ngày ảm đạm nhất. Sự yên ắng của mặt trận, tâm trạng thương tiếc và đau xót khi nhìn thấy xác anh em mang về không được nguyên vẹn.
Cánh lính chúng tôi thì xác định chắc lại lên đánh tiếp vì nhiệm vụ chưa hoàn thành, các điểm cao ta tấn công lấy lại vẫn chưa lấy lại được nên sẽ còn phải đánh. Chúng tôi cứ đoán là sẽ còn ở đây chờ bổ xung thêm quân số để đánh tiếp.
Một ngày anh Hậu đại phó phổ biến lệnh đại đội ăn cơm chiều xong là quân tư trang súng ống chuẩn bị gọn gàng. Đêm nay hành quân rút về sân bay Phong Quang.
Vậy là tạm biệt 468, tạm biệt Thanh Thuỷ, chúng tôi quay về và sẽ quay lại bởi nhiệm vụ đánh đuổi quân xâm lược lấy lại đất đai của Tổ quốc chưa hoàn thành.
Và chỉ ba tháng sau những chiến sĩ sư đoàn 356 chúng tôi lại có mặt để bước vào một chiến dịch mới, với một cách đánh mới quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Đó là nhiệm vụ mà Tổ Quốc và nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Hà Giang nói riêng đã tin tưởng và trao cho chúng tôi, những người lính Vị Xuyên.