LTS: Ngày 12/7/1984 là ngày mở đầu chiến dịch phản kích lấy lại các điểm cao bị quân Trung Quốc đánh chiếm trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Trong ngày này, gần 600 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn 365 đã anh dũng hi sinh. Ngày 12/7 hàng năm được coi là ngày “giỗ trận” chung cho những người đã nằm lại núi đồi Vị Xuyên.
Nhân 35 năm ngày "giỗ trận Vị Xuyên", xin trân trọng giới thiệu tới độc giả hồi ức của một cựu chiến binh sư đoàn 365 về giai đoạn hào hùng và bi thương trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biên giới phía Bắc.
---
Những trận đánh khốc liệt với quân Trung Quốc
Tháng 10 năm 1984, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356 nhận nhiệm vụ lấn dũi, đánh chiếm cao điểm 685. Cao điểm 685 là một núi đá nằm sâu trong đất ta và liền kề với 772, 685 có 5 mỏm ta ký hiệu là E1, E2, E3, E4 và E5.
Lần đánh này phía ta đã thay đổi cách đánh là bí mật đào giao thông hào để bộ binh tiếp cận địch, hạn chế thương vong do pháo Trung Quốc. Thiếu tướng Hoàng Đan là tư lệnh mặt trận tiền phương trực tiếp chỉ đạo cách đánh mới.
Tác giả Nguyễn Đình Thắng - Nguyên y tá C24 E153, Sư đoàn 356 chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang từ tháng 5-1984 đến tháng 10-1986.
Trải qua gần hai tháng, các chiến sĩ trung đoàn đã đào giao thông hào từ cửa hang Làng Lò lên 685 và đánh chiếm được 4 mỏm của núi đá vôi ấy. Còn lại E1 là phía Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ trái phép.
Tháng 12 năm 1984 toàn trung đoàn đang tích cực chuẩn bị cho một đợt tiến công mới nhằm chiếm lại E1 để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân và 10 năm ngày thành lập sư đoàn (26/12/1974-26/12/1984).
Trong hang Làng Lò đêm nào cũng nhộn nhịp lính vận tải chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược và các loại vật cản để bố trí phòng ngự như mìn, chông chân chim. Hang Làng Lò là một hang lớn có hai tầng, có thể chứa được 400-500 lính và nằm liền kề chân của cao điểm 685.
Đây là nơi đặt trạm phẫu tiền phương của trung đoàn 153, là nơi trú quân của các đơn vị trước khi vào đánh 685 hay bình độ 300 - 400.
Chính vì sự quan trọng của hang Làng Lò nên pháo, cối Trung Quốc thường xuyên bắn vào ban đêm từ ngã ba Thanh Thuỷ dọc theo con đường dẫn vào cửa hang nhằm chặn đường tiếp tế vào hang Làng Lò.
Các cựu chiến binh từng chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Bắc kể lại kỷ niệm tại hang Làng Lò.
Kỷ niệm không thể nào quên về tướng Hoàng Đan
Một đêm tầm 12 giờ chúng tôi thấy có một ông già đi cùng hai vệ binh vào hang. Ông già đi luôn vào phẫu trung đoàn 153 vì trạm phẫu nằm ngay cửa hang. Các anh sĩ quan đang trong hang không ai biết đó là Tướng Hoàng Đan - Tư lệnh Mặt trận tiền phương Quân khu 2 cho đến khi hai lính vệ binh nói.
Anh Hội chủ nhiệm quân y và anh Toàn quân y sĩ mới vội vàng mời thủ trưởng ngồi và gọi tôi với thằng Hoà - lính nuôi quân lấy nước pha chè mời thủ trưởng. Tôi đi lấy nước thì không dám lấy nước suối ở ngay đó.
Một chiến sĩ trẻ trên đường lên biên giới bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh chống lại Trung Quốc xâm lược. Ảnh: Thomas Billhardt
Vì nghĩ phải mời tướng quân cho đàng hoàng nên cẩn thận hơn đi sâu vào đáy hang để lấy nước ngay đầu nguồn do hang Làng Lò rất thuận tiện vì có con suối chảy từ trong hang ra ngoài cửa hang. Khi đi vào trong thì đám lính D17 công binh của sư hỏi tôi:
"Bọn tao thấy có một ông già nào vào trong chỗ mày mà có hai thằng mang AK báng gấp đi cùng. Chắc là vệ binh à, ông nào đấy?".
Tôi không dám nói đó là tướng Đan vì sợ bọn nó kéo nhau ra phẫu để chào thủ trưởng và cũng vì lính hay trêu đùa nhau nên tôi nói:
"Bố thằng lính e153 bọn tao ấy mà. Cụ lên thăm con. Sư đoàn nói cụ cứ ở Hà Giang rồi sư đoàn báo để cho nó về chơi một hôm nhưng cụ không nghe, cứ muốn lên tận hang để thăm nó. Giờ bọn tao đang cho người gọi nó về hang để bố con gặp nhau".
Gớm, đám lính cứ xuýt xoa trầm trồ về một ông bố quá dũng cảm, dám vào tận hang Làng Lò thăm con sau khi vượt qua ngã ba Thanh Thuỷ mà lính vẫn gọi là ngã ba tử thần, nơi mà từ ngã ba đó vào đến cửa hang có thể hy sinh bất cứ lúc nào.
Tướng Hoàng Đan (hàng đầu từ trái sang) cùng Ban chấp hành Đảng bộ Quân đoàn 1 ngày đầu thành lập. Ảnh: Bảo tàng lịch sử quân sự VN.
Trạm phẫu nằm cạnh kho hậu cần bên sau khi thăm hỏi mấy thương binh đang nằm đó chờ vận tải đêm vào tải về làng Pinh thì tướng Đan đi thăm bên hậu cần. Cụ hỏi về tiêu chuẩn ăn có đảm bảo cho anh em không?
Rồi những khó khăn vất vả khi mang lương thực thực phẩm và đạn dược lên cho anh em trên các mỏm. Khi ngồi uống nước cùng các anh em ở trạm phẫu và có thêm các sĩ quan trung đoàn ở trong hang thì cụ mới nói:
"Chúng mày cố gắng đánh dứt điểm 685 đợt này đi. Lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Có gì cần thì cứ đề xuất, bộ tư lệnh mặt trận sẽ đáp ứng".
Các anh sĩ quan chỉ huy C và B thì nói về tinh thần chiến đấu của bộ đội ta với địch. Sau đó có đề xuất xin pháo binh hỗ trợ hoả lực để ngăn chặn quân Trung Quốc phản công. Vì như các anh nói là đánh lấy điểm cao không khó bằng giữ được.
Khi mất điểm cao là quân Trung Quốc thường dùng hoả lực pháo binh tập trung bắn phá vào đó với tính chất huỷ diệt. Sau đó mới cho bộ binh tràn lên đánh chiếm lại. Ghi nhận điều đó và cụ nói sẽ đáp ứng cho E153 hoả lực pháo binh hỗ trợ tối đa khi bộ binh có yêu cầu xin pháo.
Lúc này đám lính trong hang cũng đã biết ông già chống gậy mây vào hang đấy là tướng Đan nên tập trung quanh phẫu cũng đông và không khí nói chuyện có vui vẻ hơn nhiều.
Khi cụ hỏi lính về tâm tư nguyện vọng thì tôi nói là:
"Chúng con ở đây lâu rồi. Thủ trưởng nhìn tóc anh em dài như phỉ và giờ chỉ ước ao được nghe văn công hát. Hay hơn nữa là có văn công nữ!".
Người tướng già cũng cười hiền hậu và nói sẽ có văn công lên sớm phục vụ bộ đội ngay tại hang. Tôi thì nghĩ chỉ là câu nói tếu táo trong lúc chuyện trò vui chứ không coi đó là đề xuất, vì thực chất mấy tay lính trơn như tôi sao đề xuất được.
Nếu gọi đúng thì đó chỉ là mơ ước khi thủ trưởng hỏi lính là chúng mày ước mơ gì vào thời điểm đó.
Mấy tay vệ binh vào nhắc thủ trưởng rời hang không sắp đến giờ pháo Trung Quốc bắn chặn vận tải của ta.
Chia tay thủ trưởng, vị tướng già đã đi vào tận nơi chiến sự đang ác liệt để thăm lính, tôi thầm nhớ tới một câu trong Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi "Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào".