Từ Hiệp ước hữu nghị và hợp tác...
Sau Thế chiến II, một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ra đời, hình thành phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Liên Xô, Trung Quốc dẫn đầu để đối lập với phe tư bản chủ nghĩa (TBCN) do Mỹ cầm đầu. Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã từng có thời gian đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau rất có hiệu quả.
Đặc biệt, đối với Việt Nam - nước phải đương đầu trực tiếp với những đế quốc hùng mạnh nên đã nhận được sự giúp đỡ rất tích cực, kịp thời của các nước trong phe XHCN- nhất là từ Liên Xô và Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ thập niên 60 thế kỷ XX, mối quan hệ giữa các nước XHCN bị rạn nứt nghiêm trọng. Giữa Liên Xô và Trung Quốc cũng nảy sinh mâu thuẫn trầm trọng và nước nào cũng muốn kéo Việt Nam phải ngả theo mình với những động cơ rất khác nhau.
Trước tình hình đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã hết sức khôn khéo thực hiện chiến lược ngoại giao cân bằng giữa hai cường quốc nhằm thực hiện được mục tiêu thống nhất đất nước mình.
Khi không lôi kéo và cũng không chỉ đạo được Việt Nam, phía Trung Quốc đã trở mặt.
Sau khi Việt Nam thực hiện thống nhất đất nước, mối quan hệ Việt - Trung ngày càng xấu đi nhanh chóng. Trung Quốc liên tục có những hành động chống phá nước ta về nhiều mặt, thậm chí đã tuyên bố sẽ cất quân "cho Việt Nam một bài học".
Nhìn thấu những âm mưu thâm hiểm của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán, các nhà lãnh đạo Việt Nam quyết tâm giữ vững sự độc lập của mình.
Ngày 3.11.1978, Việt Nam đã ký "Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết".
Ngoài các điều khoản về hợp tác thương mại và văn hóa, hiệp ước có những thoả thuận về quốc phòng như một hiệp ước về "phòng thủ chung" có nghĩa là "tham khảo ý kiến chung và hành động hiệu quả để đảm bảo an ninh quốc phòng của cả hai nước".
Nhìn chung, đây là một bản hiệp ước rất hữu nghị, thể hiện sự tin cậy, thấu hiểu lẫn nhau giữa hai nhà nước. Ngay sau đó, Liên Xô đã có những hành động rất thực tế để thực hiện các điều khoản của hiệp ước như: tăng viện trợ, bổ sung chuyên gia, tiếp thụ và thực hiện các công trình lớn và có ý nghĩa với quốc kế dân sinh mà Trung Quốc bỏ dở (cầu Thăng Long)...
... đến thực tế hành động
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau.
Ngay lập tức, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam: "Việc Trung Quốc tiến công xâm lược Việt Nam chứng tỏ một lần nữa rằng, Bắc Kinh có thái độ rất vô trách nhiệm đối với vận mệnh của hoà bình.
Ban lãnh đạo Trung Quốc sử dụng vũ khí một cách tuỳ tiện, đầy tội ác!.. Những hành động xâm lược đó trái với những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế, càng vạch trần trước toàn thế giới chính sách bành trướng của Bắc Kinh ở Đông Nam Á".
Liên Xô viện dẫn hiệp định ký với Việt Nam, thúc giục Trung Quốc "ngừng trước khi quá muộn" và đòi TQ rút quân lập tức và toàn bộ.
Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, Liên Xô đã lên án cuộc tấn công của Trung Quốc, yêu cầu nước này lập tức chấm dứt "cuộc chiến tranh xâm lược", và cảnh báo Trung Quốc về lòng trung thành của Liên Xô đối với Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Liên Xô - Việt Nam.
Cũng đã có người đặt câu hỏi: "Liên Xô đã ở đâu khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngoài những lời lên án trên? Bản hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa hai nước có giá trị như thế nào trong cuộc xung đột này?...".
Tuy không can thiệp trực tiếp nhưng Liên Xô đã có những hành động hết sức cần thiết để giúp đỡ Việt Nam chống quân Trung Quốc xâm lược:
-Tăng cường viện trợ vũ khí trang bị, lương thực thực phẩm: Ngay sau khi chiến tranh biên giới Trung- Việt bùng nổ, Liên Xô đã viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam một khối lượng trang bị vũ khí lớn, bao gồm các loại vũ khí hiện đại cho cả lục quân, không quân và hải quân.
Trong thời gian diễn ra xung đột, các tàu vận tải Liên Xô và các nước XHCN khác liên tục cập cảng Hải Phòng để dỡ hàng viện trợ cho Việt Nam.
- Tăng cường bổ sung đội ngũ chuyên gia và cố vấn giúp Việt Nam. Nếu như trước đây, Liên Xô chỉ có chuyên gia giúp Việt Nam phát triển kinh tế thì từ sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam, Liên Xô ngoài việc tăng cường chuyên gia kinh tế, kỹ thuật còn cử đến Việt Nam cố vấn quân sự.
- Đồng thời, với mục đích tạo áp lực quân sự lên Trung Quốc, theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, trên tất cả các quân khu vùng biên giới phía Đông, trên lãnh thổ Mông Cổ và trên biển Thái Bình Dương, Quân đội Liên Xô đã tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng và diễn tập hải quân có sử dụng đạn thật từ ngày 12 đến 26.3.
Đây là cuộc diễn tập lớn nhất lịch sử quân sự Liên Xô, có sử dụng lực lượng của 20 sư đoàn binh chủng hợp thành và không quân với 200 nghìn quân nhân, 2.600 xe tăng, 900 máy bay và 80 chiến hạm. Kế hoạch diễn tập đã tiến hành tổ chức các cụm chủ lực không quân công kích trên các quân khu gần biên giới Trung Quốc.
Mô phỏng hình vẽ "Sơ đồ cuộc tiến công xâm lược của quân Trung Quốc (ngày 17-2)", đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân số 6348, ra ngày 18-2-1979.
Sư đoàn đổ bộ đường không từ Tula được vận chuyển vào khu vực Chita trên quãng đường dài 5.500 km bằng máy bay vận tải quân sự trong thời gian 2 ngày.
Các trung đoàn máy bay chiến đấu từ Ukraine và Belarus được cơ động trực tiếp đường không đến các sân bay của Mông cổ.
Trên các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc, gần 50 chiến hạm của Liên Xô, trong đó có 6 tàu ngầm, tiến hành các hoạt động sẵn sàng chiến đấu và đồng loạt triển khai diễn tập các hoạt động tác chiến nhằm tiêu diệt lực lượng hải quân đối phương.
Riêng vùng biển Primorie tiến hành diễn tập đổ bộ đường biển.
Những hành động đó cảnh báo với TQ rằng: Liên Xô luôn tôn trọng tình hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Nếu cuộc chiến tranh xâm lược lan rộng và kéo dài sẽ không loại trừ khả năng Liên Xô sẽ trực tiếp can thiệp quân sự. Và dường như sự cảnh báo này ít nhiều cũng đã làm cho Bắc Kinh phải quan tâm, lo lắng.
Ngoài ra, một bộ phận không quân Liên Xô đảm bảo vận tải trên lãnh thổ Việt Nam. Trong không đầy một tháng, Liên Xô đã tiến hành cơ động 20 nghìn quân của Việt Nam, hơn 1.000 đơn vị trang thiết bị chiến đấu, 20 máy bay quân sự và máy bay trực thăng, hơn 3 nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn và cơ sở vật chất ở Campuchia trở về miền Bắc Việt Nam.
Sự giúp đỡ của Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc rất ý nghĩa.
Ngày nay, tuy Liên Xô không còn nữa song những hành động đó mãi mãi là những kỷ niệm đẹp về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.