Chiến tranh BGPB 1979: Tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian, Việt Nam sẵn sàng phản công lớn

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Hối hả, triền miên, gấp gáp... Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho mục tiêu có đủ lực lượng xe tăng cho các đơn vị tuyến đầu, sẵn sàng giáng trả bọn xâm lược những đòn đích đáng.

Chiến tranh BGPB 1979: Tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian, Việt Nam sẵn sàng phản công lớn - Ảnh 1.

Sau ngày Trung Quốc khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ít hôm, cả một vùng đồi trung du trải dài từ Hương Ngọc, Hương Sơn đến Kim Long, Hướng Đạo của huyện Tam Đảo (bây giờ là Tam Dương và Bình Xuyên) của tỉnh Vĩnh Phúc và Xuân Mai, Hòa Thạch của Chương Mỹ, Lương Sơn thuộc Hà Sơn Bình (bây giờ thuộc Hà Nội) sôi động khác thường.

Ở đây, suốt hàng chục đêm tiếng động cơ công suất lớn cùng với tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian.

Sáng hôm sau, bà con xung quanh chợt giật thót mình bởi ngoài đồi là lổm ngổm những khối sắt thép trùm bạt kín nhưng không thể giấu được những nòng pháo 100 mm nghễu nghện vươn cao. Đó chính là đoàn xe tăng đã khuấy động không gian đêm hôm trước.

Những ngày đó, thực hiện các điều khoản của Hiệp định hữu nghị giữa hai nước, người anh em Liên Xô đã nhanh chóng tổ chức tuyến vận tải đường biển với những tàu thủy trọng tải lớn để tiếp vận trang bị vũ khí cho Việt Nam - trong đó có một khối lượng lớn xe tăng và xe chiến đấu của bộ binh (BMP).

Sau khi tàu cập cảng Hải Phòng, các xe tăng sẽ được đưa lên tàu hỏa chạy về ga Vĩnh Yên. Xe vừa xuống ga lập tức được đưa về giấu trong những quả đồi xanh um bóng cọ hoặc bạch đàn... Còn một số thì được xe chở tăng MAZ537 chở thẳng về hướng Xuân Mai, Hòa Thạch. Kho không còn chỗ nên xe tăng phải đưa lên đồi và trùm bạt kín.

Chiến tranh BGPB 1979: Tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian, Việt Nam sẵn sàng phản công lớn - Ảnh 2.

Một đơn vị pháo của Quân đội Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lấn của Trung Quốc dọc biên giới dài 230 km giữa hai nước ngày 23/2/1979. Ảnh: Getty

Nhằm tăng cường năng lực chiến đấu cho các đơn vị trên tuyến đầu, ngoài việc thành lập các trung đoàn xe tăng trực thuộc quân khu, quân đoàn, Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng mô hình mới: biên chế về mỗi sư đoàn Bộ binh một tiểu đoàn xe tăng (hoặc pháo tự hành). Đồng thời thành lập 3 Sư đoàn Bộ binh cơ giới (BBCG) cho 3 quân đoàn chủ lực.

Chiến tranh BGPB 1979: Tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian, Việt Nam sẵn sàng phản công lớn - Ảnh 3.

Như vậy, gần như cùng một lúc phải thành lập mới mấy chục tiểu đoàn xe tăng.

Trang bị thì đã có rồi song còn con người thì cần phải huấn luyện gấp. Vậy là một loạt đơn vị huấn luyện được thành lập như Đoàn T55 chuyên huấn luyện thành viên xe T55 cho 3 sư đoàn BBCG, Phân hiệu 2 Trường sĩ quan Tăng Thiết giáp (TTG) tại Hương Sơn, Hương Ngọc chuyên huấn luyện các tiểu đoàn bổ sung cho các quân khu, quân đoàn trên biên giới v.v..

Chiến tranh BGPB 1979: Tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian, Việt Nam sẵn sàng phản công lớn - Ảnh 4.

Những ngày này, các bãi tập Đồng Oanh, Hữu Thủ gần như suốt ngày đêm lúc nào cũng ầm ào tiếng động cơ xe tăng cùng tiếng xích sắt nghiến chói tai, bụi đỏ bốc cao mù mịt.

Còn các trường bắn Cam Lâm, Hòa Thạch thì ngoài tiếng động cơ, tiếng xích sắt lại còn điểm xuyết tiếng nổ đạn pháo và những tràng đại liên bất tận.

Hối hả, triền miên, gấp gáp... Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho mục tiêu có đủ lực lượng xe tăng cho các đơn vị tuyến đầu, sẵn sàng giáng trả bọn xâm lược những đòn đích đáng.

Chiến tranh BGPB 1979: Tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian, Việt Nam sẵn sàng phản công lớn - Ảnh 5.

Việc thành lập những trung tâm huấn luyện mới, những đơn vị TTG mới cũng làm cho tình trạng thiếu cán bộ chuyên ngành xe tăng thêm trầm trọng. Tại Trường sĩ quan TTG thời điểm này chỉ có 1 khóa sĩ quan đã học sang năm cuối- đó là Khóa 2 đào tạo sĩ quan dài hạn.

Khóa 2 này chính là khóa tuyển sinh sau chiến thắng 30.4.1975. Quá nửa học viên trong khóa đã từng là chiến sĩ lái xe, pháo thủ, thậm chí là cán bộ trung đội đã đi chiến trường trong giai đoàn 1972- 1974 và trực tiếp tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ năm 1972 và cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975.

Được rèn giũa trong khói lửa chiến trường, có số giờ lái xe và sử dụng trang bị cao, lại có tinh thần tự giác học tập, rèn luyện... nên kết quả học tập của các học viên khóa 2 sĩ quan TTG nhìn chung rất tốt.

Chiến tranh BGPB 1979: Tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian, Việt Nam sẵn sàng phản công lớn - Ảnh 6.

Chiến sỹ xe tăng Trung đội 1, Đại đội 2, Đoàn 407 truy kích quân địch ở thị xã Lạng Sơn tháng 2/1979. (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)

Trước tình hình căng thẳng về thiếu cán bộ, Bộ tư lệnh TTG đã đề nghị lên cấp trên cho phép cho Khóa 2 sĩ quan TTG ra trường sớm khi cần thiết. Tất nhiên là cấp trên đồng ý.

Và thế là, không cần thi tốt nghiệp, cũng chẳng mít tinh chào mừng ra trường, cũng không có những buổi gặp mặt chia tay hay liên hoan tiễn biệt... từng tốp học viên sĩ quan TTG- vì vẫn đeo trên ve áo phù cấp hiệu “sơ mít” (phù cấp hiệu học viên sĩ quan) lẳng lặng lên đường nhận nhiệm vụ.

Có rất nhiều địa chỉ mà các học viên sĩ quan Khóa 2 đang dang dở việc học hành được đưa đến: Đoàn T55, Phân hiệu 2 Trường sĩ quan TTG, Sư đoàn 308, Lữ đoàn 201, các trường bắn Cam Lâm, Hòa Thạch... và đã đến nơi là vào việc ngay, không hề có thời gian thâm nhập, tìm hiểu nhiệm vụ.

Họ cũng đảm nhiệm đủ thứ chức vụ: từ sĩ quan chỉ huy đến trợ lý huấn luyện, từ giáo viên đến cán bộ quản lý học viên... để thực hiện những nội dung mà rất nhiều trong số đó họ chưa được học và chưa được trải nghiệm trong kỳ thực tập tại đơn vị sắp tới nếu chiến tranh không xảy ra.

Tuy nhiên, nhờ bản lĩnh đã được trui rèn, nhờ tinh thần trách nhiệm cao trước nhiệm vụ, đặc biệt là lòng căm thù quân cướp nước, chỉ muốn nhanh chóng lên đường giáng cho chúng những đòn đích đáng nên các học viên Khóa 2 sĩ quan TTG- Khóa học “đi ra từ một cuộc chiến tranh và khi chưa kịp thi tốt nghiệp lại đi vào một cuộc chiến tranh khác” đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Chiến tranh BGPB 1979: Tiếng xích sắt nghiến khuấy động không gian, Việt Nam sẵn sàng phản công lớn - Ảnh 8.

Chiến sỹ ta đứng trên xác xe tăng địch bị bắn nát trên đồi Nà Toòng 1979 (Ảnh tư liệu. Nguồn: Tiền Phong).

Không chỉ có Trường sĩ quan TTG, những tháng năm sôi sục đó cũng có một số giáo viên, học viên của các Học viện, Trường sĩ quan đang đi thực tập chức vụ tại các đơn vị tuyến đầu đã ở lại tham gia chiến đấu. Thậm chí có đồng chí còn được tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Với sự khẩn trương quyết liệt như vậy, chỉ sau vài tháng, hàng chục đơn vị TTG mới đã được thành lập. Tất cả các sư đoàn trấn ải biên cương đều có trong biên chế 1 tiểu đoàn xe tăng hoặc pháo tự hành. Và thật may cho quân xâm lược, nếu chúng còn nấn ná thêm ít ngày nữa chắc chắn chúng sẽ phải hứng chịu những đòn sấm sét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại