Chiến tranh BGPB 1979: Không quân Trung Quốc sợ phòng không Việt Nam mạnh bậc nhất châu Á

Nguyễn Hữu Mão - CCB Trung đoàn tên lửa 263 |

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, không quân Trung Quốc không dám tham chiến là do họ sợ Phòng không - Không quân Việt Nam mạnh và tinh nhuệ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trung Quốc tấn công, Việt Nam đứng trước thử thách to lớn

Ngày 17/2/1979, chiến tranh BGPB 1979 bùng nổ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã động huy động khoảng 60 vạn quân cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép; hàng ngàn khẩu pháo các loại... mở cuộc tiến công trực diện vào lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).

Chiến tranh BGPB 1979: Không quân Trung Quốc sợ phòng không Việt Nam mạnh bậc nhất châu Á - Ảnh 1.

Nhân dân Việt Nam đứng trước thử thách to lớn: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc chưa lâu (1975), hậu quả để lại còn rất nặng nề; lại vừa kết thúc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (12/1978) và đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước.

Mặt khác, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ; các thế lực phản động trong và ngoài nước vẫn ra sức hoạt động chống phá...

Bên cạnh đó, cuộc đụng đầu lịch sử này có tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm của nhân dân hai nước bởi Trung Quốc là nước đã ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về chính trị, vật chất lẫn tinh thần cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cứu nước (chống Pháp, chống Mỹ) trước đây.

Trước thử thách to lớn ấy, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đồng thời khẳng định nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả.

Về chỉ huy tác chiến, phía Việt Nam chủ trương chưa đưa lực lượng dự bị chiến lược vào quyết chiến sớm, cũng không vội rút đại quân từ Campuchia về nước, dễ gây nên sự xáo trộn bất ngờ mà phát huy sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân địa phương, sử dụng lực lượng tại chỗ của Quân khu 1, Quân khu 2 là chính, có sự bổ sung một bộ phận lực lượng từ tuyến sau lên tăng cường.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch điều động dần các binh đoàn dự bị chiến lược của Bộ sẵn sàng thực hành phản công khi cần thiết, chuẩn bị mở những đòn phản công quy mô lớn binh chủng hợp thành.

Thực hiện chủ trương đó, đầu tháng 3/1979, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ra lệnh cho Quân đoàn 2 (cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia) nhanh chóng chuyển toàn bộ lực lượng về phía Bắc Hà Nội tập kết.

Đồng thời, trên cũng ra quyết định thành lập Quân đoàn 5 (ngày 2/3/1979) ngay tại mặt trận biên giới (gồm 4 sư đoàn bộ binh: 3, 338, 327, 337 cùng một số đơn vị kỹ thuật và bảo đảm khác).

Ngoài ra, các đơn vị chủ lực của Quân đoàn 1, Quân chủng Phòng không - Không quân và các binh chủng kỹ thuật khác sẵn sàng tham gia chiến đấu.

Chiến tranh BGPB 1979: Không quân Trung Quốc sợ phòng không Việt Nam mạnh bậc nhất châu Á - Ảnh 3.

Không quân Trung Quốc sợ phòng không Việt Nam

Cho đến lúc này, ta mới chỉ dùng lực lượng Không quân làm nhiệm vụ tiếp tế cho các đơn vị ở tuyến trước bị địch bao vây chia cắt.

Nguyên nhân là một tuần sau khi chiến sự nổ ra, một số đơn vị vũ trang và nhân dân huyện Trùng Khánh và một trung đoàn bộ binh tại khu vực huyện Thạch An (Cao Bằng) đang nằm trong vòng vây của địch, thiếu thốn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Địch bao vây chia cắt hết đường bộ, đường sông. Riêng đơn vị tại huyện biên giới Thạch An thì máy thông tin liên lạc không hoạt động được do hết pin.

Đoàn bay 919 được giao nhiệm vụ đặc biệt này đã dùng máy bay vận tải IL-14 với sự yểm trợ của tiêm kích MiG-21 thả dù tiếp tế cho bộ đội ở huyện Trùng Khánh và hai xã Canh Tân, Minh Khai thuộc huyện Thạch An.

Có một vấn đề được nhiều người quan tâm là tại sao trong thời gian diễn ra chiến tranh biên giới 1979, dù Trung Quốc từng có lúc huy động lực lượng bộ binh lên tới 600.000 quân, hơn 500 xe tăng, cùng hàng ngàn đơn vị pháo các loại, thế nhưng không quân Trung Quốc không hề tham chiến, mặc dù các đơn vị không quân của Quân khu Quảng Châu đã đặt vào tình trạng chiến đấu?

Nếu nói về tương quan lực lượng, Không quân Trung Quốc huy động tổng cộng tới 700 máy bay - tương đương 1/5 lực lượng tập trung gần biên giới. Trong đó nòng cốt là Quân đoàn không quân số 7 và Sư đoàn không quân số 13 (làm nhiệm vụ không vận) đều thuộc Quân khu Quảng Châu.

Còn Không quân của ta dù không có số lượng máy bay tương đương nhưng lại được trang bị tốt hơn và có kinh nghiệm chiến đấu dày dặn.

Chiến tranh BGPB 1979: Không quân Trung Quốc sợ phòng không Việt Nam mạnh bậc nhất châu Á - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-21 của Không quân Việt Nam. Ảnh minh họa.

Bên cạnh các Trung đoàn không quân chủ lực của ta còn được trang bị thêm các máy bay chiến đấu như A-37 và F-5 thu được của Mỹ sau năm 1975, giúp tăng cường đáng kể sức mạnh không quân và khả năng làm chủ bầu trời trong trường hợp xảy ra không chiến.

Về khả năng tác chiến, vào thời điểm này Không quân Trung Quốc chưa thực sự toàn diện mặc dù họ có quy mô lớn hơn. Mặt khác lực lượng này cũng chịu tác động không nhỏ từ các bất ổn bên trong xã hội Trung Quốc vào những năm 1970.

Tới năm 1979, máy bay chủ lực của Trung Quốc vẫn chỉ là J-6 - tức là phiên bản nội địa do Trung Quốc sản xuất của loại MiG-19 - một loại máy bay mà Việt Nam cũng từng sở hữu và quá quen thuộc cũng như có phần lỗi thời vào thời điểm đó.

Trong khi đó Không quân Việt Nam đã nhận được một loạt máy bay MiG-21 từ Liên Xô và các nước XHCN từ năm 1968 - nghĩa là trước cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc hơn 10 năm - một thời gian quá đủ để các phi công của ta tích luỹ được kinh nghiệm chiến đấu để đối phó với loại máy bay xương sống chủ lực mà Trung Quốc đang có thời bấy giờ.

Trang bị khí tài thì như vậy trong khi nhiều tài liệu của Trung Quốc đã ghi nhận chất lượng phi công của nước này rất kém, trong đó kém nhất là lứa phi công được tuyển chọn vào cuối thập niên 60.

Trong 10 năm sau đó, một nửa các vụ tai nạn máy bay chiến đấu mà Trung Quốc gặp phải đều là do lỗi thao tác của phi công.

Chiến tranh BGPB 1979: Không quân Trung Quốc sợ phòng không Việt Nam mạnh bậc nhất châu Á - Ảnh 5.

Tiêm kích J-6 của Không quân Trung Quốc.

Thậm chí, trong năm 1966 thời gian huấn luyện bay của một phi công Trung Quốc chỉ là 24 giờ bay trong một năm, tới năm 1972 mới tăng lên được 40 giờ một năm nhưng phần lớn không được huấn luyện bắn đạn thật và hoàn toàn không có khả năng không chiến.

Chính những lý do trên đã khiến Không quân Trung Quốc phải thận trọng khi tham chiến trong chiến tranh biên giới 1979 mặc cho lực lượng bộ binh của chúng ở dưới mặt đất gặp muôn vàn khó khăn khi vấp phải sự phản kháng quyết liệt của quân và dân ta.

Tuy nhiên, sức mạnh của Phòng không - Không quân Việt Nam không chỉ có các đơn vị không quân tinh nhuệ mà còn có lực lượng phòng không - nhất là các loại khí tài tên lửa đất đối không hiện đại - được đánh giá thuộc loại mạnh nhất châu Á ở thời điểm đó.

Không những thế, với chiến tích đánh bại đủ các loại máy bay hiện đại nhất của Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc nhiều năm trước đó, phòng không Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng khiến Không quân Trung Quốc tương đối lạc hậu có thể phải trả cái giá rất đắt.

Tóm lại, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, không quân Trung Quốc không dám tham chiến là do phía Trung Quốc sợ lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam và cũng chính vì thế mà các đơn vị bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam chưa có dịp cho kẻ địch biết về sức mạnh của mình!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại