Chiến tranh 1979: Trên thực tế, Trung Quốc có huy động không quân hay không?

Hải Vy |

Ngoài lục quân, Bắc Kinh đã đề ra chiến lược để xác định lực lượng không quân nên được triển khai khi nào và như thế nào trong cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979.

Rạng sáng 17/2/1979, Bắc Kinh ồ ạt đưa quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam, mở màn cho cuộc chiến 30 ngày trên địa bàn 6 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Trận chiến kéo dài đã gây cho Việt Nam nhiều thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này (tính từ 17/2 đến 18/3/1979), ta cũng đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực của Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, bắn cháy và tiêu diệt 550 xe quân sự, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng…

Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá.

Chiến tranh 1979: Trên thực tế, Trung Quốc có huy động không quân hay không? - Ảnh 1.

Rạng sáng 17/2/1979, quân đội Trung Quốc "bắn hàng vạn loạt pháo" trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng 60 vạn quân (Ảnh tư liệu: Huanqiu)

Có một điều đáng chú ý là, trong cuộc xâm lược này, Trung Quốc chủ yếu sử dụng lực lượng trên bộ, lục quân được huy động đến hàng chục vạn lính nhưng lại không đưa không quân vào tham chiến.

Tại sao lại như vậy? Phải chăng Trung Quốc chưa bao giờ tính toán đến khả năng dùng không quân đánh Việt Nam.

Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng tôi xin trích dẫn bản chuyên đề “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment” của Tiến sĩ Xiaoming Zhang - Phó Giáo sư Khoa Chiến lược và Lãnh đạo tại Đại học Air War College của Mỹ.

Trong đó, ông Zhang đã phân tích lập trường của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh 1979 với Việt Nam, chiến lược, cũng như các bước chuẩn bị của Trung Quốc cho cuộc xâm lược này.

Trung Quốc toan tính "Dùng dao mổ trâu giết gà"

Trong bản chuyên đề của mình, ông Zhang dẫn lại nhận định của Gerald Segal -  tác giả cuốn “Defending China” cho rằng, động cơ hàng đầu của Trung Quốc khi tấn công Việt Nam là nhằm xác định “tham vọng” của Việt Nam ở Đông Nam Á, cũng như cái mà họ gọi là "mối đe dọa" mà Việt Nam có thể tạo ra đối với an ninh quốc gia Trung Quốc.

Song, tính toán sai lầm về chính trị đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc tự đẩy mình vào thế khó khi phải sáng tạo ra một chiến lược để “trừng phạt” Việt Nam và rốt cuộc, họ đã không bao giờ có cơ hội thành công.

Mục đích được Trung Quốc công khai tuyên bố - “dạy cho Việt Nam một bài học” – thực chất đã truyền đạt mục tiêu trước nhất của họ, đó là “trả đũa”.

Từ đây, Trung Quốc đã giới hạn các mục tiêu của mình. Lãnh đạo quân khu Quảng Châu và quân khu Côn Minh nhận lệnh phải đề ra được một chiến lược hoạt động giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trừng phạt Việt Nam, nhưng phải hạn chế được mức độ trả đũa về cả không gian và thời gian.

Câu hỏi thực sự dành cho các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc là mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học” có thể đạt được tới đâu?

Trước nay, quân đội Trung Quốc thường đặt trọng tâm đặc biệt vào việc tiêu diệt lực lượng chủ lực của đối phương. Một trong những phương thức truyền thống của PLA là triển khai lực lượng vượt trội hoàn toàn so với đối thủ để đảm bảo giành chiến thắng.

Giữa tháng 1/1979, hơn 1/4 số quân đoàn của PLA tập kết tại biên giới Trung Quốc – Việt Nam, tổng cộng hơn 320.000 lính.

Đúc rút từ kinh nghiệm tác chiến của bản thân và dựa trên phong cách tác chiến, cũng như chiến thuật mà PLA đã phát triển trong quá khứ, Hứa Thế Hữu, tư lệnh đại quân khu Quảng Châu- kẻ được Đặng Tiểu Bình bổ nhiệm chỉ huy các chiến dịch từ Quảng Tây - đã đáp lại yêu cầu của lãnh đạo Trung Quốc bằng đề xuất “dùng dao mổ trâu giết gà”.

Chiến tranh 1979: Trên thực tế, Trung Quốc có huy động không quân hay không? - Ảnh 2.

Hứa Thế Hữu, kẻ cầm đầu quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979 (Ảnh tư liệu)

Chiến lược của y gồm 3 thành tố cơ bản: 1/ Các cuộc tấn công phải tập trung vào những phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của đối phương, chứ không phải vào điểm mạnh của họ.

2/ Dùng lực lượng và hỏa lực áp đảo đối phương để phá vỡ mạng lưới phòng thủ của họ vào thời điểm tấn công.

3/ Lực lượng tấn công di chuyển nhanh nhất có thể để thọc sâu và đánh vào trung tâm của đối phương.

Theo cách này, Hứa Thế Hữu kỳ vọng lực lượng của mình có thể “nghiền nát” mạng lưới phòng thủ của Việt Nam thành nhiều mảnh, bẻ gãy sự kháng cự và sau đó tiêu diệt lực lượng Việt Nam.

Dựa trên những nguyên tắc này, Quân khu Quảng Châu và Quân khu Côn Minh đã phát triển các kế hoạch chiến tranh tương ứng, đặt trọng tâm vào việc tiêu diệt các sư đoàn của Việt Nam ở biên giới Trung Quốc.

Không quân Trung Quốc ở đâu?

Ngoài lực lượng lục quân, Bắc Kinh cũng đã đề ra chiến lược để xác định lực lượng không quân nên được triển khai khi nào và như thế nào.

Chiến tranh 1979: Trên thực tế, Trung Quốc có huy động không quân hay không? - Ảnh 3.

Các phi công Trung Quốc trong một đợt huấn luyện với máy bay Q-5 năm 1979. Ảnh: Getty

Theo đó, Không quân Trung Quốc (PLAAF) sẽ giao phó cho 18 trung đoàn và 6 nhóm tác chiến không quân lâm thời nhiệm vụ chuẩn bị hỗ trợ cho các chiến dịch trên mặt đất.

Tuy nhiên, do lo sợ cuộc chiến leo thang sẽ dẫn đến sự trả đũa của Liên Xô, Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) giới hạn phạm vi điều động không quân chỉ ở trong lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời ra lệnh cho các đơn vị không quân sẵn sàng hỗ trợ các chiến dịch trên bộ “nếu cần”, mặc dù không nêu rõ tình huống nào hoặc khi nào thì được xem là “cần thiết”.

Theo yêu cầu trên, bất cứ hoạt động nào bên ngoài không phận Trung Quốc đều phải được sự cho phép của CMC.

Chiến lược của Trung Quốc yêu cầu tất cả các đơn vị không quân phải ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu để hỗ trợ phòng không và tác chiến trên bộ, trong lúc đó tiến hành càng nhiều đợt xuất kích càng tốt trên không phận biên giới giữa hai nước khi cuộc tấn công trên bộ bắt đầu để ngăn Việt Nam triển khai không quân phản công.

Các chuyên viên chỉ huy - điều phối không lưu, điều phối chiến thuật được cử tới các trạm chỉ huy tiền tuyến ở Quân khu Quảng Châu và Quân khu Côn Minh, sở chỉ huy của các quân đoàn và một số sư đoàn lục quân sẽ thực hiện các mũi tiến công chủ lực.

Nỗ lực điên cuồng vào phút chót

Từ cuối tháng 12/1978 - tháng 1/1979, binh lính Trung Quốc cấp tốc tiến hành diễn tập và huấn luyện chiến đấu.

Nhiều binh lính trong số này mới tham gia tuyển quân, trước đó họ hoạt động sản xuất nông nghiệp trong một thời gian dài. Do đó, nỗ lực điên cuồng vào phút chót của Trung Quốc mặc dù cũng có chút tác dụng nhưng chắc chắn không đủ để chúng giành chiến thắng như mong muốn.

Chương trình huấn luyện phần lớn tập trung vào các kỹ năng cơ bản của lính như bắn súng và ném lựu đạn, chỉ có một số ít đơn vị có khả năng tiến hành các bài tập chiến thuật cấp trung đoàn và sư đoàn.

Cuối cùng, đội quân mà PLA chỉ định để tiến hành cuộc xâm lược lại được đào tạo rất nghèo nàn và đã thất bại trong cuộc chiến chống lại Việt Nam - lực lượng vốn dày dạn kinh nghiệm tác chiến đã tích lũy trong suốt 25 năm chiến tranh trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại