Chiến tích phi thường của “Thánh Samurai” và cái chết ly kỳ như thần thoại

Tiểu Mã |

Miyamoto Musashi từng bất khả chiến bại trong suốt cuộc đời của mình và không phải ngẫu nhiên người Nhật Bản lại suy tôn ông là “Vị Thánh của Samurai”.

Samurai là những chiến binh đã tạo ra ảnh hưởng đặc biệt trong các triều đại phong kiến ở Nhật Bản suốt khoảng 700 năm, từ thế kỷ 12 đến năm 1860. Họ cũng chính là những huyền thoại tạo nên nguồn cảm hứng vô tận trong lịch sử thế giới.

Sử sách còn ghi lại chân dung nhiều huyền thoại Samurai có thật. Trong đó, có một người từng được phong "Thánh", là kẻ bất khả chiến bại trong suốt cuộc đời. Người ta cũng gọi ông là "huyền thoại của các huyền thoại". Đó là Miyamoto Musashi.

Sự ngang tàng của "Thần đồng Samurai"

Website Ranker.com khi xếp hạng 10 Samurai có thật vĩ đại nhất lịch sử đã xếp Miyamoto Musashi ở vị trí đầu bảng bởi sinh thời, "Vị Thánh" này đã tạo ra những chiến tích phi thường vượt xa các tiền bối và cũng không một kẻ hậu bối nào có thể sánh kịp.

Miyamoto Musashi sinh năm 1584 (có tài liệu ghi 1582) tại tỉnh Mimasaka. Thân phụ của ông vốn là Shinmen Hirata Munisai - một lãnh chúa ngang tàng, đầu đội trời chân đạp đất, "biên thùy một cõi" trên hòn đảo lớn Kyushu dưới triều đại của Shogun Nobunaga.

Chiến tích phi thường của “Thánh Samurai” và cái chết ly kỳ như thần thoại - Ảnh 1.

Tranh vẽ về Miyamoto Musashi.

Theo trang Niten.org thì Musashi đến với kiếm thuật (kenjutsu) từ khi còn rất nhỏ, dưới sự chỉ dạy từ chính người cha của ông. Đến năm 7 tuổi, Musashi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ và được cậu ruột là một vị hòa thượng mang vào chùa nuôi nấng dạy dỗ.

Nhưng, con đường trở thành "chính quả" của Musashi cũng ly kỳ giống như một câu chuyện thần thoại. Cuộc đời ông trải qua nhiều biến cố thăng trầm với muôn vàn trở ngại và thử thách trong thời kỳ loạn lạc của chế độ phong kiến Nhật Bản cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17.

Theo một số tài liệu ghi lại, đó là thời kỳ mà ở Nhật Bản có tới 8 vạn Samurai vẫn đang "xưng hùng", tranh giành quyền lực. Nhưng bằng những tài năng của mình, Musashi dần trở thành kẻ "Bất khả chiến bại", từng vác song kiếm đi khắp xứ Phù Tang với mục đích tìm cho được một đối thủ xứng tầm nhưng bất thành.

Sử sách ghi lại, vào năm 13 tuổi, Musashi đã lần đầu tiên giết chết 1 đối thủ của mình, người từng được gọi là "đệ nhất dũng sĩ" Kihei. Đó cũng là một Samurai ở ngôi làng lân cận.

Musashi với chỉ một thành kiếm gỗ trong tay đã lấy mạng đối thủ dùng kiếm katana trong vòng 1 phút. Đó cũng là cuộc tử chiến mà Musashi chỉ dùng đúng 1 chiêu nhanh như chớp để đâm vào cổ kẻ thù.

Năm 16 tuổi, Musashi đã đánh bại một chiến binh rất nổi tiếng có tên là Tadashima Akiyama. Đến năm 20 tuổi, Musashi đã trở thành một Samurai khét tiếng của Nhật Bản. Musashi bắt đầu đi khắp đất nước để tìm kiếm và thách đấu những kiếm sĩ giỏi nhất.

Theo Ranker, có lần Musashi còn một mình tiêu diệt một gia tộc kiếm sĩ nổi tiếng Yoshioka. Musashi đã lần lượt hạ gục hàng chục đối thủ mà chẳng hề hấn gì.

Trong khoảng thời gian này, Musashi bắt đầu tập luyện với 2 thanh kiếm và sử dụng nó trong các cuộc chiến đấu. Đây là điều hoàn toàn chưa từng thấy từ trước đó.

Chiến tích phi thường của “Thánh Samurai” và cái chết ly kỳ như thần thoại - Ảnh 2.

Bức họa chân dung huyền thoại Musashi.

Có tài liệu nói rằng Musashi từng bị dân làng địa phương xa lánh và sợ hãi bởi người ta ví ông như một "đứa con của quỷ". Tất cả là bởi bản tính hoang dã, hiếu thắng của Musashi.

Đến khoảng năm 1613, Musashi chính thức trở thành vị Samurai số 1 Nhật Bản sau chiến tích hạ gục Sasaki Kojiro – kiếm sĩ được coi là đối thủ đáng sợ nhất trong cuộc đời của Musashi. Thế nhưng, chính trận chiến này đã trở thành bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của Musashi.

Sau khi giết chết Sasaki Kojiro, Musashi đã thề rằng ông sẽ không bao giờ dùng song kiếm của mình để giết chóc. Bởi, ông không thể dùng thân xác trần trụi để cướp đi sinh mạng của bất kỳ một kiếm sĩ nào nữa.

Kiếm pháp thượng thừa

Ngày xưa, các Samurai khi ra chiến trường thường chỉ mang theo 1 thanh kiếm. Nguyên nhân chính được cho là bởi trọng lượng của mỗi thanh kiếm là rất nặng.

Thế nhưng, Musashi lại được biết đến là người đầu tiên sử dụng một lúc 2 thanh kiếm khi chiến đấu. Tay phải của ông thường dùng thanh Nihon-ken (một thanh kiếm khá dài) và tay còn lại dùng kiếm Wakizashi (với kích thước ngắn hơn). Nhờ hai vũ khí này, ông trở thành "bất khả chiến bại) và từng gắn thêm biệt danh "Nhị đao lưu").

Trong cuộc đời của mình, Musashi chiến đấu khoảng 61 trận (có tài liệu ghi tới 129 trận) và chưa từng thất bại. Nhưng sau lần hạ gục Sasaki Kojiro, Musashi chỉ dùng kiếm gỗ khi giao chiến và ông cũng không bao giờ lấy đi sinh mạng của bất kỳ một đối thủ nào nữa.

Chiến tích phi thường của “Thánh Samurai” và cái chết ly kỳ như thần thoại - Ảnh 3.

Bức tượng khắc họa huyền thoại Musashi.

Các tài liệu ở Nhật Bản thường không mô tả quá chi tiết về việc Musashi sử dụng song kiếm của mình như thế nào nhưng sử sách đã công nhận Musashi là người đã mở lối khai đường cho kiếm pháp Nhật Bản, nâng kiếm thuật lên đỉnh cao kiếm đạo.

Sinh thời, Musashi thường lang bạt khắp nơi với hai bộ quần áo cũ kỹ và một chiếc nón rộng vành, hai thanh kiếm gỗ đã săn cứng lại vì gió sương chiến trận.

Có một lần, ông dùng kiếm gỗ chèo thuyền ra đảo Ogura. Tại đây, ông đã phải nhờ đến ánh nắng của chiều tà và tiếng sóng đập vào ghềnh đá để phân tâm đối thủ và giúp ông đánh bại Kojiro, chưởng môn lừng lẫy của kiếm phái Tadaoki. Đó là lần duy nhất ông phải vận dụng thiên nhiên để cho đường kiếm của mình phá được thế thủ vững chắc của địch thủ.

Cái chết ly kỳ đầy bi tráng

Sau khi lang bạt khắp đất nước mà không tìm được một "kỳ phùng địch thủ", đến năm 59 tuổi, Musashi bắt đầu "rửa tay gác kiếm" và không tham gia bất kỳ một cuộc tỉ thí nào nữa.

Ông quyết định bỏ quê hương vào động đá Reigendo để dành thời gian cho thiền định. Trong thời gian này, ông bắt đầu viết một cuốn sách dài 5 chương. Đó cũng là tác phẩm duy nhất của đời ông. Tác phẩm dày chỉ 10 trang giấy bổn mà ông phải mất hai năm trời mới hoàn thành.

Một tuần sau đó, ông từ giã cõi đời, ung dung và tự tại giải nghiệp để tan biến vào trời đất trong tư thế vẫn ngồi thiền. Năm đó là ngày 19/5/1645.

Chiến tích phi thường của “Thánh Samurai” và cái chết ly kỳ như thần thoại - Ảnh 4.

Tượng đài mô phỏng một cuộc chiến của Musashi trên hòn đảo Funajima.

Theo tạp chí Niken, trước khi chết, ông trao lại cuốn sách và những lời căn dăn dạy cho đệ tử của mình, đó là Terao Magonojo. Musashi có trăn trối rằng khi ông chết, ông muốn được chôn cất cùng một bộ áo giáp yoroi tại làng Yuji gần Núi Iwato.

Điều trùng hợp là trong đám tang khi tiến hành chôn cất cho Musashi, nơi đó có những tia sét rất mạnh tự dưng xuất hiện trên bầu trời và người dân tại địa phương cho rằng vị thần chiến binh Musashi đang được chào đón bởi các vị thần khác…

Chiến tích phi thường của “Thánh Samurai” và cái chết ly kỳ như thần thoại - Ảnh 5.

Ngôi mộ của Musashi trở thành một di tích lịch sử đặc biệt ở Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại