Cả tại hội nghị cấp cao lần thứ 9 của nhóm BRICS vừa diễn ra ở Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) lẫn Diễn đàn kinh tế Phương Đông (EEF) được tổ chức ở Vladivostock (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra ý tưởng mới về giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Vấn đề này trở nên đặc biệt thời sự sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Đối với một số đối tác bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, những động thái mới đây của Triều Tiên chẳng khác gì vượt quá "lằn ranh đỏ", có nghĩa là họ buộc phải hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn trước, phải thực hiện những gì đã tuyên bố trước đó để răn đe và cảnh báo Triều Tiên trong mong chờ là Triều Tiên vì thế sẽ ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa.
Nga vốn không mắc mớ với Triều Tiên như Mỹ và một số đối tác khác, cũng không có ảnh hưởng tới Triều Tiên như Trung Quốc nhưng cũng lại không phải là kẻ ngoài cuộc, vẫn chịu tác động trực tiếp và không thể tránh khỏi bị vạ lây bởi xung khắc giữa Mỹ và Triều Tiên.
Từ góc độ quan hệ của Nga với Trung Quốc, Nga sẽ hậu thuẫn và đồng hành với Trung Quốc trong chuyện liên quan đến Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Nên hòa đồng chứ không cô lập
Ý tưởng của ông Putin là lôi kéo Triều Tiên vào các chương trình quốc tế chứ không tiếp tục cô lập nước này. Định hướng ấy trái ngược với chủ trương đối sách của Mỹ và những đối tác khác, kể cả Trung Quốc đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này.
Mô thức hành xử chung của họ là tiếp tục gia tăng áp lực đối với Triều Tiên cả về chính trị lẫn quân sự và kinh tế, cụ thể là siết chặt mức độ trừng phạt Triều Tiên và đề cao hơn trước khả năng áp dụng cả đối sách quân sự đối với Triều Tiên.
Mỹ tìm cách có nghị quyết mới của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - cấm vận cung ứng dầu khí cho Triều Tiên và doạ sẽ trừng phạt tất cả các đối tác tiếp tục có quan hệ hợp tác kinh tế với Triều Tiên.
Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật và phóng tên lửa. Trung Quốc cũng cho thấy đồng tình với việc tăng cường sức ép đối với Triều Tiên. Đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump còn loại trừ mọi triển vọng tiếp xúc và đối thoại với Triều Tiên.
Trong bối cảnh tình hình như thế, ông Putin xem ra đơn độc với ý tưởng nói trên. Nhưng cách tiếp cận của ông Putin rất đáng được quan tâm vì nó khác với các đối tác kia và khác với trước đó mà rõ ràng phải có cách tiếp cận khác thì mới có thể kỳ vọng được về triển vọng giải pháp cho vấn đề này.
Nếu chỉ cứ tiếp tục như lâu nay thì chắc chắn các bên liên quan không thể cùng nhau thoát ra khỏi tình trạng bế tắc giải pháp lâu nay.
Từ góc độ quan hệ song phương với Mỹ, Nga hiện không thể sẵn sàng giúp Mỹ để Mỹ có thể "ghi bàn" trong vấn đề này, nói theo cách khác thì sẽ không thể có chuyện Nga đáp ứng mọi yêu cầu đòi hỏi và mong muốn của Mỹ liên quan đến Triều Tiên.
Từ góc độ quan hệ của Nga với Trung Quốc, Nga sẽ hậu thuẫn và đồng hành với Trung Quốc trong chuyện liên quan đến Triều Tiên, tức là chỉ phân vai và phối hợp hành động chứ không đối kháng.
Cho nên có thể thấy là Nga sẽ không lựa chọn Mỹ nếu bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Triều Tiên, ít nhất thì cũng vào thời điểm hiện tại.
Ý tưởng của ông Putin bắt nguồn từ hai nhận thức. Thứ nhất, ông Putin nhận ra rằng đối sách xưa nay của tất cả các đối tác liên quan, trong đó có cả Nga, đều không đưa lại được kết quả là Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, ấy là còn chưa nói đến chuyện có khi vì chính đối sách ấy mà Triều Tiên bám giữ bằng mọi giá vào chương trình hạt nhân và tên lửa. Vì thế, các đối tác này bây giờ phải có đối sách khác.
Thứ hai, ông Putin cho rằng vì Triều Tiên cảm thấy bị Mỹ đe doạ an ninh nên phải phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân để đảm bảo an ninh, tức là chương trình này là sự đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ không bị Mỹ và đồng minh tấn công quân sự, chính thể ở đó không bị lật đổ và Triều Tiên không bị họ muốn đối xử như thế nào cũng được.
Bởi vậy, Tổng thống Nga cho rằng Triều Tiên chỉ sẵn sàng từ bỏ chương trình này khi nào thật sự tin rằng không còn bị Mỹ đe doạ an ninh nữa. Ẩn ý của ông Putin ở đây là đối sách của Mỹ xưa nay đã không phát huy được tác dụng và giờ nếu tiếp tục thì chỉ có phản tác dụng.
Từ hai nhận thức này, ông Putin đưa ra ý tưởng đối sách mới nói trên và không đồng tình với ý muốn của Mỹ cấm vận cung ứng dầu khí cho Triều Tiên.
Mỹ sẽ không đồng tình với đề nghị mới này của ông Putin nên những gì được ông Putin vừa khởi xướng ấy hiện chưa thể khả thi.
Dù vậy, chúng vẫn giúp ông Putin gây dựng, khẳng định và tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Nga trong vấn đề Triều Tiên, góp phần kiềm chế Mỹ và Triều Tiên manh động, lại đồng thời còn có thể giúp Trung Quốc bớt khó xử vì nói thay những gì Trung Quốc cũng nghĩ và cũng muốn nhưng lại không thể nói ra được.