Vùng trời phía trên Idlib đã biến thành một "sàn đấu", trong khi cả hai bên sử dụng các chiến thuật cơ bản khác nhau.
Hiệp 1: Không quân Thổ Nhĩ Kỳ biến Quân đội Syria thành con mồi
Quân đội Syria tổn thất nặng nề
Chỉ trong 3 ngày, từ ngày 1 – 3 tháng 3, tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ 2 Su-24, 1 L-39 trong khi máy bay không người lái tấn công (UCAV) của họ tiêu diệt nhiều phương tiện, vũ khí trang bị và binh lính Quân đội Syria (SAA).
Và, thậm chí cho đến ngày 3/3, tại Saraqib, đã có báo cáo rằng có UCAV loại Anki-S của Thổ Nhĩ Kỳ cản trở các đơn vị Syria dọn dẹp thành phố. Chúng lầm lũi hoạt động như những ttay súng bắn tỉa và thậm chí bắn cả vào xe cứu thương.
UCAV Thổ Nhĩ Kỳ đã gây nên một mối đe dọa nghiêm trọng đối với SAA, khiến đà tiến công của bộ binh bị chậm lại, pháo không thể hoạt động bình thường và tổn thất về vũ khí trang bị gia tăng.
Có thể nói, kể từ khi chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" của Thổ Nhĩ Kỳ mở màn (27/2) lực lượng bảo vệ vùng giải phóng của Quân đội Syria tại Nayrab và Saraqib trong trận tái chiếm của liên quân Thổ Nhĩ Kỳ, nói theo ngôn ngữ trên võ đài, "đã ôm đầu máu" và buộc phải rút lui, chấp nhận M5 bị phiến quân cắt đứt lúc đó.
Làm thế nào mà các lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị Nga cấm bay trên vùng trời Idlib lại xuất hiện trong cuộc đối đầu này cho đến nay có vẻ như có sự thành công hơn? Câu trả lời ngắn gọn: Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng một chiến thuật đặc biệt cho việc này, mà quân đội Syria, ban đầu, chưa tìm thấy cách khắc phục, ngăn chặn.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng các máy bay Syria đang cố gắng hạ gục máy bay chiến đấu F-16 của họ. Đây là sự thật, bởi người Syria coi mình có chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu chính đáng của họ.
Nhưng có một thực tế là không quân Thổ Nhĩ Kỳ không bay vào không phận Syria, nơi đã chính thức đóng cửa với họ, và phía Nga không bảo đảm an ninh trên lãnh thổ này.
Tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ dùng chiến thuật gì để gây khó khăn cho SAA?
Chiến thuật đó là: Những chiếc F-16 tấn công từ trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện các chức năng bảo vệ UAV tầm xa, mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng như một phương án thay thế cho không quân tiền tuyến.
Người Thổ Nhĩ Kỳ tự mình sản xuất các loại máy bay không người lái khá tân tiến như Bayraktary và Anka-S. Đáng ngạc nhiên, UAV của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những UAV tốt nhất trên thế giới.
Người Thổ Nhĩ Kỳ đã học cách chế tạo chúng sau khi người Mỹ và người Israel từ chối không cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận thiết kế của mình.
Một chiếc Bayraktar, chẳng hạn, có thể ở trên bầu trời trong 24 giờ liên tục. Anka-S phát hiện ra một vật thể để tấn công, và Bayraktar phóng một tên lửa dẫn đường từ khoảng cách vài km rồi rời đi, còn người điều khiển ngồi trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ (tại cùng trụ sở ở Reyhanli hoặc tại căn cứ Incirlik khét tiếng) tiếp tục ung dung dẫn tên lửa đến mục tiêu.
Hoạt động này được bao phủ bởi một số cặp F-16, thay đổi trên bầu trời tỉnh Hatay dọc biên giới Syria.
Với dữ liệu được truyền từ máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không… thì ngay khi các máy bay Syria cất cánh từ các căn cứ tại Hama hoặc Aleppo, F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ hướng tên lửa vào chúng - và có thể khai hỏa chính xác vào kẻ thù mà không cần rời khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Những chiếc F-16 sử dụng tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM cũ của Mỹ được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không ở cự ly ngoài tầm nhìn.
Đây là một chiến thuật… kiểu Israel, gắn mác Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có một thời kỳ hữu nghị thân mật giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel là "hai quốc gia không phải là người Ả Rập duy nhất ở Trung Đông". Thời kỳ này đã qua, nhưng các phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã học được nhiều điều từ người Israel.
Bằng chiến thuật "ranh ma" này, không quân Israel đã, đang thực hiện khi họ ném bom các mục tiêu của Iran ở Syria. Những chiếc F-16 của Israel xâm nhập từ biển Địa Trung Hải qua không phận Lebanon và phóng tên lửa qua Beirut hoặc Bekaa vào lãnh thổ Syria mà không rơi vào hỏa lực của Syria và không vi phạm các nguyên tắc ngoại giao chính thức.
Thực tế là không thể đối phó với điều này mà không vi phạm các quy tắc ngoại giao. Phòng không Syria không thể bắn hạ máy bay ai đó trên không phận quốc gia khác. Ngoài ra, người Syria không có kinh nghiệm và thói quen chiến đấu ngoài không phận quốc gia. Họ không có đầy đủ các phương tiện chiến tranh điện tử.
Mặt khác, trong khi hệ thống phòng không của Syria chủ yếu bố trí quanh Damascus để chống trả không quân Israel, SAA không ngờ Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng lực lượng và chiến thuật này khi tin rằng vùng trời Idlib đã hoàn toàn cấm bay với không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu như phòng không Syria luôn bất ngờ, bối rối, bị động với chiến thuật đó của Israel thì với Thổ Nhĩ Kỳ, khi những F-16 khai hỏa từ không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì phòng không Syria bó tay, bế tắc, chẳng thể bảo vệ được quân nhà, khiến lực lượng mặt đất của SAA chịu nhiều tổn thất là điều không có gì phải ngạc nhiên.
Không chỉ thế, sự chủ quan, tự mãn không bố trí phòng thủ địch tái chiếm bằng hệ thống hầm hào, công sự, lại yếu kém trong ngụy trang các phương tiện trang bị kỹ thuật như xe tăng, pháo tự hành… đã làm mồi ngon cho UAV hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là nguyên nhân chính để phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tái chiếm thành công Nayrab và Saraqib, gây rất nhiều tổn thất cho SAA.
(Còn tiếp)