Chiến thuật của Mỹ trong gói viện trợ quân sự mới

Tiến Thành |

GD&TĐ -Mỹ công bố gói viện trợ thứ 43 cho Ukraine. Dựa trên thành phần vũ khí trong gói viện trợ mới có thể thấy, Mỹ quyết định thay đổi chiến thuật.

Thiếu đạn dược nghiêm trọng

Theo hãng thông tấn RIA, một phần đáng kể trong số tiền được phân bổ mới 400 triệu USD sẽ được chi cho đạn dược cho các tổ hợp phòng không cỡ nòng khác nhau.

Ví dụ, các lực lượng Ukraine sẽ nhận được đạn tên lửa bổ sung cho các tổ hợp phòng không NASAMS và Patriot.

Trị giá một quả tên lửa NASAMS khoảng 1 triệu USD, một quả đạn của Patriot khoảng 4-5 triệu USD. Kết quả khiêm tốn của lực lượng phòng không Ukraine trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công tên lửa gần đây vào Odessa và Nikolaev cho thấy rằng, Kiev đang thiếu đạn dược nghiêm trọng và kho dự trữ cạn kiệt nhanh chóng.

Mỗi gói viện trợ bao gồm đạn pháo 155mm và 105mm. Có lẽ một phần đáng kể sẽ là loại đạn chùm (cassette). Bởi vì NATO cũng đang thiếu loại đạn thông thường - đạn nổ phân mảnh.

Và đây là một điểm gây tò mò: 28 triệu viên đạn cho vũ khí loại nhỏ. Đây là lần thứ năm Mỹ gửi loại đạn này. Kể từ đầu mùa hè - hơn 130 triệu viên đạn. Con số này gấp nhiều lần so với các gói viện trợ trước đây.

Rõ ràng, Lực lượng Vũ trang Ukraine đang thiếu đạn dược cho súng trường cỡ nòng NATO. Không có sự thay thế nào cho chúng, vì đạn cho súng trường không được sản xuất tại Ukraine.

Trong vài tháng nay, Lầu Năm Góc cung cấp các tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin và TOW, các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) Stinger và các bộ phận cho chúng từ kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Tức là, rất có thể, kho dự trữ đã cạn kiệt. Tình trạng này gây khó khăn cho chính quân đội Mỹ - tổ hợp công nghiệp quốc phòng không thể lấp đầy khoảng trống trong thời gian ngắn.

Phương tiện vận chuyển chiến đấu

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cung cấp 32 chiếc xe bọc thép Stryker. Lực lượng Vũ trang Ukraine đã nhận được khoảng 120 chiếc xe bọc thép loại này. Stryker là một trong những phương tiện gây khó hiểu trong cuộc xung đột.

Bởi Bộ chỉ huy Ukraine hiếm khi sử dụng các xe bọc thép này trong chiến đấu và tổn thất của chúng trong cuộc tấn công là không nhiều.

Có vẻ như Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine đặt cược lớn vào kỹ thuật này. Họ lưu giữ những chiếc xe bọc thép Stryker để giải quyết một số nhiệm vụ đặc biệt.

Trong Quân đội Mỹ, Stryker dành cho các lữ đoàn bộ binh cơ giới, đứng giữa các đơn vị xe bọc thép được trang bị xe tăng Abrams và xe chiến đấu bộ binh Bradley, và các đơn vị bộ binh trên xe bọc thép Humvee.

Vận tốc tối đa của xe thiết giáp này là 97 km/h, khoang chở quân chứa 9 quân nhân mang theo đầy đủ vũ khí. Hệ thống giáp lắp đặt tăng cường có thể chống được đạn pháo nổ phá mảnh cỡ 152mm và vũ khí bộ binh hạng nhẹ.

Nhược điểm của phương tiện này chính là kích thước lớn, khung gầm có bánh xe dễ bị tổn thương, khả năng vượt qua bùn lầy thấp. Cùng với đó là hệ thống hỏa lực yếu gồm: súng máy 12,7mm hoặc súng phóng lựu tự động 40mm.

Để so sánh, xe bọc thép chở quân loại tương tự - BTR-82A của Nga được trang bị cụm pháo tự động dạng module 2A72 cỡ nòng 30mm điều khiển từ xa.

Theo các nhà phân tích, quân đội Ukraine dự kiến ​​​​sẽ sử dụng các kho dự trữ đã tích lũy được trong giai đoạn thứ hai của cuộc tấn công theo hướng Zaporozhye, nếu các đơn vị tấn công vượt qua tuyến phòng thủ của Nga.

Tốc độ cao và khoang chở quân rộng sẽ cho phép bộ binh tấn công nhanh chóng và giành được chỗ đứng ở những vị trí mới. Nhưng cho đến nay hầu như không có sự thay đổi nào ở tiền tuyến.

Gửi xe tăng cũ

Đáng chú ý là trong danh sách này không có các phương tiện kỹ thuật mà Kiev đang rất cần hiện nay để vượt qua các bãi mìn, không có xe bọc thép hạng nặng.

Trước đây, Lầu Năm Góc đã gửi 30 xe chiến đấu bộ binh Bradley cho quân đội Ukraine để thay thế những chiếc xe đã bị phá hủy trong những ngày đầu tiên của cuộc tấn công. Nhưng, sau đó, trong một thời gian dài, họ không nói gì về xe tăng.

Vào cuối tháng 7, một số phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin rằng, xe tăng Abrams sẽ đến Ukraine vào tháng 9. Ở đây nói về một lô nhỏ gồm ba đến năm chiếc xe tăng. Ngoài ra, trước khi đến Ukraine, những chiếc xe tăng này phải được sửa chữa ở Đức.

Trong quá trình binh sĩ Ukraine được hướng dẫn cách sử dụng xe tăng Abrams, việc giao hàng sẽ tăng lên. Xin nhắc lại rằng, Washington đã hứa cung cấp cho Ukraine 32 xe tăng. Và đây không phải là loại xe tăng hiện đại nhất.

Trái với những gì mong đợi, Lầu Năm Góc sẽ cung cấp phiên bản sửa đổi M1A1 chứ không phải M1A2. Abrams M1A1 được thiết kế vào thời Chiến tranh Lạnh và đã được sử dụng trong Chiến dịch Bão táp sa mạc.

Hiện những chiếc xe tăng này đang ở trạng thái nào là một câu hỏi lớn.

Hơn nữa, lớp giáp của những chiếc Abrams đầu tiên có khả năng chống lại vũ khí chống tăng của nửa sau thập niên 1980. Kể từ đó, công nghiệp quốc phòng Nga đã tạo ra nhiều loại vũ khí chống tăng hiện đại hơn.

Ngoài ra, quân đội Ukraine sẽ nhận các mẫu đơn giản hóa nghiêm trọng. Không có lớp giáp uranium nghèo, không có thiết bị chụp ảnh nhiệt hiện đại và thiết bị ngắm ban đêm, cũng như thiết bị thông tin.

Trên thực tế, đây là loại xe tăng đã ra đời vào giữa thập niên 1980 mà đối thủ trực tiếp của nó là T-72B của Liên Xô. Ngày nay, Nga có T-72B3M, T-80UBM và T-90M tiên tiến hơn nhiều, vượt qua M1A1 về các đặc tính chiến đấu cơ bản.

Clip phòng không Ukraine tuyên bố đánh chặn tên lửa hành trình Nga

Tuy nhiên, nếu được sử dụng khéo léo trong chiến đấu, một phương tiện lỗi thời cũng có thể rất hiệu quả. Ví dụ, những chiếc T-62 cũ kỹ hóa ra lại là loại pháo cơ động và bọc thép khá tốt, tấn công từ các vị trí cố định.

Hơn nữa, Nga sở hữu khá nhiều xe tăng loại này, đủ để ảnh hưởng đến tình hình, điều không thể nói về khoảng ba chục chiếc xe tăng từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại