Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Gần đây rộ lên nhiều thông tin về cách thức Nga áp dụng để vô hiệu hóa các hệ thống radar phòng không của Ukraine do NATO cung cấp.
Theo đó, Nga đầu tiên phóng các quả tên lửa Iskander và Kalibr để dẫn dụ hệ thống radar Ukraine, làm chúng phát tín hiệu. Sau đó, khi đã phát hiện mục tiêu bị lộ của đối phương, Nga sẽ phóng tiếp tên lửa chống bức xạ (ARM) để hạ các radar này.
Có khả năng không quân Nga phóng các tên lửa chống bức xạ tầm xa Kh-31PD từ các máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35S.
Phi công kỳ cựu của không quân Ấn Độ Vijainder K Thakur không loại trừ Nga áp dụng chiến thuật trên.
Ông cho rằng chiến thuật đó là "khả tín và logic". Nhưng đồng thời, Thakur nhắc nhở về khả năng Nga phóng đại vấn đề này để gây hiệu ứng tâm lý với đối phương, bao gồm cả Ukraine lẫn những nước viện trợ vũ khí cho Ukraine.
9K729 Iskander là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn cơ động trên đường bộ, được Nga sử dụng phổ biến để tấn công chiến thuật.
Trong khi đó, 3M-54 Kalibr, là tên lửa hành trình phóng từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm, có thể dùng để tấn công mục tiêu trên bộ hoặc trên biển.
Chuyên gia Thakur nhận định, có khả năng Nga sử dụng tên lửa Kh-55 SM mang đầu đạn không có thuốc nổ để làm mồi nhử. Radar phòng không Ukraine được kích hoạt để nghênh chiến với các tên lửa đó sẽ tự bộc lộ vị trí trước các tiêm kích Su-35S trang bị tên lửa Kh-31.
Tên lửa Kh-31A là biến thể của tên lửa hành trình săn hạm sử dụng dẫn đường quán tính để tìm mục tiêu.
Còn tên lửa Kh-31P là phiên bản tên lửa chống bức xạ được phát triển riêng để loại bỏ các radar đối phương đang trong chế độ kích hoạt, bao gồm radar kiểm soát đường bay, radar cảnh báo sớm, và cả các hệ thống SAM (tên lửa đất đối không) tầm trung và tầm xa.