Tròn 5 năm tham dự vào cuộc nội chiến Syria, Nga đã giành thắng lợi huy hoàng dù cũng phải đối mặt với tổn thất không nhỏ. 5 năm tham gia nội chiến, Nga không chỉ đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn giành được vị thế cao trên trường quốc tế. Tuy vậy, mức độ thành công mà họ đạt được có thể khác nhau trong mắt của các chuyên gia.
Chiến thắng IS và bảo vệ ngôi vị cho Tổng thống Assad
Lần đầu tiên Nga tuyên bố triển khai các hoạt động quân sự ở Syria vào ngày 30/9/2015. Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đó cho biết mục tiêu khi Moscow tham chiến ở Syria là nhằm triệt phá tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS). Đây là hoạt động quân sự lớn nhất và dài nhất của Moscow kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Kế hoạch ban đầu của Nga chỉ nằm ở việc hỗ trợ trên không cho quân đội Syria. Tuy nhiên, sau đó, do lực lượng mặt đất của Syria còn hạn chế nên Nga điều động thêm các đơn vị bộ binh đặc biệt tham gia.
Grigory Lukyanov, chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga và là giảng viên tại Moscow, tin rằng chiến đấu chống khủng bố thực sự là lý do khiến Nga tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria, đúng như ông Putin tuyên bố. “Và thực sự đã có một chiến thắng ngoạn mục trước IS”, ông Lukyanov nhận định.
Ông Lukyanov phân tích Syria sẽ khó lòng tồn tại nếu không có sự hỗ trợ quân sự của Nga và Tổng thống Bashar Assad sẽ không còn là lãnh đạo của quốc gia Trung Đông nếu không có sự giúp sức từ Moscow.
Chuyên gia này cũng cho biết Nga bắt đầu triển khai các đợt tấn công chống khủng bố ở Syria sau khi Syria kêu gọi sự giúp đỡ. Tuy nhiên, ông này thừa nhận rằng Moscow đã không thể kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng như dự tính.
Trong khi đó, Markus Kaim, một chuyên gia tại viện Quốc tế và An ninh Đức (SWP) có trụ sở tại Berlin, cũng tin rằng Nga đã đạt được các mục tiêu của mình ở Syria. Nhưng sự can dự của Moscow trong khu vực cũng còn vì nhiều lý do khác.
"Mục tiêu đầu tiên là Nga quay trở lại Trung Đông với tư cách là một “tay chơi” quyền uy sau sự sụp đổ của Liên Xô. Giờ Nga không chỉ trở lại Syria mà còn ở Libya. Và như vậy giờ các đối thủ không có cách nào để tiếp cận xung quanh nước Nga nữa", chuyên gia cho biết.
Mục tiêu thứ hai của Moscow, theo ông Kaim, là nhằm ngăn chặn "những gì được coi là một cuộc cách mạng bất hợp pháp trong khu vực lân cận Moscow". Điều này hàm ý rằng phe đối lập Syria đang cố gắng lật đổ Tổng thống Assad. Ông Kaim nhớ lại rằng vào mùa thu năm 2015 đã có những lo ngại trước việc chính quyền ông Assad sẽ sụp đổ trong vòng vài tuần.
Và lý do thứ ba, theo ông Kaim đó là việc Moscow muốn chứng minh rằng họ có khả năng đảm nhiệm những nhiệm vụ to lớn như vậy ở một quốc gia khác và họ đã thành công và có những thử nghiệm hệ thống vũ khí mới trong quá trình này.
Nga từng nhiều lần xác nhận điều này. Moscow từng tuyên bố họ đang thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới ở Syria, bao gồm xe tăng chiến đấu T-14 Armata thế hệ tiếp theo và các hệ thống mới cho lực lượng không quân của mình.
Món quà ngoại giao
Có một điều các chuyên gia đều tin rằng sự can dự quân sự của Moscow vào Syria đã góp phần củng cố vị thế của nước này trong khu vực.
Theo ông Lukyanov, "sự hiện diện của Nga ở Syria giúp ích lớn cho chính sách Trung Đông và châu Phi của Moscow". Ông Lukyanov nhận định việc triển khai lực lượng đến Syria đã mang lại cho Nga những mối quan hệ mới với các quốc gia khác trong khu vực, những nước hiện coi Moscow là một người chơi có ảnh hưởng trong khu vực.
Chuyên gia này cũng cho rằng sự hiện diện của Nga ở Syria cũng đóng một vai trò lớn trong sự hình thành mối quan hệ ngoại giao mới và có ảnh hưởng quan trọng đến Tiến trình hòa giải Astana. Nga đã tổ chức các cuộc thảo luận về tình hình ở Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Mặc dù có những giai đoạn căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Ankara, gần đây nhất là hồi đầu năm khi xung đột leo thang ở tỉnh Idlib và một số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng nhưng hai bên đã đạt được thỏa thuận.
Ông Kaim cũng cho rằng, việc Nga can dự quân sự đã hình thành nên những ảnh hưởng ngoại giao trong khu vực. Ông gọi các cuộc đàm phán hòa bình Astana nhằm hướng tới một trật tự Syria thời hậu chiến là "một giải pháp thay thế hiệu quả cho những nỗ lực trước đây của Liên hợp quốc."
Tuy nhiên, lợi ích ngoại giao của Nga cho đến nay chỉ giới hạn ở Trung Đông. Nhiều nhà quan sát từ đầu cuộc xung đột ở Syria đã cho rằng Nga sẽ có thể sử dụng mặt trận ngoại giao này để phá vỡ thế cô lập của chính mình sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Thành công của Nga ở Syria không giúp Moscow bình thường hóa mối quan hệ với phương Tây nhưng lại góp phần tạo quan hệ mới với các nước trong khu vực Trung Đông, ông Lukyanov nhận định.
Bài toán chi phí
Không ai có thể đoán được rằng Nga đã chi phí bao nhiêu tiền khi tham chiến ở Syria, tính đến thời điểm hiện tại và Moscow hiện vẫn đang phải chi tiêu tốn kém cho sự can dự quân sự của mình nơi đây.
Các phương tiện truyền thông Nga từng đưa tin Moscow phải bỏ ra 156 triệu rúp mỗi ngày (khoảng 1,99 triệu USD). Tuy nhiên, không giống các cuộc tham chiến khác, sự tham gia của Moscow vào Syria không bị phản đối nhiều, vì số người thương vong khá ít.
Theo ông Kaim, Nga đang cố gắng để EU tham gia nhiều hơn vào tiến trình tái thiết Syria, nhưng đại dịch Covid-19 đang ngăn cản nỗ lực của Moscow.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng nhất quan điểm rằng Nga sẽ không sớm rời Syria. Theo ông Lukyanov, nếu Nga rời khỏi Syria, một số thỏa thuận với các đối tác trong khu vực sẽ đổ vỡ. Trong khi đó, ông Kaim tin rằng Nga muốn tiếp tục can dự quân sự vào Syria trong thời điểm hiện tại và coi nước này như một tiền đồn ảnh hưởng của Nga.
Nga thực sự đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria để có thể sở hữu lâu dài căn cứ không quân Hmeimim, bên cạnh căn cứ hải quân đã tồn tại từ thời Liên Xô gần cảng Tartus.