Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: AP
Tòa án cho rằng yêu cầu hồi năm 2016 từ Bộ Tài chính Thái Lan là thiếu cơ sở pháp lý vì bà Yingluck không phải chịu trách nhiệm cho cáo buộc tham nhũng do các quan chức khác thực hiện chương trình trên.
Theo phán quyết của tòa án, Bộ Tài chính Thái Lan đã không chứng minh được bà Yingluck chịu trách nhiệm trực tiếp cho khoản thâm hụt tài chính trong chương trình trợ giá lúa gạo.
Chính quyền bà Yingluck bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014. Cựu thủ tướng bị kết án vắng mặt 5 năm tù vào năm 2017 vì cáo buộc lơ là trách nhiệm trong thực hiện chương trình trợ giá lúa gạo nói trên. Bà Yingluck rời khỏi Thái Lan trước ngày tuyên án và cáo buộc vụ án mang động cơ chính trị.
Theo hãng tin AP, chương trình trợ giá lúa gạo là một chính sách lớn giúp đảng Pheu Thai của bà Yingluck giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011. Theo chương trình, chính phủ trả cho nông dân khoảng 50% nhiều hơn so với mức họ nhận được theo giá trên thị trường toàn cầu, với ý định tăng giá gạo bằng cách tích trữ gạo trong kho.
Tuy nhiên, các quốc gia sản xuất lúa gạo khác đã chiếm thị phần gạo quốc tế với giá cạnh tranh hơn. Thái Lan sau đó mất vị trí nhà xuất khẩu gạo dẫn đầu thế giới và một lượng lớn gạo không bán được bị tồn đọng trong các kho của chính phủ.
Những người chỉ trích bà Yingluck cho rằng chương trình trợ giá lúa gạo là một nỗ lực chính trị nhằm lấy lòng ác cử tri nông thôn bằng ngân sách nhà nước.
Cả bà Yingluck và anh trai Thaksin Shinawatra, cũng là cựu thủ tướng bị lật đổ trong đảo chính của Thái Lan, đều đang sống lưu vong ở nước ngoài.