Chiến thắng không ai có thể giải mã: Thiết giáp hạm mà đánh chìm được cả tàu sân bay.

Quang Hưng |

Lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử, thiết giáp hạm có thể đánh chìm được một tàu sân bay trong chiến tranh và cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng nào cho thảm kịch này

Vào ngày 8/6/1940, tàu sân bay HMS Glorious và các tàu hộ tống đi cùng đã bị phục kích bởi hai tàu tuần dương của Đức là Scharnhorst và Gneisenau ở Biển Na Uy. Chiếc tàu sân bay của Anh, không có radar và máy bay tuần tra chiến đấu trên không nên đã bị bất ngờ. Mặc dù các tàu khu trục Ardent và Acasta đã cố gắng chiến đấu để bảo vệ tàu sân bay, nhưng cả hai đều bị đánh chìm cùng với Glorious.

Vào lúc 4 giờ chiều ngày 8/6/1940, tàu sân bay HMS Glorious đang di chuyển về phía tây qua Biển Na Uy hướng tới căn cứ hải quân Scapa Flow của Anh, thì người quan sát trên tàu phát hiện hai đốm sáng màu xám cách đó hơn 15 km trên đường chân trời.

Chiến thắng không ai có thể giải mã: Thiết giáp hạm mà đánh chìm được cả tàu sân bay.- Ảnh 1.

Nguyên nhân thảm kịch

Glorious và hai tàu khu trục hộ tống vẫn chưa có radar, vì vậy Đại úy D'Oyly Hughes đã ra lệnh cho tàu khu trục Ardent quay lại và quan sát bằng mắt thường. Chỉ trong vài phút, các thủy thủ Anh kinh hoàng phát hiện ra rằng, những chấm nhỏ vô hại này chính là các tàu tuần dương Gneisenau và Scharnhorst của Đức.

Mọi người đều hiểu rằng, các tàu chiến thông thường được trang bị những khẩu pháo lớn có thể bắn những quả đạn pháo khổng lồ vào các tàu khác từ khoảng cách vài chục km. Nhưng một tàu sân bay thường mang theo khoảng một trăm máy bay, chúng có thể tấn công các mục tiêu cách xa hàng trăm km bằng ngư lôi và bom.

Chiến thắng không ai có thể giải mã: Thiết giáp hạm mà đánh chìm được cả tàu sân bay.- Ảnh 2.

Trong thời đại công nghệ radar còn sơ khai, máy bay là công cụ hiệu quả nhất để do thám những vùng biển rộng lớn nhằm xác định vị trí của hạm đội đối phương. Với lợi thế này, tàu sân bay dễ dàng đánh chìm các thiết giáp hạm và tàu tuần dương. Đổi lại, các thiết giáp hạm hầu như không bao giờ thành công trong việc tiếp cận một chiếc tàu sân bay.

Glorious là một trong những tàu sân bay đầu tiên có mái phẳng từng được chế tạo, con tàu được chuyển đổi từ một tàu tuần dương chiến đấu lớp Courageous vào năm 1924. Glorious dài 224 mét và chỉ có thể mang theo một phi đội nhỏ gồm bốn mươi tám máy bay. Glorious lần đầu tham chiến trong Thế chiến II, với vai trò yểm trợ trên không cho lực lượng viễn chinh Đồng minh chiến đấu tại Na Uy.

Vào ngày 8/6/1940, Glorious đang trên đường di chuyển đến Scapa Flow và chỉ có hai tàu khu trục hộ tống. Hải quân Hoàng gia Anh cho rằng điều này là để tiết kiệm nhiên liệu. Trong quá trình di chuyển, cũng không có máy bay nào được điều động để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không, cũng không có máy bay nào sẵn sàng trên sàn bay. Tháp quan sát của tàu sân bay cũng không có người và chỉ có mười hai trong số mười tám nồi hơi của tàu đang hoạt động, điều này đã hạn chế tốc độ của con tàu.

Những quyết định sai lầm này đã góp phần tạo nên thảm kịch, vì cùng ngày hôm đó, Hải quân Đức đã điều động hai tàu tuần dương hạng nặng Scharnhorst và Gneisenau tham gia Chiến dịch Juno, với mục tiêu ngăn chặn các tàu di tản của Đồng minh khỏi Nauy.

Chiến thắng không ai có thể giải mã: Thiết giáp hạm mà đánh chìm được cả tàu sân bay.- Ảnh 3.

Diễn biến của cuộc chiến

Vào đầu ngày hôm đó, các tàu tuần dương Đức đã đánh chìm một tàu chở dầu và một tàu đánh cá. Vào lúc 3 giờ 45 phút chiều, thủy thủ đoàn trên các tàu chiến Đức đã phát hiện khói từ ống khói của các tàu chiến Anh và tăng tốc để thu hẹp khoảng cách. Sau khi phát hiện ra các tàu chiến Đức, thuyền trưởng D'Oyly đã bắt đầu cho máy bay ném bom Swordfish lên sàn bay lúc 4 giờ 20 phút.

Chỉ bảy phút sau, Scharnhorst khai hỏa vào tàu hộ tống Ardent và làm vỡ một nồi hơi của con tàu. Con tàu nhỏ hơn nhiều này ngay lập tức tạo ra một màn khói ngụy trang để phóng ngư lôi đánh trả tàu Đức. Các tàu khu trục của Anh được trang bị pháo nhỏ nên tầm bắn và sức xuyên phá của đạn không thể đe dọa các tàu chiến Đức, nhưng ngư lôi của chúng có thể gây ra thiệt hại nếu bắn trúng mục tiêu.

Sau đó, Scharnhorst bắt đầu bắn những loạt đạn lớn vào chiếc tàu sân bay. Năm phút sau, Scharnhorst đã bắn trúng sàn bay của Glorious ở khoảng cách 25 km, tạo ra một lỗ thủng lớn khiến sàn bay bị vô hiệu hóa và đánh bật hai máy bay ném bom Swordfish xuống biển. Các mảnh vỡ cũng đâm thủng một nồi hơi của tàu sân bay, khiến con tàu di chuyển chậm lại.

Chiến thắng không ai có thể giải mã: Thiết giáp hạm mà đánh chìm được cả tàu sân bay.- Ảnh 4.

Vào thời điểm đó, Glorious đã truyền đi một thông điệp cấp cứu được tàu tuần dương hạng nặng HMS Devonshire cách đó 80 km thu được. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, Hải quân Anh cũng đang bí mật di tản gia đình hoàng gia Na Uy đến Vương quốc Anh và các tàu chiến được lệnh phải giữ im lặng vô tuyến, vì vậy mà thông điệp cầu cứu đã không được chuyển đi.

Vào lúc 5 giờ chiều, một quả đạn pháo đã đánh trúng vào tháp chỉ huy của tàu sân bay, giết chết D'Oyly và hầu hết ban chỉ huy. Tàu Ardent cũng bị trúng đạn và bốc cháy dữ dội khi đang cố gắng phóng loạt ngư lôi thứ 7, con tàu đã lật úp 25 phút sau đó. Vào lúc đó, tàu sân bay Glorious bị nghiêng và quay vòng, trong khi pháo Đức vẫn bắn liên tục.

Thay vì rút lui khỏi cuộc chiến vô vọng, chiếc tàu hộ tống còn lại, Acasta đã tách khỏi Glorious và dũng cảm tấn công tàu Gneisenau của Đức. Con tàu 1.300 tấn đã hứng chịu nhiều đòn tấn công từ hai tàu tuần dương nặng 40.000 tấn. Tuy nhiên, một trong những quả ngư lôi của Acasta đã đánh trúng Scharnhorst, xé toạc một lỗ rộng 12 mét trên thân tàu, khiến hơn hai nghìn tấn nước tràn vào, vô hiệu hóa tháp pháo phía sau tàu, giết chết bốn mươi tám thủy thủ và làm hỏng trục chân vịt bên mạn phải của nó.

Sau đó, các tàu tuần dương Đức đã đáp trả dữ dội và tàu Acasta bị đánh chìm lúc 6 giờ chiều. Đến lúc đó, chiếc Glorious nghiêng hẳn về mạn phải và chìm dần. Các tàu chiến Đức sau đó vội vã rời khỏi hiện trường mà không cứu những thủy thủ Anh sống sót. Scharnhorst lết về được đến cảng nhà, con tàu nghiêng năm độ và phải mất 6 tháng tiếp theo ở Trondheim, Na Uy để sửa chữa. Hải quân Hoàng gia Anh dường như vẫn không biết về trận chiến và không có nỗ lực cứu hộ nào, chỉ biết được những gì đã xảy ra sau khi Đức tuyên bố chiến thắng.

Chỉ có một thủy thủ trên tàu Ardent, hai người trên tàu Acasta và ba mươi sáu người từ tàu sân bay Glorious sống sót, họ được lực lượng Na Uy và Đức sau đó cứu vớt. Tổng cộng, 1.596 thủy thủ Anh đã thiệt mạng, nhiều người chết cóng khi đang chờ được giải cứu.

Trong nhiều thập kỷ, Hải quân Hoàng gia Anh chỉ đưa ra một lời giải thích mơ hồ về thảm họa trên. Đến năm 1980, nhà sử học Stephen Roskill đã xuất bản một bài báo cho rằng, chính sự chỉ huy kém của Đại úy D'Oylyy đã dẫn đến thảm kịch này. Thất bại đau đớn này vẫn tiếp tục gây tranh cãi và thậm chí là bị chất vấn trong Quốc hội nhiều thập kỷ sau đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại