Theo Reuters, Đảng Dân chủ sẽ tận dụng quyền đa số tại Hạ viện Mỹ để đảo ngược những chính sách ngoại giao được ông Trump khởi xướng và được Đảng Cộng hòa thông qua. Bằng cách đó, đảng Dân chủ sẽ đẩy mạnh những chính sách cứng rắn với cả Nga, Ả Rập Saudi và Triều Tiên.
Ông Eliot Engel - một đại diện phe Dân chủ với tiềm năng trở thành Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - cho biết đảng này có thể sẽ thúc đẩy việc triển khai sức mạnh quân sự Mỹ tại Iraq và Syria. Nhưng với những khu vực "nóng" khác, như Trung Quốc và Iran, ông Engel thừa nhận rằng khó có thể tạo nên sự thay đổi rõ rệt.
Lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát Hạ viện với 435 thành viên kể từ năm 2011, đảng Dân chủ sẽ quyết định điều luật nào được đưa thảo luận và sẽ đóng vai trò lớn hơn trong những khoản điều chỉnh ngân sách và lập pháp.
"Tôi không nghĩ chúng tôi nên thách thức chính quyền hiện tại, nhưng chúng tôi có nghĩa vụ phải rà soát lại các chính sách," ông Engel trả lời.
Ảnh minh họa: iStock Photo
Đảng Dân chủ nhìn nhận nước Nga như thế nào?
Phe Dân chủ dự định sẽ thực hiện các cuộc điều tra liên quan tới Nga, đặc biệt là nghi vấn về mối quan hệ giữa ông Trump và Nga.
Từ phía chính sách, Hạ viện sẽ tăng cường trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ và những hoạt động "hung hăng" của Nga tại Ukraine cũng như can thiệp của Nga trong cuộc nội chiến Syria.
Hạ viện dưới quyền đảng Dân chủ sẽ áp dụng các cấm vận, bao gồm các biện pháp nhằm vào những khoản nợ mới của Nga. Các thành viên Hạ viện cũng đòi hỏi có nhiều thông tin hơn sau cuộc gặp riêng của ông Trump với tổng thống Nga Vladimir Putin vào mùa hè năm ngoái. Nhà Trắng đã tiết lộ rất ít thông tin về cuộc gặp này.
Ông Trump gặp ông Putin tại Helsinki. Ảnh: ANATOLY MALTSEV/EPA-EFE/REX/SHUT
"Thật kì cục khi có cuộc gặp ở mức cấp cao như vậy và Quốc hội chẳng nắm được thông tin gì," ông Engel nói.
Ngoài ra, việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 "vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn".
Ả Rập Saudi và vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Bên cạnh cuộc chiến tại Yemen, làn sóng phản đối sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul đã khiến những nhà lập pháp Mỹ thêm "chán nản" với Ả Rập Saudi.
Hạ viện của Đảng Dân chủ sẽ vận động ngừng các thỏa thuận vũ khí với Riyadh, khiến Nhà Trắng khó có thể đạt được hợp đồng về năng lượng hạt nhân và gây thêm trở ngại cho hoạt động tiếp tế của Mỹ cho các chiến dịch quân sự tại Yemen.
Mặc dù ông Engel vẫn cho rằng Ả Rập Saudi là đối trọng quan trọng với ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, ông khẳng định Washington phải đòi hỏi nhiều hơn từ Riyadh. "Nếu Saudi muốn được hỗ trợ, thì họ cũng phải đưa ra lợi ích hợp lí cho Mỹ".
Đảng Dân chủ sẽ không muốn hòa bình với Triều Tiên?
Đảng Dân chủ rất kiên quyết về việc thu thập những thông tin trong các cuộc gặp giữa tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vì lo ngại rằng ông Trump đã "cho" ông Kim quá nhiều vì quá nóng vội để đạt được "thỏa thuận vĩ đại".
Ông Trump trong cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AP
Ông Engel và những thành viên Dân chủ khác dự định sẽ kêu gọi các quan chức chính quyền làm chứng công khai - và bí mật - về nội dung của những cuộc trò chuyện. Nhưng cùng lúc, đảng Dân chủ sẽ không "làm quá" để tránh bị coi là can thiệp quá mức vào công tác ngoại giao và nỗ lực ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.
"Tôi nghĩ thật tốt khi chúng ta có thể đối thoại với họ [Triều Tiên]. Nhưng chúng ta cũng không thể nghĩ đơn thuần rằng họ thực sự thay đổi," ông Engel chia sẻ.
Đảng Dân chủ có thể thay đổi được Trung Quốc?
Trung Quốc là mục tiêu chung của cả hai đảng lớn tại Mỹ. Các thành viên Đảng Dân chủ nổi bật - ví dụ như Adam Schiff, người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện - đã hợp lực cùng đảng Cộng hòa trong việc kiểm soát Trung Quốc. Cụ thể, nhiều điều luật đã được đưa ra thảo luận để đối phó với các hãng công nghệ ZTE và Huawei vì mối lo ngại an ninh mạng.
Nhưng ông Engel và các quan chức khác cũng thừa nhận rằng Trung Quốc là đối tác không thể thiếu trong vấn đề Triều Tiên. "Chúng ta cần phải thận trọng," ông Engel nói.
Cũng như những thành viên đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ cũng không hoàn toàn nhất quán về chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Một số người cho rằng tự do thương mại sẽ tạo ra công ăn việc làm, trong khi những người khác khẳng định thuế quan đã giúp bảo vệ nhân công và các ngành công nghiệp lớn như sắt thép và sản xuất.
Hi vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran?
Đảng Dân chủ đã rất bất bình khi ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran - một thành tựu chính quyền ông Obama đạt được hồi năm 2015. Nhưng phe Dân chủ sẽ khó thay đổi được chuyện này khi đảng Cộng hòa vẫn làm chủ Nhà Trắng.
Các nhà lập pháp cũng tỏ ra rất thận trọng để không tỏ ra quá thân thiện với Iran. Bên cạnh đó, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu làm việc chủ yếu với các thành viên đảng Cộng hòa, thì mối quan hệ song phương Mỹ - Israel vẫn là chuyện được cả hai đảng ưu tiên.
Ông Engel là một trong những người đảng Dân chủ phản đối thỏa thuận Iran, nhưng ông cho rằng ông Trump nên hợp tác chặt chẽ hơn với những đối tác quan trọng - ví dụ như các nước thuộc EU. "Tôi nghĩ chúng ta nên khôi phục những tổn hại gây ra tới các nước đồng minh," ông Engel kết luận.