Năng lực ấn tượng bộc lộ qua vụ ám sát
Trước thềm Tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhiệm sở, căng thẳng một lần nữa lại gia tăng ở Trung Đông. Đây có vẻ không phải là một năm yên ổn với Iran.
2020 mở màn với vụ ám sát Tướng Qassem Soleimani – chỉ huy lực lượng Quds, Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) và khép lại với vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh hôm 27/11 – người được cho là cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran.
Giữa 2 vụ ám sát này, Iran còn hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế và các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.
Iran cáo buộc Mỹ đã thực hiện vụ ám sát Tướng Soleimani và Washington đã công khai nhận trách nhiệm về vụ việc. Tehran cũng đề cập tới Israel như một "kẻ tiếp tay". Nhưng lần này, thứ tự đã đảo ngược lại, Iran cáo buộc Israel là "kẻ chủ mưu" sát hại ông Fakhrizadeh.
Haaretz nhận định, trong vụ ám sát ông Fakhrizadeh, có một điều quan trọng hơn cả những thiệt hại trực tiếp mà cái chết của nhà khoa học này mang lại cho chương trình hạt nhân Iran. Đó là nó sẽ ngăn các nhà khoa học khác tham gia vào chương trình này.
Hiện những người tham gia dự án đều không phải là lính chiến đấu và không quen ý thức rằng mình có thể đang gặp nguy hiểm. Song, cảm giác đó đã được củng cố khi các nhà khoa học hạt nhân của Iran bị ám sát [đều được cho là do Israel đứng sau]. Xu hướng này bắt đầu từ thập kỷ trước và đang trở lại với cường độ lớn hơn.
Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Times of Israel
Chương trình hạt nhân Iran đã hứng chịu một chuỗi các đòn giáng trong nhiều năm qua [Tehran quy kết cho Mỹ, Israel hoặc cả hai bên phối hợp]. Cùng với các vụ ám sát còn có các vụ tấn công mạng. Trong đó, virus Stuxnet đã tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong năm 2011.
Vụ việc gần đây nhất, và cũng có mức độ tồi tệ nhất, xảy ra vào tháng 7, khi một cơ sở hạt nhân bí ẩn ở Natanz phát nổ. Cuộc tấn công đó được cho là đã trì hoãn chương trình hạt nhân của Iran khoảng 2 năm.
Theo tờ Haaretz, dù phía nào đứng sau vụ sát hại ông Fakhrizadeh thì phía đó cũng đã cho thấy năng lực tình báo chính xác kết hợp với khả năng tác chiến tinh vi trong việc nhận dạng nhà khoa học, hạ gục các vệ sĩ của ông này, tiến hành tiêu diệt và tẩu thoát mà không hề hấn gì.
Nó cũng một lần nữa cho thấy Tehran rất yếu trước các hoạt động tình báo của phương Tây.
Vụ việc này dường như đã được cảnh báo trước từ mùa hè năm nay, khi một thủ lĩnh cấp cao của Al-Qaeda ẩn náu tại Tehran bị ám sát. Tờ New York Times mới chỉ đưa tin về vụ ám sát cách đây một vài tuần và quy kết nó cho một chiến dịch liên hợp giữa Mỹ-Israel.
Cũng theo tờ bài này, gần đây ông Trump đã cân nhắc khả năng không kích vào các cơ sở hạt nhân Iran trong giai đoạn từ 3/11 (bầu cử Tổng thống Mỹ) – 20/1 (lễ nhậm chức của ông Biden).
Tuy nhiên, chiến dịch này khó có khả năng diễn ra. Theo các chuyên gia quân sự phương Tây, thời tiết mùa đông gây khó khăn cho cuộc tấn công. Do đó, có khả năng cao hơn là Mỹ sẽ lựa chọn chiến dịch phá hoại và ám sát.
Giá phải trả có đắt?
Đáng lưu ý, vụ ám sát hôm thứ Sáu diễn ra không lâu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến công du tới Trung Đông, trong đó ông Pompeo đã dừng chân ở Israel và Saudi Arabia.
Thủ tướng Israel Netanyahu được cho là khách mời trong các cuộc họp của ông Pompeo. Saudi Arabia có thể không được thông báo trước về chi tiết chiến dịch hành động, nhưng rõ ràng cả ba quốc gia sẽ phải phối hợp trong trường hợp Iran tìm cách trả đũa như đã đe dọa.
Người biểu tình tập trung lên án vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh tại Tehran ngày 28/11. Ảnh: Reuters
Iran đã tương đối kiềm chế trong những tháng gần đây nhưng không hoàn toàn im lìm. Tiếp sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào Israel và vụ nổ tàu chở dầu của Hy Lạp ở cảng Saudi trong tháng này. Vụ việc làm gợi nhớ tới các cuộc tấn công do IRGC tiến hành hồi năm ngoái.
Iran đã đáp trả vụ ám sát tướng Soleimani hồi tháng 1 năm nay bằng cách huy động các phiến quân dòng Shi’ite nã rocket vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq. Ông Trump quyết định phớt lờ các cuộc tấn công này và tuyên bố chiến thắng, những lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực đã không xảy ra.
Song lần này, tình hình phức tạp hơn do những thay đổi sắp tới tại Nhà Trắng. Nếu Iran đổ lỗi cho Israel, họ có thể lựa chọn một số phương án, từ cuộc tấn công chính xác vào mặt trận phía bắc cho tới các phương án tấn công người Israel ở nước ngoài.
Tuy nhiên, phương án thứ 2 sẽ phức tạp hơn do trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc tuồn mật vụ vào các quốc gia khác khó khăn hơn và do lưu lượng khách du dịch giảm nên sẽ làm hạn chế số lượng mục tiêu.
Theo tờ Haaretz, điều đáng ngại hơn cả đối với Israel chính là mối quan hệ giữa nước này với chính quyền tân Tổng thống Biden có thể sẽ bắt đầu một cách không thuận lợi.
Cho tới nay, vị Tổng thống đắc cử chưa hề lên tiếng nhưng các quan chức cấp cao trong chính quyền cựu Tổng thống Obama đã đưa ra những phản ứng rất gay gắt về vụ ám sát.
Vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh sẽ làm phức tạp tình hình nếu ông Biden muốn quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Và nếu Israel đứng sau vụ việc này, họ có thể sẽ thấy mình đã làm tổn hại mối quan hệ với tân chính quyền Mỹ nhiều hơn là làm tổn hại Iran.
Ngay cả trước khi ông Biden nhậm chức, một loạt các đòn trả đũa có thể nổ ra và lôi kéo chính quyền sắp mãn nhiệm. Các nỗ lực của ông Trump để lật ngược kết quả bầu cử có vẻ đã thất bại nhưng vị Tổng thống này vẫn có thể gây ra những hỗn loạn ở Trung Đông.
Haaretz nhận định, vụ ám sát ông Fakhrizadeh rõ ràng là một chiến thắng ấn tượng khiến chính quyền Iran không kịp trở tay, nhưng vẫn không thể loại trừ khả năng chiến thắng chiến thuật này sẽ gây ra những tác động chiến lược dưới hình thức leo thang trong khu vực.