Tại buổi mít tinh trọng thể kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng hôm 7/1/2024, ông Hun Sen - Chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao Quốc vương Campuchia, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) - nhấn mạnh rằng ngay từ buổi đầu của Khmer Đỏ vào năm 1975 cho đến ngày tàn của chúng năm 1979, chế độ diệt chủng này đã biến đất nước Campuchia thành "nhà tù không có những bức tường" bằng các cuộc tàn sát đẫm máu đối với nhân dân. Bè lũ Pol Pot chịu trách nhiệm cho tội ác gây ra cái chết của 3 triệu sinh mạng.
Ông Hun Sen khẳng định, thảm kịch đó đã được chấm dứt bởi lực lượng vũ trang cách mạng dưới ngọn cờ Mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia, cùng với sự giúp đỡ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, và mang đến "lần thứ hai được sinh ra" cho nhân dân Campuchia.
Campuchia không có hôm nay nếu không có Ngày Chiến thắng 7/1/1979
Vào năm 2020, trả lời phỏng vấn của tờ Khmer Times (Campuchia) nhân dịp kỉ niệm 41 năm ngày Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và Quân tình nguyện Việt Nam giải phóng thủ đô Phnom Penh từ tay Khmer Đỏ, Giáo sư lịch sử nổi tiếng của Campuchia, ông Sambo Manara cho biết: "Nói về ngày 7/1, chúng ta nhớ lại những bi kịch mà người dân Campuchia (trong đó có tôi) đã trải qua. Tôi mất 24 thành viên trong gia đình dưới chế độ Khmer Đỏ và tôi vẫn không biết cha tôi qua đời như thế nào. Ngày này tượng trưng cho niềm hy vọng mới và sự thống nhất của dân tộc. Nó cũng cho chúng tôi cơ hội được sống cùng gia đình và hướng tới tương lai, một lần nữa."
Cũng trong buổi phỏng vấn trên tờ Khmer Times, phát ngôn viên Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) ông Sok Eysan cho hay: "Khi nói về ngày 7/1, chúng ta không chỉ nói về cuộc sống của những người nay đã lớn tuổi, phải chịu đựng chế độ tàn ác của Khmer Đỏ mà chúng ta còn phải nói về giới trẻ. [Campuchia] sẽ không thể có hôm nay nếu không có sự kiện ngày 7/1, sẽ không có thế hệ trẻ ngày nay nếu không có sự kiện ngày 7/1. Ngày 7/1/1979 là một ngày lịch sử không ai có thể phủ nhận."
Tờ Kampuchea Thmey Daily (Campuchia) nhận định, ngày 7/1/1979 được nhân dân Campuchia coi là ngày sinh nhật lần thứ hai của đất nước này. Tờ báo viết, nhờ nền hòa bình sau sự kiện này mà Campuchia hiện nay phát triển và được cộng đồng quốc tế công nhận.
Đảng Nhân dân Campuchia khẳng định, Ngày Chiến thắng 7/1 đã cho phép Campuchia đạt được 4 thành tựu to lớn trong lịch sử:
Thứ nhất, giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Pol Pot tàn bạo và ngăn chặn chế độ này quay trở lại Campuchia lần nữa. Thứ hai, mang lại cho người dân tất cả các quyền tự do đã bị Pol Pot tước đoạt. Thứ ba, khôi phục và xây dựng nền kinh tế quốc dân dần ổn định và thứ tư, từ đó nhân dân Campuchia có thể xây dựng lực lượng nòng cốt đoàn kết dân tộc.
Dấu ấn của quân tình nguyện Việt Nam trong ngày lịch sử của Campuchia
Năm 1975, ngay sau khi Việt Nam kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bước vào công cuộc phục hồi đất nước, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Tây Nam nước ta. Chúng đem quân tấn công các đồn biên phòng, làng mạc, thị trấn biên giới Việt Nam, tàn sát dã man dân thường.
Trước hành động khiêu khích, xâm phạm biên giới của quân Pol Pot, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm mong muốn Việt Nam và Campuchia đàm phán ký kết hiệp ước về biên giới giữa hai nước trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tiếp tục phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Tuy nhiên, tất cả nỗ lực ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới của ta đều bị tập đoàn Pol Pot từ chối. Chúng tiếp tục phát động cuộc chiến tranh xâm lược, buộc chúng ta phải tổng phản công, cùng quân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng.
Tới ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia được thành lập. Đáp lại lời cầu cứu của nhân dân Campuchia và lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã tiến về thủ đô Phnom Penh.
Ngày 23/12/1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới. Hệ thống phòng thủ vòng ngoài của Pol Pot không thể cầm cự nổi và bị phá nát chỉ 3 ngày sau đó.
Tới ngày 31/12/1978, quân dân Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm.
Ngày 6/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Phnom Penh. Một ngày sau đó, sự thống trị bạo tàn của Khmer Đỏ chính thức bị lật đổ, thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng.
Ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của Pol Pot, thành lập Cộng hòa nhân dân Campuchia.
Nhà sử học Manara chia sẻ: "Không ai có thể nghi ngờ việc quân tình nguyện Việt Nam vượt biên giới và tham chiến ở Campuchia. Người dân Campuchia thực sự cần được giúp đỡ để giải phóng mình. Sau giải phóng, những người sống sót đã nỗ lực khôi phục đất nước. Và tôi tự hào về những gì Campuchia có được ngày hôm nay."
"Khi Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia được thành lập vào ngày 2/12/1978, lực lượng này của chúng tôi rất yếu trước lực lượng Khmer Đỏ. Chúng tôi cần sự giúp đỡ. Quân tình nguyện Việt Nam lúc đó đã đáp lại lời kêu gọi đau khổ của người dân Campuchia. Sự giúp đỡ của họ đã giúp chúng tôi đánh bại được Khmer Đỏ. Ngày 7/1/1979 đánh dấu một sự kiện không thể xóa được khỏi lịch sử," ông Sok Eysan đánh giá về sự giúp đỡ của Việt Nam trong công cuộc đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Sau ngày 7/1/1979, đáp ứng yêu cầu của chính quyền cách mạng, nguyện vọng của nhân dân Campuchia cũng như theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam ở lại làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố lực lượng vũ trang, đập tan tàn dư của Khmer Đỏ, khôi phục và xây dựng đất nước cho đến tháng 9/1989 mới trở về nước.
Trả lời phóng viên TTXVN nhân sự kiện 45 năm kỉ niệm ngày 7/1/1979, Giáo sư Manara nhấn mạnh ý nghĩa của cụm từ “Bộ đội tình nguyện Việt Nam” sang hỗ trợ Campuchia theo cách gọi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Ông Manara khẳng định: "45 năm qua chúng tôi luôn luôn dùng từ 'Bộ đội tình nguyện Việt Nam'. Nói tới chữ 'tình nguyện' nghĩa là không yêu cầu đền đáp gì cả. Trong tiếng Khmer cũng như ngôn ngữ nước ngoài, từ 'tình nguyện' đều mang ý nghĩa đề cao giá trị đạo đức xuất phát từ trái tim".
Thế hệ trẻ Campuchia cần ghi nhớ ngày quan trọng
Bàn về tầm quan trọng của việc thế hệ trẻ Campuchia cần ghi nhớ chiến thắng ngày 7/1/1979, phát ngôn viên CPP ông Eysan chia sẻ: "Những người sống sót qua chế độ Khmer Đỏ có thể vẫn gặp ác mộng khi nhớ lại những cảnh tượng người ta bị trói và đưa đến nơi hành quyết và tại đây họ đã bị giết bằng giáo tre. Thế nhưng những người sinh ra sau thời điểm khó khăn đó lại có thể chưa đủ quan tâm đến việc điều gì đã mang tới cho họ ngày hôm nay. Họ sinh ra đã được hưởng những thành quả do ngày 7/1/1979 mang lại và họ có thể biết về sự hy sinh của cha ông thông qua con đường học tập.
Ngày 7/1 đã mang lại cho Campuchia cuộc sống, bởi sự kiện ngày này đã dẫn đến việc ký kết Hiệp định Hòa Bình Paris và cuộc bầu cử đầu tiên, sau đó là chính sách "cùng thắng" (Win-Win) mang lại dân chủ, hòa bình và thống nhất cho Campuchia. Những người trẻ của chúng ta phải biết những sự kiện này bắt đầu từ đâu."
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet sinh năm 1977, là một trong những người thuộc thế hệ trẻ Campuchia thừa hưởng những thành quả của chiến thắng vĩ đại ngày 7/1. Trong bộ phim tài liệu lịch sử Hành trình cứu nước (Marching towards national salvation) do Trung tâm Phát thanh - Truyền hình QĐND Việt Nam sản xuất năm 2017, ông Manet đã nói về tầm quan trọng của việc thế hệ trẻ ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước:
"Sự phát triển của đất nước Campuchia từ năm 1979 đến nay, từ chỗ không có gì đến những thứ mà chúng tôi có ngày hôm nay, những nền tảng mà giới trẻ được hưởng ngày hôm nay là kết quả của sự nỗ lực hy sinh từ thế hệ trước. Tôi rất tự hào được là một phần của thế hệ trẻ. Chúng tôi đã tận dụng cơ hội này để phát triển đất nước. Campuchia có rất nhiều người trẻ sinh sau năm 1979 được học hành, có tri thức và họ đóng vai trò quan trọng để xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng hơn."
Ông Hun Manet chia sẻ tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Chiến thắng hôm 7/1 tại Phnom Penh: "45 năm trước, tất cả người dân Campuchia, kể cả trẻ em, đều bị cưỡng bức lao động. Họ không chỉ phải làm việc quá sức mà còn không có ngày nghỉ, không đủ lương thực, không chăm sóc y tế, không có trường học hay chùa chiền, và không có tự do."
"Kể từ ngày giải phóng đất nước mùng 7/1/1979, nhân dân đã có được tự do trọn vẹn và đất nước có được hòa bình, phát triển ở tất cả lĩnh vực. Đó là lý do ngày này được xem như ngày khai sinh thứ hai của chúng ta," ông Manet nói.
Hôm 6/1, trong buổi lễ tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ công dân Campuchia Hun Many bày tỏ quan điểm: "Người trẻ không cần phải chìm đắm trong quá khứ nhưng hãy nhớ đến lịch sử cay đắng. Nhớ tới lịch sử và hãy ăn mừng những gì chúng ta có ngày nay - kết quả của một nền hòa bình khó khăn mới có được."
Cựu Thủ tướng Hun Sen nói Campuchia đã thay đổi to lớn trong 45 năm qua kể từ Ngày Chiến thắng, đáng kể nhất là trong vòng 25 năm kể từ khi đạt được hòa bình toàn diện vào năm 1998. Nhiều thành tựu đã đạt được và mục tiêu phát triển của Campuchia không dừng ở đó. Vẫn còn chặng đường dài phía trước để xây dựng một đất nước "hiện đại và văn minh, bảo đảm rằng sẽ không còn một cuộc chia tách quốc gia, chiến tranh hay diệt chủng nào nữa".
Ông Hun Sen nói tại cuộc mít tinh hôm 7/1 rằng 5 năm tiếp theo sẽ là thời kỳ then chốt khi đất nước đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững, toàn diện và công bằng hướng tới đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2050.
"Thời gian đã thử thách ý chí và năng lực của chúng ta. Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xuất sắc này, chỉ cần có thể duy trì được sự đoàn kết dân tộc vững mạnh và kiên định quyền làm chủ đất nước, cùng với sự lãnh đạo đúng đắn," ông Hun Sen nêu.
"Campuchia đã chuyển mình từ một đất nước xung đột kéo dài và giết chóc dã man thành một vùng đất xinh đẹp hòa bình, tự do, dân chủ và pháp quyền, nơi người dân làm chủ vận mệnh của mình".