Theo một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022 và chiến sự đang diễn ra đã thúc đẩy việc mua sắm vũ khí ở châu Âu một cách mạnh mẽ, trong đó các nhà sản xuất Mỹ là những người hưởng lợi chính.
Từ năm 2019 đến 2023, tổng thương mại vũ khí toàn cầu giảm 3,3% so với số liệu giai đoạn 2014-2018, nhưng lượng vũ khí mà các nước châu Âu nhập khẩu trong giai đoạn vừa qua đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước đó.
Ở mức 55%, thị phần bán vũ khí lớn nhất cho các nước châu Âu đến từ Mỹ. Con số này tăng 20% so với giai đoạn trước.
Sự thống trị toàn cầu của Mỹ
Chủ yếu nhờ bán sang các nước châu Âu, tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Mỹ đã tăng 17%. Các nhà sản xuất tại Mỹ đã giao vũ khí cho 107 quốc gia, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào khác được SIPRI hoặc bất kỳ nước xuất khẩu vũ khí nào khác nghiên cứu.
Mathew George - Giám đốc Chương trình Chuyển giao Vũ khí của SIPRI - cho biết: "Mỹ đã tăng cường vai trò toàn cầu với tư cách là nhà cung cấp vũ khí - một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ - xuất khẩu nhiều vũ khí sang nhiều quốc gia hơn bao giờ hết so với quá khứ. Điều này xảy ra vào thời điểm sự thống trị về kinh tế và địa chính trị của Mỹ đang bị thách thức bởi các cường quốc mới nổi."
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ukraine là quốc gia châu Âu có số lượng vũ khí nhập khẩu tăng cao nhất. Từ năm 2019 đến 2023, Ukraine từ nước nhập khẩu tối thiểu và là nước tự sản xuất trong nước trở thành nước mua vũ khí số 4 trên thế giới, sau Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Qatar. Nhập khẩu của Ukraine tăng 6.600% so với giai đoạn trước.
Năm 2023, Ukraine là nước nhập khẩu vũ khí số 1 toàn cầu. Mỹ, Đức và Ba Lan là 3 nhà cung cấp hàng đầu của Ukraine.
Xuất khẩu của Nga trượt dốc
Theo SIPRI, năm nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức. Pháp vượt qua Nga để giành vị trí số 2. Xuất khẩu của Nga giảm 53%. Doanh số bán hàng của Pháp tăng 47%.
Năm 2019, 31 quốc gia vẫn nhập khẩu vũ khí từ Nga. Đến năm 2023, con số này đã giảm xuống còn 12, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc - những nước vẫn duy trì thương mại dầu khí với Nga - tính đến nay là những khách hàng quan trọng nhất.
"Trong các trường hợp khác, ở một mức độ nào đó, Mỹ và các nước châu Âu cũng đã gây áp lực lên các quốc gia đã mua vũ khí của Nga trước đây hoặc đang nghĩ đến việc làm điều đó", Pieter Wezeman - một trong những tác giả của báo cáo - nói với DW.
Wezeman nói rằng, đó là "điều mà chúng ta có thể thấy rất rõ ràng trong trường hợp Ai Cập - quốc gia định mua máy bay chiến đấu của Nga - sau đó bị Mỹ gây áp lực nên đã không làm như vậy mà giờ đây quay sang Pháp để mua máy bay chiến đấu tiên tiến".
Pháp đang theo đuổi chính sách "chủ quyền chiến lược", Wezeman cho biết. "Về cơ bản, họ muốn có thể sử dụng lực lượng quân sự bất cứ khi nào mình muốn mà không bị phụ thuộc vào vũ khí của người khác. Vì vậy, họ cần một ngành công nghiệp vũ khí, nhưng để có được điều đó, bạn thực sự cần phải xuất khẩu. Nếu không, nó sẽ trở nên quá đắt đỏ".
Wezeman cho biết, ngành công nghiệp vũ khí của Pháp đã rất thành công trong 10 năm qua, với sản phẩm bán chạy nhất là máy bay chiến đấu Rafale, cũng như tàu ngầm và tàu khu trục.
Xuất khẩu tàu ngầm của Đức
Theo SIPRI, vị trí nước xuất khẩu vũ khí số 5 thế giới của Đức không thay đổi từ năm 2014 đến năm 2023, với Trung Đông là thị trường chính.
Xuất khẩu vũ khí từ Đức đã giảm 14% trong thời gian đó, mặc dù chuyên gia Wezeman cho biết mức giảm này chỉ mang tính tương đối. Giai đoạn 5 năm trước đặc biệt sôi động nhờ các đơn đặt hàng lớn, nhất là tàu ngầm.
Ngược lại, riêng năm 2023 lại đặc biệt tốt cho ngành công nghiệp vũ khí Đức. Wezeman nói rằng điều đó "tất nhiên một phần liên quan đến viện trợ quân sự dành cho Ukraine, nhưng cũng liên quan đến việc chuyển giao các tàu ngầm, chẳng hạn như cho Singapore, các tàu khu trục và tàu hộ tống cho cả Israel và Ai Cập".
Cũng theo SIPRI, ngược lại với các đối tác châu Âu, các nước châu Phi đã mua số lượng vũ khí nước ngoài từ năm 2019 đến năm 2023 bằng khoảng 1/2 so với nửa thập kỷ trước, chủ yếu do hai quốc gia nhập khẩu nhiều nhất trước đó đã giảm mua. Algeria nhập khẩu vũ khí ít hơn 77%, còn các đơn hàng của Maroc đã giảm 46%.
Nga - với sự hiện diện ngày càng nhiều ở Lục địa Đen trong những năm gần đây - là nhà cung cấp vũ khí số 1 cho các nước Châu Phi, tiếp theo là Mỹ và Trung Quốc.