Chiến sự Syria: Canh bạc lớn của hai Tổng thống Putin và Erdogan - Căng thẳng báo động Đỏ

Tiêu Chiến |

Chiến sự Syria chưa thể kết thúc, thậm chí còn leo thang căng thẳng lên mức "báo động Đỏ", đặt ra thách thức không nhỏ trong "ván bài" Syria của cả Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ D. Trump cũng như Tổng thống Nga V. Putin về việc đánh bại tổ chức IS ở Syria, cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia này dường như đã đến hồi kết.

Tuy nhiên, các diễn biến phức tạp gần đây chứng tỏ chiến sự tại Syria chưa thể kết thúc, thậm chí còn leo thang căng thẳng lên mức "báo động Đỏ", đặt ra thách thức không nhỏ trong "ván bài" Syria của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Idlib - thành trì cuối cùng

Năm 2017, với sự giúp đỡ của Nga và Iran, về cơ bản, quân đội Chính phủ Syria của Tổng thống Bassar al-Assad lãnh đạo, đã tiêu diệt phần lớn lực lượng IS và các tổ chức khủng bố khác. Tàn quân còn lại của các tổ chức khủng bố phải "tháo chạy" khắp nơi từ mọi khu vực trên lãnh thổ Syria và rút lui về cố thủ ở tỉnh Idlib.

Kể từ đó, Idlib trở thành "sào huyệt cuối cùng" của các tổ chức khủng bố ở quốc gia Trung Đông này.

Do đó, tiêu diệt nốt đám tàn quân trên để giải phóng toàn bộ đất nước là nhiệm vụ tối thượng của quân đội Syria, nhưng đây cũng là thử thách vô cùng phức tạp, có thể dẫn tới thảm họa nhân đạo, với hậu quả là hàng triệu người tỵ nạn sẽ tràn sang châu Âu.

Tháng 5/2017, Tổng thống Nga V. Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tổ chức cuộc gặp ở Astana (Kazakhstan) để ký thỏa thuận thành lập khu vực an ninh ở Idlib, còn được gọi là "khu vực giảm leo thang quân sự", có diện tích rộng bao gồm tỉnh Idlib và một phần của Latakia, Aleppo và Hama.

Năm 2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn đạt được một thỏa thuận nữa về thiết lập "khu phi quân sự", trong đó các lực lượng của hai bên sẽ cùng tuần tra giám sát chung.

Lẽ ra, các thỏa thuận trên có thể mang lại hòa bình cho Syria, tuy nhiên tình hình chiến sự tại quốc gia này từ cuối năm 2019 đến nay lại hiện diễn ra vô cùng căng thẳng và phức tạp giữa các bên tại tỉnh Idlib, thành trì cuối cùng của người Kurd.

Đáng chú ý, một số chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc chiến ở Syria hiện chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Đằng sau những cánh cửa đóng kín, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng biện pháp ngoại giao ngầm để tìm cách kết thúc cuộc chiến này, bởi lẽ, cả hai đều có những lý do, toan tính riêng của mình.

Chiến sự Syria: Canh bạc lớn của hai Tổng thống Putin và Erdogan - Căng thẳng báo động Đỏ - Ảnh 2.

Phòng không Syria đánh trả đòn tập kích tên lửa của liên quân Mỹ-Anh-Pháp tháng 4/2018.

Từ phía Tổng thống Nga...

Mục tiêu của Nga tại Syria là khá rõ ràng. Nếu để tỉnh Idlib rơi vào tay các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ thì không những đồng minh của Nga - Tổng thống al-Assad sẽ mất đi lãnh thổ của mình, mà Nga còn phải chịu một thất bại lớn về mặt địa chính trị trước nhân tố Mỹ.

Tuy vậy, từ một góc độ khác, cuộc chiến tại miền Bắc Syria còn có ảnh hưởng đến nền đối nội của nước Nga hiện nay.

Ở một khía cạnh nào đó, ông Putin cũng rất quan tâm đến việc liệu cuộc chiến Syria có làm giảm uy tín của mình với cử tri Nga hay không.

Bằng chứng là trong cuộc phỏng vấn mới đây với Hãng thông tấn TASS, Tổng thống Putin tuyên bố: "Chúng ta không bắn súng vào ai ở Syria. Điều chúng ta làm ở Syria là tạo ra điều kiện để không bên nào bắn súng vào nhau".

Ngoài ra, ông còn đề cập ít nhiều tới câu chuyện nguồn ngân sách Quốc phòng của nước Nga đang giảm (48 tỷ USD), trong khi ở Mỹ thì lại tăng lên tới 717 tỷ USD trong năm tài khóa 2019-2020. So sánh này liên quan trực tiếp đến mối lo về ngân sách của cử tri Nga.

Từ năm 2014, ngân sách của Nga đã chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ/phương Tây, hiện nay còn phải đối mặt với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm giá dầu.

Chỉ cần có tin tức rằng, chính quyền Nga không có đủ nguồn vốn để đối phó với đại dịch Covid-19 thôi cũng đủ khiến xã hội nước này trở nên bất ổn, kích động các cuộc biểu tình đường phố.

Thế nhưng cũng vì lý do chi phí mà Tổng thống Putin muốn sớm kết thúc cuộc chiến ở Syria. Chi phí về người và của mà Nga phải gánh chịu ở Syria là không hề nhỏ; điều này càng khiến chính quyền của ông Putin thêm quyết tâm giành chiến thắng về tay Tổng thống al-Assad bằng cách giành lại quyền kiểm soát tỉnh Idlib.

Chiến sự Syria: Canh bạc lớn của hai Tổng thống Putin và Erdogan - Căng thẳng báo động Đỏ - Ảnh 3.

Hai tổng thống Nga và Mỹ đang chơi canh bạc lớn ở Syria.

Vì lý do ngân sách và quyền lực địa chính trị nói trên mà khả năng quân đội Nga đối đầu trực tiếp với các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ là khá thấp.

Điều kiện mà Tổng thống Putin có thể đặt lên bàn đàm phán là toàn bộ các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi phần lãnh thổ phía Tây sông Euphrates mà họ đang kiểm soát. Quân đội Chính phủ Syria sau đó sẽ tiến vào khu vực này để tái lập lại quyền kiểm soát của mình.

Nhiều khả năng lực lượng người Kurd sẽ bị Damascus cho ra rìa, nhưng cũng có thể là ông Putin sẽ can thiệp để Chính phủ Kurdistan có một tiếng nói theo đúng thỏa thuận mà họ đã ký với ông al-Assad trước đó.

Về lâu dài, Tổng thống Putin dường như không muốn một nước Cộng hòa người Kurd hoàn toàn độc lập, thay vì đó người Kurd sẽ có khu vực tự trị của riêng mình. Chiến thắng của Tổng thống Nga khi đó là tình hình biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ trở lại ổn định và Nga đặt được hai chân - một ở Syria và một ở Thổ Nhĩ Kỳ.

... đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Từ khi xảy ra cuộc nội chiến Syria, có khoảng 5,6 triệu người dân của quốc gia này buộc phải rời bỏ quê hương để đi tỵ nạn, tha hương. Hầu hết những người này đều đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau khi trừ đi những trường hợp đã sang được châu Âu, hiện Thổ Nhĩ Kỳ trở thành "ngôi nhà chung" của hơn 3,6 triệu người tỵ nạn Syria.

Với tiềm lực kinh tế "thực có" của mình, Thổ Nhĩ Kỳ gần như không đủ khả năng để hỗ trợ cho nhiều người tỵ nạn của Syria đến vậy. Bởi thế cho nên, một trong những cách mà ông Erdogan nghĩ ra nhằm giải quyết vấn đề người tỵ nạn Syria là xây dựng một "khu tái định cư" cho họ trên lãnh thổ của người Kurd.

Chi tiết kế hoạch xây dựng khu định cư đã được ông Erdogan trình bày trước Đại hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 11/2019, chỉ vài tuần trước khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Kurdistan.

Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng khoảng 140 ngôi làng trong dải đất 20 dặm, chạy dọc biên giới với Syria. Sẽ có khoảng 1 triệu người tỵ nạn được chuyển đến sống trong những ngôi làng này. Tổng chi phí của dự án khoảng 26 tỷ USD.

Mục đích chính khiến ông Erdogan trình bày kế hoạch là nhằm kêu gọi tiền tài trợ từ các quốc gia khác.

Vị Tổng thống này còn có nhiều ẩn ý khi bóng gió rằng, nếu Liên minh châu Âu không tài trợ cho dự án trên, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng mở cửa biên giới để người tỵ nạn Syria tràn vào các quốc gia thành viên EU; qua đó chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đối với khối này.

Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế giới đang đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước tới nay vì đại dịch Covid-19, yêu sách nói trên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khó mà nhận được sự đồng thuận cao của giới chức EU.

Đấy là còn chưa kể sự phản đối của các đảng chính trị cấp tiến và tổ chức hoạt động nhân quyền ở phương Tây.

Các ngành công nghiệp và dịch vụ của Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng đình trệ vì virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, virus nguy hiểm này lại có điều kiện thuận lợi để lây truyền, một phần vì số người di cư thiếu nơi định cư ổn định hiện ở mức quá cao: tính đến ngày 22/4/2020, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận hơn 95.591 ca mắc virus SARS-CoV-2 và 2.259 người chết vì thứ virus quái ác đó.

Trong khi Chính phủ nước này đang thiếu nguồn vốn để đối phó đại dịch, hồi phục nền kinh tế hậu dịch, còn phải chịu thêm các khoản chi phí duy trì quân đội ở Syria. Hoàn toàn có khả năng cuộc chiến và đại dịch Covid-19 sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng về kinh tế trong thời gian tới.

Theo các nguồn tin từ vùng chiến sự, cho tới thời điểm này, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng một lần nổ súng vào các lực lượng Nga. Tuy vậy, có những dấu hiệu cho thấy vào cuối tháng 02/2020, phiến quân Hồi giáo do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã nã rocket vào máy bay Nga cất cánh từ căn cứ quân sự Khmeimim.

Chiến sự Syria: Canh bạc lớn của hai Tổng thống Putin và Erdogan - Căng thẳng báo động Đỏ - Ảnh 5.

Chiến đấu cơ Không quân Nga tại căn cứ sân bay Khmeimim, Syria.

Không quân Nga sau đó đã đáp trả bằng việc ném bom một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đến thành trì Idlib, khiến 55 binh lính thiệt mạng. Có thông tin cho rằng sau đó Nga đã từ chối yêu cầu mở không phận của Ankara để máy bay Thổ Nhĩ Kỳ chuyển binh lính bị thương về hậu phương.

Cũng phải nói thêm về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng phiến quân Hồi giáo đang chiến đầu với người Kurd ở Idlib.

Vào khoảng giữa năm 2011, khi phong trào "Mùa xuân Arab" đang ở giai đoạn cao trào, Ankara đã gửi một phái đoàn dẫn đầu bởi Bộ trường Ngoại giao Ahmet Davutodlu đến Damascus; cố gắng thuyết phục ông al-Assad thuận theo một số yêu sách của người biểu tình.

Tuy phái đoàn này đã thất bại, song việc Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra thân thiết với các lực lượng đối lập ở Syria đã được thể hiện rõ.

Đến khi nội chiến xảy ra, ngoài việc tham gia liên minh chống chính quyền ông al-Assad do Mỹ dẫn đầu, Thổ Nhĩ Kỳ còn tự mình tài trợ cho một số lực lượng phiến quân Hồi giáo ở miền Bắc Syria.

Chính những lực lượng này, tiêu biểu nhất là nhóm quân đội Syria tự do (FSA) đã đóng vai trò tiền quân của Thổ Nhĩ Kỳ. Sai lầm của ông Erdogan ở đây là coi nhẹ sự cực đoan của phiến quân Hồi giáo do mình hậu thuẫn.

Minh chứng cụ thể, ngay sau khi chiếm được một số thị trấn ở Kurdistan, FSA đã tiến hành mở cửa nhà tù thả quân khủng bố IS, đồng thời thực hiện nhiều nhiệm vụ bắt cóc và ám sát các lãnh đạo người Kurd.

Ngoài việc phải đối mặt với áp lực của dư luận thế giới vì những hành động tàn bạo do FSA tiến hành, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đối mặt với những tên khủng bố IS được trả tự do. Một số chạy sang Palestine, Iraq và Lebanon, phần còn lại có thể qua Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục hoạt động hoặc tìm cách xâm nhập vào châu Âu.

Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang phải đối mặt với làn sóng khủng bố nội địa, nay lại phải đối mặt thêm với những thành viên có kinh nghiệm của tổ chức IS. Do đó, thời gian tới tình hình an ninh tại quốc gia này chắc chắn sẽ trở nên vô cùng bất ổn.

Toan tính phía trước

Trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống V. Putin ngày 5/3 vừa qua, hai bên đã có cuộc họp kín để thảo luận chi tiết về vấn đề Syria. Theo thông cáo báo chí, ông Erdogan đã đề xuất thành lập vùng "phi quân sự" dài 6 km dọc theo đường cao tốc M4 để ngăn cách quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân Syria.

Để Nga chấp nhận kế hoạch trên, ông Erdogan đã sử dụng các giếng dầu ở miền Bắc Syria làm vật trao đổi. Có một điều đáng chú ý ở đây là ông Putin có vẻ như đã tỏ ra chần chừ trước đề nghị nói trên của Tổng thống Erdogan.

Các nhà quan sát từ lâu đã nhận định rằng, Nga có kế hoạch cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có sự hiện diện trên đất Syria, đổi lại Ankara phải ngừng chiến dịch đánh chiếm Syria.

Như vậy, có thể thấy, hai vị Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một ván cờ, mà bàn cờ là Syria và phần thưởng là tương lai của quốc gia này.

Syria đang đứng trước việc kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 9 năm, song câu chuyện ai sẽ là nhân tố quyết định "hồi kết" vẫn còn để ngỏ, bởi lẽ tình hình chiến sự tại Syria gần đây tiếp tục diễn biến quá nhanh và khó lường; và nút thắt Idlib vẫn là "bài toán nan giải" đối với tất cả các bên liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại