Một loạt các thất bại quân sự của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) lãnh đạo bởi tướng Khalifa Haftar trong những tháng gần đây đã thay đổi thế cờ xung đột ở quốc gia Bắc Phi.
Các hoạt động ngoại giao đang được tiến hành gấp rút với những dự đoán LNA sẽ sớm chấp nhận ngừng bắn. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, tướng Haftar sẽ không dễ buông xuôi để Thổ Nhĩ Kỳ lấn lướt.
Giấc mơ tan vỡ
Kế hoạch kiểm soát Tripoli của tướng Haftar từ tay Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận đã không thành, ít nhất là cho đến thời điểm này.
Quân đội LNA đã buộc phải rút lui khỏi một số thành phố nằm ở phía tây bắc Tripoli, gần biên giới với Tunisia, cũng như căn cứ không quân al-Watiya, căn cứ chiến lược ở phía tây nam thủ đô.
Trong khi các quốc gia hậu thuẫn như Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Saudi Arabia đã đặt niềm tin rất lớn, tướng Haftar dường như đã không thể đạt được kỳ vọng và thất bại này đang làm giảm uy tín của nhà lãnh đạo quân sự.
Ai Cập đã phản ứng nhanh chóng bằng cách công bố một lộ trình được gọi là Tuyên bố Cairo nhằm chấm dứt xung đột Libya, đề nghị các bên giải giáp vũ khí. Tuyên bố Cairo của Tổng thống Abdel- Fattah al-Sisi được các quốc gia vùng Vịnh và Nga hoan nghênh, trong khi chính quyền GNA do Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không mấy hào hứng.
Với lợi thế quân sự nắm trong tay, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đang muốn phản công để giành thêm nhiều lãnh thổ hơn từ tay LNA để nâng cao vị thế đàm phán, thay vì chấp nhận hiện trạng hiện tại.
GNA và Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng bất kỳ quãng nghỉ nào vào thời điểm này sẽ là "đưa dao cho kẻ thù" khi được tướng Haftar tận dụng để tái cơ cấu lực lượng và lên kế hoạch trở lại chiến trường một lần nữa.
Vị trí chiến lược
Trong thế giằng co hiện tại, vị trí chiến lược đang được các bên khao khát nhất là thành phố cảng Sirte và căn cứ không quân al-Jufra ở khu vực miền trung. Sirte liền kề với cái gọi là "lưỡi liềm dầu mỏ" bao gồm các mỏ dầu quan trọng của Libya, nơi chính quyền GNA và Thổ Nhĩ Kỳ có ý định giành quyền kiểm soát.
Đối với căn cứ không quân al-Jufra, GNA và Thổ Nhĩ Kỳ tâm niệm, họ phải ngăn chặn trước khi Nga tăng cường sự hiện diện tại đây bằng cách đưa quân tiếp viện đến hỗ trợ cho tướng Haftar.
Về mặt chiến thuật, GNA và Thổ Nhĩ Kỳ tính toán rằng áp lực quân sự tiếp tục đè nặng lên Haftar sẽ khiến lực lượng này yếu đi, khiến nhà lãnh đạo LNA dễ dàng bị loại khỏi bàn cờ Libya.
Lần đầu tiên kể từ khi giai đoạn mới nhất của cuộc xung đột Libya diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc điện đàm tuần trước.
Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng hậu thuẫn cho GNA thừa thắng xông lên.
Tuy nhiên, phía Ankara đã không nói gì nhiều về sự kiện này. Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ chưa muốn cam kết ngừng bắn. Nếu ý định của Moscow là thúc giục chính quyền Erdogan, thì mục đích này đã không hiệu quả.
Tổng thống Erdogan vẫn đang thể hiện lập trường cứng rắn. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ ý định "thừa thắng xông lên", đánh chiếm Sirte và căn cứ không quân al-Jufra khi lực lượng của tướng Haftar đang suy yếu.
Mặt khác, Nga cũng khó có thể từ bỏ căn cứ ở Libya một cách dễ dàng và được dự đoán là sẽ tăng cường hỗ trợ cho tướng Haftar.
Nga lập căn cứ
Theo các báo cáo từ phía Mỹ, Nga gần đây đã chuyển hơn một chục máy bay chiến đấu đến căn cứ al-Jufra. Thổ Nhĩ Kỳ dự đoán rằng Nga có kế hoạch biến al-Jufra thành căn cứ quân sự.
Viễn cảnh Nga thành lập căn cứ quân sự ở Libya cũng ám ảnh NATO. Có một sự đồng thuận giữa Ankara, Brussels và Washington rằng họ phải phản ứng trước bất kỳ động thái nào liên quan đến việc Nga thiết lập một căn cứ quân sự của ở Libya, vì điều đó sẽ làm suy yếu sự thống trị của liên minh ở Địa Trung Hải trong khi Nga tăng cường sự hiện diện ở phía đông Địa Trung Hải và thách thức sự vị thế Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Tổng thống Erdogan dường như đang hướng đến mục tiêu chiếm lấy Sirte và các khu vực xung quanh. Đây là những khu vực có giếng dầu quan trọng và nước này sẽ nắm trong tay ưu thế lớn. Rõ ràng, Tổng thống Erdogan tính toán rằng thành công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya sẽ mang đến tiềm năng để định hình mối quan hệ với Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ bằng cách lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn. Washington đang lo ngại về các báo cáo cho rằng Ai Cập có thể gửi lực lượng vào Libya để ngăn chặn làn sóng can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, sự hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy Hy Lạp, đối thủ lâu năm của nước này, bước vào cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia NATO.
Cuộc xung đột Libya vẫn còn phức tạp khi các quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập vẫn là các thế lực đáng gờm. Mặc dù quyền kiểm soát lãnh thổ của GNA đã tăng gấp đôi, nhưng diện tích đó vẫn chưa đạt mức 1/5 lãnh thổ toàn Libya, trong khi LNA vẫn chiếm đến 60% lãnh thổ đất nước, bao gồm các mỏ dầu.
Nếu các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ Sirte và Benghazi, điều đó sẽ thay đổi đáng kể cục diện cuộc chiến ở Libya và trên toàn khu vực. Nhưng còn quá sớm để nói về viễn cảnh đó.